Những di tích đặc biệt ngay giữa lòng Hà Nội
'Hà Nội 36 phố phường' với vẻ đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại đã gieo lại nỗi nhớ nhung trong trái tim biết bao du khách. Cùng với quá trình đô thị hóa không ngừng diễn ra, ngay trong lòng Thủ đô vẫn còn đó nhiều di tích cổ xưa như những ngôi chùa, đền,... thu hút nhiều khách trong và ngoài nước ghé thăm.
Đền Hỏa Thần
“Ẩn mình” trong một con ngõ yên tĩnh tại số 30 phố Hàng Điếu, đền Hỏa Thần là một trong những ngôi đền rất độc đáo của Thủ đô. Đây là nơi duy nhất tại Việt Nam thờ Hỏa Thần - “Ông tổ phòng cháy chữa cháy”.
Bước vào bên trong ngôi đền, ta như lạc vào một thế giới khác. Không còn âm thanh của sự tấp nập, thay vào đó là một không gian yên bình và thanh tịnh. Cảm giác tĩnh lặng trong tâm hồn mỗi người khi đến đây là sự thanh tịnh sâu lắng, như thể thời gian cũng chậm lại để ta có thể lắng nghe tiếng lòng mình.
Theo tấm bia "Hỏa Thần miếu bi ký" năm Thiệu Trị, đền Hỏa Thần được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội với kiến trúc đơn sơ. Trải qua các triều vua, ngôi đền đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần qua các năm Thiệu Trị thứ nhất (1841); Tự Đức năm đầu (1848), năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức (1864). Kiến trúc hiện nay là kết quả của lần tu bổ, tôn tạo năm Kỷ Hợi (2019).
Đất kinh thành xưa vốn đông đúc, nhà ở liền sát nhau, vật liệu xây dựng chủ yếu là tranh, tre, nứa, lá nên hỏa hoạn rất dễ xảy ra và có sức tàn phá cực kỳ dữ dội. Sử cũ đã nhiều lần ghi nhận các vụ hỏa tai lớn xảy ra tại kinh thành Thăng Long. Trước tác hại của hỏa hoạn, người dân đã lập đền thờ Thần Hỏa nhằm cầu mong Thần phù hộ, ngăn ngừa hỏa hoạn ở chốn kinh thành.
Khu vực thờ tự trong đền có hai gian chính. Tiền tế là một nếp nhà ngang ba gian thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.
Hậu cung là nơi thờ Đức Hỏa Thần - thần Lửa. Ở Việt Nam, có hai vị thần lửa. Trong đó, đền Hỏa Thần có tên chữ: “Hỏa Thần tử" - mang ý nghĩa thờ vị thần trông coi về lửa là Quang Hoa Mã Nguyên Súy. Theo truyền thuyết, Thần chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật, Lão, Nho. Khởi đầu Thần vốn là Phật đăng - cây đèn trong cửa Phật, được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều nên giác ngộ và trở thành môn đệ của Phật gia. Do tính hỏa nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần. Khi đắc đạo, thần được về trời làm môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên việc trừ hỏa tai.
Theo sách “Đường phố Hà Nội": “Trước đây, đền Hỏa Thần có một quả chuông to, bằng đồng, hễ có hỏa hoạn thì thỉnh chuông lên, Hỏa Thần nghe thấy sẽ về trừ hỏa hoạn".
Với ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa, đền Hỏa Thần đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa năm 1996.
Đền Quan Đế
Tọa lạc tại số 28 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đền Quan Đế là một công trình kiến trúc cổ độc đáo của khu phố cổ Hà Nội.
Đền thờ Quan Thánh Đế (tức Quan Công), một vị tướng trung thần nước Thục thời Tam Quốc (thế kỷ 3 sau Công Nguyên). Đền được xây dựng vào năm 1819, dù thờ vị tướng Trung Hoa nhưng ngoài các chi tiết trang trí của Trung Hoa, đền còn mang lối kiến trúc truyền thống độc đáo của Việt Nam, cụ thể là của khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Hiện nay, đền vẫn lưu giữ được nhiều mảng trang trí chạm khắc tỉ mỉ, mẫu mực mang phong cách nghệ thuật đầu thế kỷ 19. Đến với nơi đây, du khách có lẽ sẽ rất thích thú khi khám phá và “truy tìm” những nét hoa văn về tứ linh “Long, Lân, Quy, Phượng”- những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Các linh thú xuất hiện trên các góc trần, tường đá,... mang vẻ cổ kính, nhuốm màu thời gian, Ngoài ra, đền còn được trang trí hình hoa lá và các con thú khác.
Đền Quan Đế gồm một tầng, được xây dựng theo lối chữ Công, ngoài cùng là Nghi môn, tiếp đến là phần sân rộng rãi dẫn tới nhà Tiền tế, Phương đình và Hậu cung nằm trong cùng. Hậu cung của đền là nơi đặt bàn thờ Quan Thánh Đế. Giữa bàn thờ là bức tượng của ngài được đúc bằng đồng, toát lên vẻ uy nghiêm. Hai bên có tượng Quan Bình và Châu Xương đứng hầu.
Năm 2013, đền Quan Đế được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay, đền còn là nơi cung cấp thông tin về nếp sống của người dân và các di sản thuộc khu phố cổ Hà Nội, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan.
Chùa Bà Đá
Tại tuyến phố Nhà Thờ - một trong những tuyến phố cổ kính bậc nhất Hà Nội, sự giao thoa độc đáo giữa hai nền văn hóa đông - tây đã tạo nên một bức tranh tôn giáo đa sắc màu. Nổi bật cho vẻ đẹp này có thể nói đến Nhà thờ Lớn Hà Nội với kiến trúc Gothic tráng lệ và Chùa Bà Đá - một trong những ngôi chùa cổ kính nhất Thủ đô.
Chùa Bà Đá tọa lạc tại số 3, phố Nhà Thờ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, có tên chữ là “Linh Quang Tự", tức ánh sáng Phật pháp viễn chiếu không có gì che cản được để cứu độ chúng sinh.
Các công trình kiến trúc của chùa được bố cục theo kiểu "Nội công ngoại quốc”, các tòa nhà được gắn kết với nhau thành một thể thống nhất. Từ ngoài vào gồm: Cổng Tam Quan xây bằng gạch, một lối đi nhỏ hẹp, dẫn vào sân chùa phía trong là Tòa Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu và hai dãy tả hữu hành lang, khu nhà bếp và tòa nhà Giảng đường.
Dù nằm gần hồ Hoàn Kiếm - điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước, chùa Bà Đá dường như lại ẩn mình trong một thế giới khác biệt. Khi bước qua cánh cổng chùa phủ đầy rêu phong, ta như bước vào một thế giới khác, nơi mà bao nhiêu ồn ào, xô bồ của phố phường dường như bị bỏ lại phía sau. Chỉ còn lại sự tĩnh lặng sâu lắng của một ngôi chùa cổ kính, nơi hương trầm nghi ngút, tiếng tụng kinh niệm Phật vang vọng, tạo nên một không gian thanh bình, tĩnh tại.
Có lẽ chính sự yên bình của ngôi chùa giữa những cửa hiệu hào nhoáng, tấp nập của tuyến phố đã níu chân những người khách du lịch? Chùa Bà Đá vẫn lặng lẽ tồn tại qua bao dâu bể, như một chứng nhân trầm mặc của thời gian, nơi mà hồn thiêng của ngàn năm lịch sử vẫn còn hiện hữu, ghi dấu trong từng viên gạch, mái ngói cổ xưa.