Những điểm mới về phân cấp, phân quyền trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù. Trong đó, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển trong thời gian tới.

Phân quyền trực tiếp trong thời gian HĐND TP không họp

Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian HĐND TP không họp, Thường trực HĐND TP quyết định một số nội dung và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất. Quy định này giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở Thủ đô.

Cụ thể, tại khoản 5 Điều 9 về HĐND TP “Trong thời gian HĐND TP không họp, Thường trực HĐND TP được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất: Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; Điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp cần thiết đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công; Việc hỗ trợ cụ thể theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật này căn cứ vào dự toán ngân sách hằng năm đã được HĐND TP phê duyệt”.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Luật Thủ đô (sửa đổi) tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Đối với UBND TP Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Theo khoản 3 Điều 10 về UBND TP “Căn cứ vào nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TP theo trình tự, thủ tục do HĐND TP quy định”.

Tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Điều 14 quy định phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND. Theo đó, UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền.

Theo đó, UBND, Chủ tịch UBND TP thực hiện phân cấp, ủy quyền theo quy định: căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, UBND TP được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP hoặc UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình; phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công;

Trong trường hợp cần thiết, UBND TP có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP hoặc UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND TP có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND TP, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Cùng đó, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện phân cấp, ủy quyền theo quy định: căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, UBND cấp huyện được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình; phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công;

Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp huyện có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã; Chủ tịch UBND cấp huyện có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP được ủy quyền cho UBND cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình.

Cơ chế phân quyền sẽ giúp công tác quản lý điều hành hiệu quả hơn giúp công tác quản lý hành chính được phân cấp đến từng cơ quan chuyên môn để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị

Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp

Điều 49 quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chính phủ có trách nhiệm: ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; xem xét, quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND TP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật này;

Cùng đó, chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với UBND TP và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô thực hiện quy định của pháp luật về Thủ đô; rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với năng lực quản lý của Thành phố;

Với những điểm mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-diem-moi-ve-phan-cap-phan-quyen-trong-luat-thu-do-sua-doi.html
Zalo