Những điểm đáng chú ý của kinh tế toàn cầu năm 2025
Năm 2025 nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến số. Lạm phát được kiềm chế, các ngân hàng trung ương dần nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại và biến động địa chính trị sẽ tiếp tục là những thách thức lớn.
Nguy cơ căng thẳng thương mại gia tăng
“Thuế quan là từ đẹp nhất trong từ điển”, đó là thông điệp từng được Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đưa ra hồi tháng 10-2024 trong chiến dịch tranh cử của mình. Khi đó, ông đã cảnh báo sẽ áp thuế toàn diện từ 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức.
Gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra những thông tin cụ thể hơn khi đe dọa áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ Mexico và Canada, đồng thời áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Châu Âu cũng nhận được cảnh báo sẽ phải đối mặt với thuế quan nếu không chấp nhận mua thêm dầu khí Mỹ.
Những diễn biến này cho thấy chính sách thương mại bảo hộ sẽ tiếp tục là điểm nóng toàn cầu, tạo ra nguy cơ đối đầu giữa các nền kinh tế lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump đang sử dụng mối đe dọa về thuế quan như một công cụ đàm phán. Tuy nhiên, những động thái như vậy hoàn toàn có thể kéo theo các hành động trả đũa từ các quốc gia khác, và nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế Ahmet Ihsan Kaya của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia (NIESR), có trụ sở tại Vương quốc Anh, nói: “Ông Trump đã công bố một số mức thuế quan và chúng ta sẽ chờ đợi xem chúng sẽ biểu hiện và ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế trong thời gian tới. Trong khi đó, các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nếu mức thuế quan của ông Trump được áp dụng rộng rãi”.
Ông Brian Coulton, Kinh tế trưởng tại Fitch Ratings, lo ngại các chính sách của ông Trump có thể đẩy mức thuế quan thực tế vượt quá 5%. Ông cũng cảnh báo rằng hành động trả đũa từ Trung Quốc, châu Âu và các đối tác thương mại khác có thể gây tổn hại đến tăng trưởng và làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.
Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ
Theo báo cáo hồi tháng 10-2024 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu đã dần được kiềm chế, dự kiến lùi từ mức 5,8% trong năm 2024 xuống 4,3% trong năm 2025. Việc lạm phát hạ nhiệt đã tạo điều kiện để các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm qua, và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2025.
Tuy nhiên, bối cảnh nới lỏng chính sách tiền tệ không đồng nghĩa với sự đồng nhất trong cách tiếp cận. Tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất như thế nào sẽ phụ thuộc vào tình hình của từng nền kinh tế, và đặc biệt là những diễn biến tại Mỹ. Sau ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu thận trọng hơn, với dự báo sẽ chỉ có hai lần cắt giảm nữa trong năm 2025, với tổng mức cắt giảm 0,5 điểm phần trăm.
Đây được coi là cách chuẩn bị của Fed để ứng phó với tác động từ thuế quan, cũng như những chính sách khác của Tổng thống đắc cử Donald Trump, như hạn chế người nhập cư. Giới chức Fed đang cố gắng tìm hiểu xem các chính sách này sẽ ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế, thị trường việc làm và có thể đẩy lạm phát lên đến mức nào.
Nếu các chính sách của ông Trump thực sự thúc đẩy lạm phát và làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed, đồng đô la Mỹ sẽ mạnh lên và gây áp lực lên nhiều nền kinh tế. Điều này sẽ hút đi dòng vốn đầu tư và khiến các khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, buộc các ngân hàng trung ương phải điều chỉnh chính sách.
Tại châu Âu, các dự báo mới nhất cho thấy lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - hiện đang ở mức 3% sau bốn đợt cắt giảm trong năm nay, có thể giảm xuống 2% vào giữa năm 2025. Một số chuyên gia thậm chí còn kỳ vọng lãi suất có thể giảm sâu hơn nữa nếu căng thẳng thương mại và các yếu tố bất ổn gia tăng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng dự báo có thể thực hiện bốn đợt cắt giảm, đưa lãi suất chủ chốt về mức 3,75%.
Biến động địa chính trị ảnh hưởng tới tăng trưởng
Thế giới cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những diễn biến của các cuộc xung đột tại Đông Âu và Trung Đông - cả hai đều có thể ảnh hưởng đến chi phí năng lượng và thị trường hàng hóa, thương mại toàn cầu.
Tại Trung Đông, các cuộc xung đột lan rộng có thể làm gia tăng tâm lý lo ngại trên thị trường dầu mỏ, đồng thời gây gián đoạn hoạt động vận tải qua Biển Đỏ - tuyến hàng hải quan trọng, chuyên chở khoảng 12-15% lượng hàng hóa toàn cầu. Còn cuộc xung đột Nga - Ukraine đang đẩy kinh tế Nga ngày càng rời xa phương Tây, và khiến giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng mạnh.
Những căng thẳng này không chỉ tác động đến giá cả mà còn định hình lại quan hệ quốc tế khi nhiều quốc gia tăng cường hợp tác dựa trên động lực chính trị hơn là kinh tế - một kịch bản có thể gây tổn hại lớn đến tăng trưởng. Nhiều nước cũng đang đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình, giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các hệ thống thanh toán của phương Tây.
Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào Tổng thống đắc cử Donald Trump - người đã tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu của ông sau khi nhậm chức là chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine một cách nhanh chóng. Ông cũng cho biết sẽ giúp giải quyết vấn đề tại Trung Đông - nơi mà ông đánh giá là tình hình ít khó khăn hơn. Theo CNN, tác động lên nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào các giải pháp được đưa ra để giải quyết xung đột.
Đối với tình chính trị của các quốc gia, sự biến động đang dần trở thành một hiện tượng phổ biến. Chính phủ đã sụp đổ ở cả Pháp và Đức - những nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khiến Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với khoảng trống về lãnh đạo, đúng vào thời điểm áp lực từ Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. Tình hình sẽ không thể được cải thiện cho tới khi các cuộc bầu cử hoàn tất tại Đức (tháng 2-2025) và Pháp (sớm nhất là giữa năm 2025). Một nền kinh tế lớn khác là Hàn Quốc cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2025 do những bất ổn chính trị gần đây.
GDP toàn cầu tăng trưởng vừa phải
Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế toàn cầu trong năm 2025 được dự báo vẫn sẽ vững vàng dù phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo đạt 3,3%, cao hơn mức 3,2% của năm 2024.
Trong khi đó, các tổ chức khác tỏ ra thận trọng hơn do các yếu tố không chắc chắn. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ được giữ ổn định ở mức 3,2% trong năm 2025. S&P Global và Morgan Stanley đưa ra con số 3%, trong khi Goldman Sachs và Fitch Ratings lần lượt dự báo mức tăng trưởng 2,7% và 2,6%.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế giữa các khu vực sẽ có sự khác biệt đáng kể. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển khác trong năm thứ ba liên tiếp, với động lực chính từ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ được dự báo dao động từ 2% (theo S&P Global) đến 2,5% (theo Goldman Sachs).
Trung Quốc được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực giảm phát, thuế quan và sự suy yếu của thị trường nhà đất, trong khi các nỗ lực kích thích kinh tế và tiêu dùng hiện vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo tăng trưởng từ 4,1% (theo S&P Global) cho tới 4,7% (theo OECD).
Tại Eurozone, mức tăng trưởng được dự báo dao động từ 0,8% (theo IMF và S&P Global) cho tới 1,3% (theo OECD). Thu nhập hộ gia đình phục hồi, thị trường lao động thắt chặt và triển vọng ECB cắt giảm lãi suất là những động lực thúc đẩy tăng trưởng, trong khi thuế quan và bất ổn chính trị sẽ là các yếu tố kìm hãm nền kinh tế.
Nguồn: Goldman Sachs, Morgan Stanley, Fitch Ratings, DW, OECD, IMF, S&P Global, Reuters, CNN Business, Anadolu