Những địa phương nào bị Bộ Công an nêu tên về tình trạng kinh doanh, khai thác cát trái phép

C03 và C05 bộ Công an đã nêu tên một số địa phương có tình trạng kinh doanh, khai thác cát trái phép tại cuộc họp báo của Bộ Công an diễn ra sáng 26/3/2024.

Tại buổi họp Họp báo của Bộ Công an diễn ra sáng 26/3/2024, xung quanh thông tin về tình hình khai thác cát trái phép thời gian gần đây, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) và lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C05) đã có những thông tin đến báo chí.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng C03 cho biết: Thời gian vừa qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã khởi tố một số vụ án lớn liên quan đến khai thác khoáng sản. Trong đó, có vụ án liên quan đến Công ty Trung Hậu 68 khai thác trái phép ở An Giang, đến nay đã khởi tố 19 bị can trong vụ án này.

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trả lời báo chí.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trả lời báo chí.

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Công an đã làm rõ hành vi khai thác cát trái phép của Công ty Trung Hậu lợi dụng việc cấp phép khai thác trái quy định, vượt quy định 3,2 triệu m3, không sử dụng vào các công trình theo giấy phép cấp mà tuồn bán ra ngoài thị trường, bước đầu xác định thu lời bất chính 253 tỷ đồng.

"Đặc biệt, trong vụ án có sự móc ngoặc của các đối tượng với các cán bộ Nhà nước, có sự dung túng, bảo kê, chúng tôi đã xử lý đến Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở...", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành thông tin và cho biết, sau khi xử lý các vụ án lớn thì thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép mang tính quy mô, khối lượng lớn có giảm, hiện chỉ còn những vụ việc quy mô nhỏ lẻ, chộp giật.

Thông tin thêm về vấn đề này, Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục C05 nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, tình trạng kinh doanh, khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, An Giang, Tiền Giang… Các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu trong các công trình xây dựng trọng điểm để khai thác trái phép khoáng sản.

 Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thông tin thêm về tình hình khai thác khoáng sản trái phép.

Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thông tin thêm về tình hình khai thác khoáng sản trái phép.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thường xuyên nắm tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương đấu tranh với vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại các dự án trọng điểm quốc gia; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.

Đối với công tác phòng ngừa, trong Quý I năm 2024, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương thực hiện cao điểm tấn công trấn áp đối với loại tội phạm này, trong đó lĩnh vực khai thác khoáng sản đã áp dụng các biện pháp công tác công an để xác định tập trung đấu tranh với các đối tượng nghi vấn "cầm đầu", "bảo kê"; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các hình thức khai thác trái phép, đặc biệt là các nơi giáp ranh giữa các địa phương.

Cục cũng đã phối hợp với Trung tâm viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện địa chất vật lý trong việc ứng dụng công nghệ viễn thông, viễn thám để khai thác dữ liệu phục vụ cho công tác nắm tình hình cũng như công tác phòng ngừa.

Trung tướng Trần Minh Lệ cho biết thêm, riêng trong Quý I/2024, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 2.083 vụ vi phạm, Công an các cấp đã khởi tố 118 vụ, 159 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực khoáng sản. Đồng chí Trung tướng Trần Minh Lệ cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, đặc biệt của chính quyền địa phương để quản lý cấp phép, đăng ký, đăng kiểm các công cụ, phương tiện hoạt động trên đường thủy.

PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhấn mạnh, việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia, mà còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của người dân.

"Khai thác khoáng sản trái phép, không phép làm giảm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Điều này cũng làm mất đi cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khai thác khoáng sản, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước do không thu được thuế và phí khai thác.

Bên cạnh đó, khai thác khoáng sản trái phép, không phép còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, phá hủy cảnh quan thiên nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học, gây ô nhiễm không khí, nước và đất. Đặc biệt, việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép có thể gây ra những hiện tượng thiên tai như sạt lở đất, lũ lụt, động đất, vỡ đập... gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người dân.

Ngoài ra, nó còn làm ảnh hưởng xấu đến đời sống và sức khỏe của người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực khai thác do bị mất đi nguồn nước sạch, không gian sống xanh và yên tĩnh; làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do ô nhiễm môi trường như ung thư, bệnh hô hấp, bệnh da... Việc khai thác khoáng sản trái phép, không phép cũng có thể gây ra những xung đột xã hội do tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng đất đai, gây mất an ninh trật tự", PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn cảnh báo.

Xuân Hòa

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-dia-phuong-nao-bi-bo-cong-an-neu-ten-ve-tinh-trang-kinh-doanh-khai-thac-cat-trai-phep-86470.html
Zalo