Những 'địa chỉ đỏ' gắn với chiến công hiển hách của Biệt động Sài Gòn

Những 'địa chỉ đỏ' gắn với chiến công hiển hách của lực lượng Biệt động Sài Gòn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan dịp chào mừng Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

 Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (145 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1) là căn nhà được xây dựng từ năm 1963, từng là địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới danh nghĩa là cơ sở đóng mới xích lô và gia công đồ nội thất cho Dinh Độc Lập dưới sự quản lý của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (cán bộ cấp Tiểu đoàn, C trưởng biệt động, thuộc Đơn vị 159 biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, người hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế, Năm USOM).

 Hàng trăm hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Hàng trăm hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Bảo tàng trưng bày 7 bộ sưu tập hiện vật quý giá với hơn 300 hiện vật, tư liệu hình ảnh gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn.

 Du khách nghe giới thiệu về hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn

Du khách nghe giới thiệu về hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn

Mỗi hiện vật là một câu chuyện sống động, gần gũi, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về quá trình hoạt động cùng sự hy sinh anh dũng của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Hầm giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn

 Đoàn khách tham quan hầm cất giấu vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn

Đoàn khách tham quan hầm cất giấu vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn

Hầm cất giấu vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn (287/70 Nguyễn Đình Chiều, Phường 5, Quận 3) được ông Trần Văn Lai mua từ năm 1966.

 Hình ảnh về quá trình xây dựng hầm bí mật và tiếp nhận vũ khí của ông Trần Văn Lai

Hình ảnh về quá trình xây dựng hầm bí mật và tiếp nhận vũ khí của ông Trần Văn Lai

 Hình ảnh cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm di tích hầm vũ khí của Biệt động Sài Gòn

Hình ảnh cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm di tích hầm vũ khí của Biệt động Sài Gòn

Căn nhà có bề ngang chưa đầy 2m nhưng dưới nền nhà là căn hầm bí mật từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí.

 Lối xuống hầm giấu vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn

Lối xuống hầm giấu vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn

 Khách nước ngoài xuống tham quan hầm vũ khí

Khách nước ngoài xuống tham quan hầm vũ khí

Tại đây, ngày 31.1.1968, 15 chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã nhận vũ khí để tấn công vào Dinh Độc Lập, tiêu diệt và làm bị thương gần 100 tên địch.

 Hầm bí mật từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí ngay giữa trung tâm Sài Gòn

Hầm bí mật từng là nơi cất giấu hơn 2 tấn vũ khí ngay giữa trung tâm Sài Gòn

Hầm bí mật chứa vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn tồn tại ngay giữa trung tâm Sài Gòn, gây bất ngờ cho kẻ thù, thể hiện sự mưu trí, táo bạo trong công tác phục vụ chiến đấu của quân và dân Sài Gòn - Gia Định. Nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1988.

Garage Biệt động Sài Gòn

 Du khách tham quan Garage Biệt động Sài Gòn

Du khách tham quan Garage Biệt động Sài Gòn

Garage Biệt động Sài Gòn có tên chính thức là Garage Tự Lực (499/20 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 13, Quận 10) trước đây do ông Dương Văn Đức làm chủ.

Đây là nơi mà lãnh đạo Biệt động Sài Gòn giao nhiệm vụ cho ông Dương Văn Đức bảo trì, thiết kế 2 chiếc xe Citroen mang số hiệu NCE - 345 và chiếc Hino Pickup mang số hiệu EC - 6045 thành thùng xe 2 đáy để vận chuyển vũ khí, tài liệu, đưa rước cán bộ ra vào nội đô Sài Gòn và được lực lượng Biệt động Sài Gòn trực tiếp sử dụng để tấn công vào dinh Độc Lập.

 Những chiếc xe cổ được trưng bày tại Garage Biệt động Sài Gòn

Những chiếc xe cổ được trưng bày tại Garage Biệt động Sài Gòn

Garage có lối kiến trúc đặc biệt với diện tích khoảng 200m2, phần mái lầu 2 được thiết kế hình bát giác, trần ốp gỗ, lợp mái ngói. Xung quanh là không gian mở với các ô cửa sổ lớn bằng kính để lấy ánh sáng tự nhiên. Tại đây hiện đang trưng bày nhiều hiện vật từng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển và những năm tháng thăng trầm của Garage Biệt động Sài Gòn.

 Garage Biệt động Sài Gòn cũng là nơi tổ chức lễ giỗ cho các anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Garage Biệt động Sài Gòn cũng là nơi tổ chức lễ giỗ cho các anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Hằng năm, vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, gia đình các thế hệ biệt động Sài Gòn - Gia Định cùng về đây làm lễ giỗ, dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Hiện Garage Biệt động Sài Gòn đang được đề xuất xếp hạng di tích.

Hộp thư bí mật và hầm nổi tại quán cà phê, cơm tấm

 Đoàn khách tham quan Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn

Đoàn khách tham quan Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn

Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn (113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1) là một ngôi nhà bằng gỗ có biển hiệu "Cà phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn". Đây là nơi các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu.

Vách tường giữa nhà 113A Đặng Dung và 113B Đặng Dung chính là một hầm nổi cất giấu thư từ, tài liệu, thuốc men do chính ông Trần Văn Lai thiết kế và xây dựng. Ngoài ra dưới đáy tủ quần áo cũng có 1 căn hầm bí mật dẫn ra con hẻm phía sau nhà để các chiến sĩ tẩu thoát khi "có động".

 Hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân

Hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân

Một số di tích khác của Biệt động Sài Gòn đang được tu sửa để đưa vào phục vụ khách tham quan như Hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân (368 Hai Bà Trưng, phường Tân Định, Quận 1). Đây là cơ sở giao liên tình báo và đóng góp tài chính của Biệt động Sài Gòn có hầm ngầm tại tầng trệt phía sau và hầm đứng trên tầng 2 phía trước chứa người, tiền vàng và tài liệu phục vụ Việt Minh cứu Quốc và lực lượng Biệt động Sài Gòn.

 Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập đang được tu sửa để đón khách tham quan

Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập đang được tu sửa để đón khách tham quan

Cùng với đó là Biệt thự thi công nội thất Dinh Độc Lập (8 Nguyễn Thị Huỳnh, Phường 8, quận Phú Nhuận) với hệ thống hầm ngầm bí mật chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch trước năm 1975; hầm của Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Hải Phụng - Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); cơ sở Gió Lộng Biệt động Sài Gòn (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ)...

Nguyễn Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-dia-chi-do-gan-voi-chien-cong-hien-hach-cua-biet-dong-sai-gon-post410200.html
Zalo