Những đề xuất và kiến nghị định hướng xây dựng quan hệ đối ngoại Phật giáo Việt Nam thời hội nhập

NSGN - Trong bối cảnh hiện nay - toàn cầu hóa tiếp tục phát triển sâu rộng và tác động tới tất cả các nước, các quốc gia lớn nhỏ đang tham gia ngày càng tích cực vào quá trình hội nhập - GHPGVN với những giá trị, đường hướng hoạt động đang tỏ rõ vai trò trong phạm vi quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế.

Chính những nhu cầu thực tiễn, đáp ứng Phật sự, nêu cao trọng trách xã hội, hòa nhập cùng đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu đối với việc nâng cao vai trò và vị thế đối ngoại Phật giáo, phù hợp với hướng phát triển trên phạm vi toàn cầu, đóng góp tích cực cho đối ngoại Việt Nam.

Cho nên, bài viết này nêu lên những thành tựu và đóng góp của đối ngoại Phật giáo thời gian qua, để làm cơ sở cho những đề xuất và kiến nghị nhằm định hướng quan hệ quốc tế của GHPGVN trong thời kỳ hội nhập, đẩy mạnh phát triển mang tính quốc tế, góp phần xây dựng đất nước ngày càng bền vững trong xu thế mới.

Mở đầu

Nhìn lại quá trình hình thành, ổn định và phát triển trong thời gian qua, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, phát huy tính sáng tạo, dễ dàng nhận thấy PGVN đã thật sự lớn mạnh trên nhiều phương diện. “Trong xu thế hội nhập của đất nước, GHPGVN đã tích cực mở rộng các hoạt động giao lưu quốc tế để vun đắp tình đồng đạo hữu nghị với Phật giáo các nước trên thế giới; tạo sự giao lưu về tư tưởng văn hóa PGVN với tư tưởng văn hóa Phật giáo thế giới; tăng cường tinh thần hữu nghị và đoàn kết quốc tế trong Phật giáo; góp sức vào công cuộc vận động cho nền hòa bình của thế giới. Quá trình hội nhập giúp cho PGVN tiếp thu giá trị văn hóa Phật giáo các nước để bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc VN”.2

Như vậy, PGVN đã có những bước phát triển rất tích cực, rõ nét trong tất cả các mặt. Không chỉ đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc trong nước, mà còn góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua những lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo ASEAN và nhiều hoạt động Phật giáo có ý nghĩa khác. Do đó, GHPGVN với tinh thần từ bi, trí tuệ và phương châm tốt đạo, đẹp đời sẽ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, sứ mệnh linh thiêng của mình, để những lời dạy của Đức Phật đến gần hơn với mọi người.

Những thành tựu và vị trí của GHPGVN trong dòng chảy hội nhập quốc tế

Trên nền tảng chính sách đổi mới tư duy tôn giáo, GHPGVN - như một thực thể xã hội - đã đề ra mục tiêu đối ngoại: “Mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về các truyền thống văn hóa, hoằng pháp, giáo dục, tu tập tâm linh, v.v. giữa GHPGVN và Phật giáo các nước trên thế giới. Đồng thời, tạo mối quan hệ thân hữu giữa GHPGVN và Phật giáo các nước, giữa các Phật tử trong và ngoài nước. Tham dự các diễn đàn, hội thảo, hội nghị Phật giáo trên thế giới, đón các phái đoàn Phật giáo thế giới viếng thăm PGVN. Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo các chuyên đề Phật giáo, trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức, truyền thống văn hóa Phật giáo của các nước trên thế giới và cập nhật hóa tình hình thực tế nhằm đem đến hiệu quả thiết thực trong công tác hoạt động ngoại giao”.3

Cho nên, trước bối cảnh toàn cầu hóa, từ mục tiêu đối ngoại trên, ngay từ khi mới thành lập, PGVN đã phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc, hội nhập môi trường quốc tế. Tích cực và chủ động tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhằm mục đích đoàn kết, hữu nghị hợp tác với cộng đồng Phật giáo các nước trong khu vực và quốc tế vì hòa bình, tham gia các hoạt động hướng tới lợi ích mang tính toàn cầu.

Trong bốn mươi năm qua, GHPGVN đã chủ động tăng cường mở rộng mối quan hệ, liên kết thân hữu, hợp tác trao đổi kinh nghiệm tu tập với các truyền thống hệ phái Phật giáo và Tăng, Ni, Phật tử các nước trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đã đón tiếp các Giáo hội, các hệ phái và tổ chức Phật giáo quốc tế đến thăm Việt Nam; cũng như cử các đoàn đại diện Giáo hội đi thăm hữu nghị, tham dự hội thảo quốc tế và lễ hội văn hóa Phật giáo tại các nước, vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Tăng Ni PGVN ra nước ngoài học tập nghiên cứu tại: Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ, Sri Lanka, Thái Lan,… đã hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về nước đảm đương các công tác Phật sự. Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc, được tổ chức tại Việt Nam năm 2008, 2014 và 2019 thành công, thể hiện năng lực hội nhập, đối ngoại tích cực của PGVN.

Đồng thời, PGVN cũng chú trọng việc chăm lo tới đời sống tâm linh, văn hóa của bà con cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và lao động ở các nước. Đã tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp thăm viếng, thuyết giảng Phật pháp cho đồng bào Việt kiều, thành lập các Hội Phật tử Việt Nam, Hội những người yêu đạo Phật Việt Nam tại các nước: Cộng hòa Séc, Ukraina, Liên bang Nga, Hungary, Ba Lan, Đức… nơi có nhiều đồng bào Việt Nam sinh sống nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ con cháu sinh ra tại các nước và hướng lòng yêu nước của bà con Việt kiều về quê hương, cũng như giới thiệu với bạn bè thế giới về văn hóa, truyền thống tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.

Quan hệ quốc tế của GHPGVN đóng góp tích cực cho đối ngoại đất nước

Tôn giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một thực thể xã hội luôn tác động đến xã hội, do đó, trước khi nêu lên đối ngoại Phật giáo đóng góp tích cực cho đối ngoại Việt Nam, cần nhận diện nguồn lực4 tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. “Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là một nguồn lực xã hội, đặc biệt ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay thì nguồn lực Phật giáo càng thể hiện rõ tiềm năng của mình. Nếu những giá trị tinh thần cốt lõi, sự minh triết của Phật giáo là nguồn lực tinh thần thì hoạt động xã hội hóa của Phật giáo hiện nay là một trong những nguồn lực vật chất”.5

Như vậy, với nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, Phật giáo được nhà nước vận dụng vào đường lối, chính sách; có lối sống thiện căn, tu tâm, dưỡng tính khuyên con người làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện, biết sợ phạm tội; lối sống vì tha nhân của tôn giáo; có lễ hội truyền thống - một nguồn lực trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có nguồn lực sức mạnh đoàn kết, một nguồn lực mang giá trị thường hằng. Về nguồn lực vật chất, các tôn giáo lớn ở Việt Nam đều gắn đạo với đời, với tư tưởng nhập thế, được thể hiện qua những việc làm cụ thể mà các tôn giáo có thế mạnh như hoạt động từ thiện, văn hóa - xã hội, tham gia vào dịch vụ công để chia sẻ gánh nặng cho xã hội. Trong phát triển bền vững, tôn giáo đặc biệt có vai trò bảo vệ môi trường, đề cao việc sống hòa đồng gần gũi với thiên nhiên.

Như vậy, rõ ràng, thứ nhất, tiếp cận ở phương diện thực thể, nguồn lực Phật giáo chính là sức mạnh của một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân, bộ phận ấy được tổ chức trong những thiết chế tôn giáo riêng rẽ nhưng thống nhất ở tính đoàn kết.

Thứ hai, tiếp cận trên phương diện văn hóa, Phật giáo không đi ngược lại văn hóa truyền thống dân tộc, cũng không hoàn toàn cản trở, phủ nhận văn hóa dân tộc, mà ít nhiều tham gia làm giàu, làm mới, lưu giữ và nuôi dưỡng những nét đẹp văn hóa dân tộc. Những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc sẽ sớm muộn khẳng định chỗ đứng trong lòng các tôn giáo dù là ngoại nhập hay nội sinh.

Thứ ba, tiếp cận trên phương diện kinh tế, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Phật giáo với tư cách là một thành tố văn hóa, tất yếu có ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế. Phật giáo “giúp giảm bớt tham nhũng bởi các giá trị đạo đức tôn giáo được phát huy. Tình trạng tham nhũng là một trong những yếu tố tác động mạnh và tiêu cực đến phát triển kinh tế bền vững. Luân lý và đạo đức tôn giáo đều khuyến thiện và cổ vũ lối sống trung thực, lìa xa sự lợi dụng vì mục đích cá nhân, ích kỷ, dưới bất kỳ hình thức nào”6. Do đó, doanh nhân có thể đưa những giá trị Phật giáo và giáo lý đạo đức vào trong ứng xử và hoạt động kinh doanh, sẽ trở thành những đối tác tin cậy và trách nhiệm hơn, các hợp đồng kinh tế sẽ được minh bạch hơn.

Thứ tư, tiếp cận trên phương diện chức năng tôn giáo. Phật giáo nêu lên những bất lực của con người trước các hiện tượng thiên nhiên và bất công trong xã hội mà không thể lý giải được; phản ánh khát vọng của con người về một cuộc sống không có áp bức. Vì thế, Phật giáo có khả năng xoa dịu nỗi đau cho những người yếm thế và điều chỉnh hành vi con người bằng công cụ đạo đức. Cho nên, ở phương diện này, Phật giáo gắn liền với con người. Trong phát triển kinh tế, con người là nhân tố quyết định; nếu con người chịu sự chi phối của học thuyết Phật giáo, tất học thuyết đó sẽ tham gia vào quá trình làm kinh tế của người ấy, rộng hơn là cộng đồng cùng tin theo tôn giáo ấy.

Như vậy, trong bối cảnh quốc tế mới, việc đặt ra vấn đề “chủ động”, “tích cực” và “có trách nhiệm” trong bối cảnh đối ngoại Việt Nam hiện nay là hoàn toàn hợp lý và kịp thời. Phát triển bền vững là ưu tiên lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Phát triển được cụ thể hóa bằng thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình đổi mới kinh tế bước từ giai đoạn chiều rộng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào, sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, xác định thế mạnh chiến lược để tham gia cạnh tranh quốc tế. Như vậy, cách tiếp cận của Phật giáo trong việc phát triển bền vững, đóng góp rất lớn cho trách nhiệm đối với quốc gia. Bên cạnh đó, qua hội thảo quốc tế của Đại lễ Vesak 2019 tại Tam Chúc, từ ngày 12 - 14-5-2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, PGVNđã góp phần cho định hướng này, cũng như góp phần đóng góp cho đối ngoại của Việt Nam trong định hướng phát triển toàn cầu.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách của Nhà nước ta về công tác Việt kiều là luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, GHPGVN đã thành lập các tổ chức cơ sở, hình thành Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện sự nghiệp chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các chuyến hoằng pháp của GHPGVN tại hải ngoại đã hướng bà con về với cội nguồn tổ tiên, quê hương đất nước thông qua các hoạt động Phật sự có ích, các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, công tác từ thiện xã hội. Các hoạt động Phật sự thực sự đã đem lại sự đoàn kết cộng đồng, làm cho cộng đồng yêu thương nhau hơn, phát triển mạnh mẽ hơn trong lòng xã hội nước sở tại.

Từ đây, có thể khẳng định, đối ngoại nhân dân qua hình ảnh Phật giáo, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, “cùng với các cơ quan chuyên trách của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đã tích cực đẩy mạnh toàn diện các hoạt động, góp phần làm nên những thành tựu đáng ghi nhận của nền ngoại giao nước nhà, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.7

Hướng đề xuất tiếp tục đổi mới chính sách về tôn giáo nhằm phát triển quan hệ đối ngoại, xây dựng đất nước

Hoạt động đối ngoại của GHPGVN thể hiện rõ sự chuyển biến tích cực mối quan hệ giữa Nhà nước với Giáo hội. Điều này nằm trong sự đổi mới về nhận thức, đường lối và chính sách tôn giáo, những nỗ lực về phương diện luật pháp tôn giáo trong khung cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-10-1990 của Bộ Chính trị khóa VI về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển về nhận thức.8 Nghị quyết này có hai luận điểm đáng chú ý là “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới”.9

Hai luận điểm trên đã tạo nên sự đột phá nhận thức; không thể nhìn tôn giáo qua mệnh đề của Mác đã bị cắt xén và phiến diện “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, mà phải nhìn nhận tôn giáo như một “thực tại xã hội” và là nhu cầu của một bộ phận quần chúng. Riêng luận điểm văn hóa tôn giáođã khơi dậy những suy nghĩ, hành động tích cực của quần chúng, bởi khi các giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo được đặt trong khuôn khổ văn hóa dân tộc, một mặt thừa nhận sự đa dạng của văn hóa, mặt khác tạo ra thêm một con đường đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Khai thác tốt các giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo thuận lợi hơn trong quá trình tìm về dân tộc.

Như vậy, đổi mới tư duy về tôn giáo là thừa nhận tôn giáo như một thực tại xã hội, đồng hành với dân tộc và “phải tạo cho tôn giáo khả năng và quyền hạn pháp lý nhân sự tham gia tích cực hơn vào một số lĩnh vực xã hội thích hợp, đóng góp vào việc xây dựng phát triển đất nước thỏa mãn nhu cầu của đời sống tôn giáo”.10 Vì thế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa, mọi tôn giáo đều có khuynh hướng trở thành “tôn giáo xã hội”, thích ứng và hội nhập xã hội ngày càng cao và đang có những biến đổi, những tác động sâu sắc, mới mẻ trên mọi phương diện. Cho nên, các hoạt động tôn giáo sẽ sôi động, nhất là các hoạt động đối ngoại tôn giáo. Nếu có chính sách pháp luật tốt, phát huy được mặt tích cực trong các tôn giáo thì các tôn giáo sẽ là yếu tố góp phần cho sự ổn định và phát triển bền vững của mỗi quốc gia dân tộc, kể cả trong việc xây dựng con người mới, xã hội mới nhân văn và tốt đẹp hơn.

Do đó, bài viết nhận định, thứ nhất, tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo như là một vận động của thời đại lịch sử. “Thời đại mới với sự bùng nổ thông tin, với sự phát triển đa cực, đa phương, đa chiều, muốn hội nhập và toàn cầu hóa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thời đại, tôn giáo cần phải chấn hưng, cải cách, cải tổ, đổi mới.11 Những đổi thay và phát triển không ngừng của thời đại mới đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống, cho nên không một cá nhân nào, gia đình nào, tổ chức nào, thiết chế xã hội hay quốc gia nào nếu muốn hội nhập toàn cầu hóa mà không tự chấn hưng, cải cách, đổi mới. Đây là quy luật vận động của lịch sử. Thời đại hiện nay, chỉ cần ngồi một chỗ, bằng công nghệ thông tin qua hệ thống mạng, người ta có thể nắm bắt tất cả những tin tức, đổi thay từng phút, từng giờ, từng ngày, ở nơi này, nơi khác trên toàn thế giới. Sự đổi thay đó đã tác động đến phương thức hành đạo của các tôn giáo. Bên cạnh những phương thức cổ truyền vốn tồn tại từ lâu, “các tôn giáo thông qua phương tiện internet, các mạng điện tử được thiết lập bằng trang web, có thể dễ dàng truyền tải, phổ biến tư tưởng, giáo lý, tin tức giáo hội, hoạt động của tôn giáo đến bất kỳ người đọc nào trên khắp thế giới”.12

Thứ hai, tiếp tục đổi mới chính sách tôn giáo như là một vận động sinh tồn và là một nhu cầu sống còn. Tôn giáo, nhất là Phật giáo vốn có sẵn trong lòng mình năng lượng để chấn hưng, cải cách. Chính bản thân các tôn giáo lớn cũng đang có nhu cầu cần chấn hưng, cải cách để hội nhập và đó cũng là điều kiện, là phương tiện và là phương thức để tồn tại. Cho nên, cải cách là một nhu cầu để sống còn, là một vận động để tồn tại. Thế kỷ XXI là thế kỷ có nhiều diễn biến phức tạp về tôn giáo và dân tộc. Trong nhiều trường hợp vấn đề tôn giáo gắn kết với vấn đề dân tộc, không chỉ liên quan đến nhân quyền, mà còn là nguyên nhân, nguyên cớ của những xung đột vũ trang. Vấn đề tôn giáo trong điều kiện toàn cầu hóa và cách mạng khoa học, công nghệ thông tin dễ dàng vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và trở thành vấn đề quốc tế. Do đó, chính sách pháp luật về tôn giáo, dân tộc nếu không được xây dựng và thực hiện tốt, thường dễ bị lợi dụng, kích động trở thành mâu thuẫn, thù hận, chia rẽ giữa các tôn giáo, thậm chí trở thành xung đột xã hội dưới vỏ bọc tôn giáo.

Trong bối cảnh đó, bài viết mạo muội đề xuất, trên tinh thần kế tục sự thay đổi tư duy và chính sách tôn giáo qua Nghị quyết số 24-NQ/TW, cần tiếp tục xây dựng hệ thống luật pháp để tăng cường được sự đoàn kết, khoan dung giữa các tôn giáo và phát huy được vai trò tích cực của các tôn giáo trong đời sống xã hội. Do đó, “Hệ thống luật pháp tôn giáo của mỗi quốc gia cần được xây dựng một cách dân chủ, có sự tham gia ý kiến của tất cả các tôn giáo trong các giai đoạn của quá trình xây dựng luật: giai đoạn dự thảo, thẩm định, ban hành và thực hiện. Hệ thống luật pháp đối với tôn giáo ngoài việc phản ánh và thể hiện đặc điểm, điều kiện, bản sắc mỗi quốc gia, đồng thời thể hiện được các đặc điểm, nội dung và tính chất của thời đại ngày nay. Trong đó cần chú ý điều chỉnh xu hướng thế tục hóa (nhập thế), dân tộc hóa và dân chủ hóa của các tôn giáo trong thời đại ngày nay”.13

Hệ thống luật pháp cần chú ý “điều chỉnh để phát huy vai trò của các tôn giáo không chỉ ở các khía cạnh đạo đức, văn hóa, mà còn ở một phạm vi tổng thể hơn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là vai trò tôn giáo trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của dân tộc và toàn cầu”14 như: xóa đói giảm nghèo, đoàn kết và ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, mở rộng và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, v.v. Hệ thống luật pháp dù điều chỉnh các quan hệ xã hội, con người và trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, song luật pháp cũng phải định hướng, xác định được bản chất, vai trò và quan hệ của tôn giáo trong mối quan hệ với những lĩnh vực, vấn đề khác như kinh tế, chính trị, dân chủ hóa xã hội, văn hóa, đạo đức, đối ngoại.

Tóm lại, hướng xây dựng chính sách phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, ngoại giao nhân dân thì cũng nên đồng thời chấp nhận thực tế là sự hiện diện và ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống xã hội sẽ theo đó mà tăng lên, cạnh tranh với dịch vụ của nhà nước, tổ chức xã hội khác, ở khu vực hoặc toàn cầu. Bên cạnh đó, “phát huy nguồn lực tôn giáo cần tránh thương mại hóa tôn giáo, càng tránh chính trị hóa tôn giáo”.15

Kiến nghị định hướng xây dựng quan hệ quốc tế của PGVN thời hội nhập

Dựa trên tinh thần tiếp tục thay đổi nhận thức và tư duy tôn giáo qua chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với đường hướng phát triển GHPGVN trong xu thế mới, phù hợp với môi trường toàn cầu, bài viết mạo muội kiến nghị:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quốc tế Phật giáo trong việc giao lưu giáo dục, văn hóa, học thuật và các hoạt động từ thiện xã hội. Những đóng góp cho sự phát triển của dân tộc qua nhiều thời kỳ lịch sử đã tạo cho PGVN một vị trí đặc biệt trong tư tưởng và tình cảm không chỉ riêng của giới Phật giáo các nước mà còn đối với cả những hoạt động văn hóa hoặc tôn giáo bạn. Hoạt động trao đổi văn hóa chính thức với các tổ chức giáo dục đại học tại Ấn Độ, trao đổi học thuật và hoạt động từ thiện xã hội với Phật tử Nhật Bản, Đài Loan, v.v. đóng góp cho sự phát triển đồng đạo khắp năm châu, cũng như góp phần cho sự nghiệp hòa bình hợp tác và phát triển quan hệ quốc tế của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, tạo điều kiện, quan tâm đến việc đào tạo một lớp Tăng, Ni sinh trẻ, giỏi về Phật học, có trình độ đại học, có năng lực thiết thực áp dụng giáo lý Đức Bổn sư, giỏi về sinh ngữ, có khả năng hoạt động quốc tế, có tinh thần dân tộc để có thể gánh vác những nhiệm vụ quốc tế mà Giáo hội giao phó. Đẩy mạnh các hoạt động quốc tế không riêng trong lĩnh vực đấu tranh cho hòa bình mà còn mở rộng thêm trên các lĩnh vực trao đổi văn hóa học thuật Phật giáo, xây dựng các dự án hợp tác giữa các Phật tử các nước với Việt Nam trên lĩnh vực từ thiện xã hội; và vận động tiếp tục các học bổng, đề cử các Tăng, Ni sinh xuất sắc, có khả năng có thể đi học thêm ở nước ngoài, vừa để trao đổi thêm các kinh nghiệm hoạt động quốc tế, vừa thuận tiện cho việc sử dụng các ngoại ngữ cần thiết.

Thứ ba, thành lập các nhóm chuyên môn để nghiên cứu tình hình Phật giáo trong và ngoài nước. Nâng cao sự hiểu biết các tổ chức Phật giáo bạn. Các vấn đề thời sự có liên quan đến Phật giáo phải có người nghiên cứu đầy đủ, như vấn đề đạo đức môi sinh, xã hội, giáo dục, văn hóa, v.v... để Giáo hội có thể tham khảo, lập kế hoạch trong sinh hoạt quốc tế. Nâng cao kiến thức, kỹ năng về đối ngoại, tìm hiểu về Giáo hội, về tổ chức sinh hoạt, về các vấn đề thời sự và có khả năng sinh ngữ trong giao tiếp với đoàn Phật giáo các nước nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quốc tế của Giáo hội.

Thứ tư, mở rộng các hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa. Chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới; với các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới. Tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới, với Phật giáo các nước châu Á, cộng đồng Phật giáo các nước Asean. Chủ động tích cực tham gia với tư cách thành viên, thành viên sáng lập của các tổ chức Phật giáo quốc tế, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Thường xuyên trao đổi đoàn đi thăm các nước, tham gia hội thảo quốc tế, cũng như đón tiếp các phái đoàn quốc tế, các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam theo đường lối ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân.

Cuối cùng, đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo cấp đại học: Quan hệ đối ngoại Phật giáo tại bốn học viện Phật giáo Việt Nam, tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và Cần Thơ. Ngày nay, một nền giáo dục toàn diện tạo nên chất lượng giáo dục đáp ứng được nhu cầu phát triển cần tư duy và cách làm giáo dục phải theo kịp thời đại. Sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin làm cho thế giới ngày một “phẳng”, con người có điều kiện hòa nhập vào cộng đồng quốc tế. Cho nên, GHPGVN cần có chuyên ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu hội nhập theo sự phát triển. Vì ngành này sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quan hệ đối ngoại Phật giáo; cung cấp cho sinh viên bức tranh tổng quát về Phật giáo thế giới và các vấn đề về các tổ chức Phật giáo quốc tế trên nền tảng các kiến thức cơ sở về PGVN. Với kiến thức đa và liên ngành, Tăng Ni sinh viên có thể tiếp cận với những cơ hội cống hiến cho các ban ngành đối ngoại Phật giáo từ Trung ương đến địa phương hoặc tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn. Đây là một lối đi mới theo nhu cầu thực tế của Giáo hội trong các công tác đối ngoại, cũng như theo nhịp tiến về học thuật của thế giới đòi hỏi nền giáo dục Phật giáo cần trang bị để trao đổi học thuật mang tầm quốc tế mà chúng ta không bị thiếu thốn nhân lực khi tham gia vào môi trường quốc tế này.16

Kết luận

Những đóng góp của GHPGVN trên các phương diện và lĩnh vực hoạt động, từ văn hóa, tư tưởng đến giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cho đến xây dựng cuộc sống hòa bình, hòa hợp với môi trường, v.v... không chỉ đóng góp ở trong nước mà còn trên trường quốc tế. Qua đường lối đổi mới và mở cửa, cũng như chính sách đúng đắn của Nhà nước về tự do tín ngưỡng cũng như sự yểm trợ chân tình của các cơ quan lãnh đạo ở Trung ương các cấp, Giáo hội đã có thuận duyên để tiếp tục phát triển vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại. Hoàn cảnh lịch sử mới với nhiều triển vọng của đất nước tạo điều kiện cho GHPGVN phát huy mạnh mẽ các tiềm năng đã nói trên trong mọi hoạt động quốc tế, làm cho các hoạt động này được thực hiện có kế hoạch, có chủ động hơn, thiết thực hơn nữa để cùng đồng bào và các cộng đồng có thiện chí khắp năm châu góp phần đem lại hòa bình an lạc cho dân tộc Việt Nam và nhân loại.

________

ĐĐ.Thích Thanh Tâm: Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế; Ủy viên Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phiên dịch Phật học - VNCPHVN; Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Giảng viên - dịch giả Viện Trần Nhân Tông - Đại học Quốc gia Hà Nội.

(2) Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển,NXB.Hồng Đức, tr.106.

(3) Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương, http://vinhnghiem.de/news/index.php?nv=news&op=Dieu-le/Noi-qui-Ban-Phat-giao-quoc-te-Trung-uong-227.

(4) Nguồn lực là “Tổng thể lực lượng vật chất và tinh thần được sử dụng hoặc có khả năng sử dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.” [Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển, NXB.Hồng Đức, tr.195].

(5) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2016), tài liệu đã dẫn, tr.195.

(6) Bùi Thanh Hà, Định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/dinh-huong-phat-huy-nguon-luc-ton-giao-trong-phat-trien-dat-nuoc.html.

(7) Đôn Tuấn Phong, Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của Việt Nam, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Doi-ngoai-va-hoi-nhap/2019/54845/Doi-ngoai-nhan-dan-gop-phan-nang-cao-hinh-anh-va-vi.aspx.

(8) Trong các chỉ thị, nghị quyết tiếp theo, tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện: Chỉ thị 37 (1998) của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (1998) khuyến khích ý tưởng công bằng, bác ái, hướng thiện trong tôn giáo. Đặc biệt, Nghị quyết số 25 (2003) đã tổng kết và phát triển tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. (Xem thêm Thích Thanh Tâm, Quan hệ đối ngoại Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 đến nay, sách chuyên khảo, sắp xuất bản, tr.86).

(9) Đỗ Quang Hưng, Từ sự đổi mới nhận thức đến sự đổi mới về chính sách tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1081/Tu_su_doi_moi_nhan_thuc_den_su_doi_moi_ve_Chinh_sach_Ton_giao.

(10) Đỗ Quang Hưng, tài liệu đã dẫn.

(11) Nguyễn Công Lý, Dương Hoàng Lộc (2016), “Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa - trường hợp thành phố Hồ Chí Minh”, tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr.58.

(12) Nguyễn Công Lý, Dương Hoàng Lộc (2016), tài liệu đã dẫn, tr.59.

(13) Nguyễn Văn Thanh, Xây dựng hệ thống pháp lụât nhằm tăng cường tình đoàn kết, khoan dung giữa các tôn giáo, https://www.iclrs.org/content/blurb/files/Tham%20lu-n%20Hth-o%20Utah.USA%20(1).pdf.

(14) Nguyễn Văn Thanh, tài liệu đã dẫn.

(15) Bùi Thanh Hà, tài liệu đã dẫn.

(16) Xem thêm Thích Thanh Tâm (2019), Phật học Việt Nam thời hiện đại: Xây dựng chuyên ngành quan hệ đối ngoại Phật giáo, https://thuvienhoasen.org/a34977/phat-hoc-viet-nam-thoi-hien-dai-xay-dung-chuyen-nganh-quan-he-doi-ngoai-phat-giao.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thanh Bình, Đỗ Thanh Hải chủ biên (2012), Tôn giáo và quan hệ quốc tế, NXB.Chính trị Quốc gia.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB.Sự Thật, Hà Nội.

3. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2016), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm hình thành và phát triển, NXB.Hồng Đức, tr.106.

4. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tín ngưỡng tôn giáo, https://web.archive.org/web/20181112092328/http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/tt_vietnam/nr050324092159/.

5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Phật giáo Qvuốc tế Trung ương, http://vinhnghiem.de/news/index.php?nv=news&op=Dieu-le/Noi-qui-Ban-Phat-giao-quoc-te-Trung-uong-227.

6. Bùi Thanh Hà, Định hướng phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/dinh-huong-phat-huy-nguon-luc-ton-giao-trong-phat-trien-dat-nuoc.html.

7. Đỗ Quang Hưng, Từ sự đổi mới nhận thức đến sự đổi mới về chính sách tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/1081/Tu_su_ doi_moi_nhan_thuc_den_su_doi_moi_ve_Chinh_sach_Ton_giao.

8. X. Hoa, Đại lễ Vesak 2019 nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, https://baophapluat.vn/trong-nuoc/dai-le-vesak-2019-nang-cao-vai-tro-cua-phat-giao-viet-nam-trong-hoi-nhap-quoc-te-451113.html.

9. Thái Văn Long, Truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/ quoc-te/item/2382-truyen-thong-va-hien-dai-dan-toc-va-quoc-te-trong-duong-loi-doi-ngoai-thoi-ky-doi-moi.html.

10. Nguyễn Công Lý, Dương Hoàng Lộc (2016), “Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa - trường hợp Thành phố Hồ Chí Minh”, tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, tr.58.

11. Đôn Tuấn Phong, Đối ngoại nhân dân góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế quốc tế của Việt Nam, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Doi-ngoai-va-hoi-nhap/2019/54845/Doi-ngoai-nhan-dan-gop-phan-nang-cao-hinh-anh-va-vi.aspx.

12. Nguyễn Văn Thanh, Xây dựng hệ thống pháp luật nhằm tăng cường tình đoàn kết, khoan dung giữa các tôn giáo, https://www.iclrs.org/content/blurb/files/Tham%20lu-n%20Hth-o%20Utah.USA%20(1).pdf.

13. Thích Thanh Tâm, Quan hệ đối ngoại Phật giáo Việt Nam từ năm 1981 đến nay, sách chuyên khảo, sắp xuất bản.

14. Thích Thanh Tâm (2019), Phật học Việt Nam thời hiện đại: Xây dựng chuyên ngành quan hệ đối ngoại Phật giáo, https://thuvienhoasen.org/a34977/phat-hoc-viet-nam-thoi-hien-dai-xay-dung-chuyen-nganh-quan-he-doi-ngoai-phat-giao.

ĐĐ.Thích Thanh Tâm/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nhung-de-xuat-va-kien-nghi-dinh-huong-xay-dung-quan-he-doi-ngoai-phat-giao-viet-nam-thoi-hoi-nhap-post73792.html
Zalo