Những dấu ấn đầu tiên của nền công nghiệp khí Việt Nam

Nền công nghiệp khí Việt Nam, mà khởi đầu là những dấu chân của người lao động Dầu khí, đã tạo nên một huyền thoại khác sau câu chuyện tìm thấy dầu trong tầng đá móng nứt nẻ, đó là nghiên cứu thành công vận chuyển hỗn hợp dầu khí cao áp và sử dụng nguồn năng lượng vỉa của giếng dầu để thu gom và vận chuyển khí vào bờ.

Việc phát hiện dầu với trữ lượng lớn và nhịp độ khai thác cao tại Bạch Hổ đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc thay đổi quan điểm tổ chức phát triển và khai thác mỏ được hai Chính phủ Việt Nam - Liên Xô (cũ) nay là Liên bang Nga phê duyệt trong thiết kế tổng thể khi thành lập Liên doanh Vietsovpetro. Theo thiết kế ban đầu, dầu khai thác sẽ được thu gom và chuyển bằng đường ống đưa về khu xử lý trung tâm trên bờ đặt tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó dầu sau xử lý sẽ tiếp tục được chuyển bằng đường ống lên Thành Tuy Hạ, dự kiến sẽ xây nhà máy lọc dầu 3 triệu tấn/năm.

Tốc độ phát triển mỏ Bạch Hổ với sản lượng gia tăng nhanh, nhưng địa điểm nhà máy lọc dầu chưa được duyệt cho thấy phương án chuyển dầu bằng đường ống vào bờ không hiệu quả, ảnh hưởng đến tiến độ khai thác dầu và không hiện thực với đặc điểm dầu Bạch Hổ có hàm lượng parafin lớn và nhiệt độ đông cao, vì thế phải chuyển sang phương án thu gom và xuất bán dầu trực tiếp ngoài biển qua các tàu chứa UBN (FSO).

Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ.

Cụm giàn công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 7/7/1988 của Bộ Chính trị đã sớm khẳng định: “Nhanh chóng lập phương án trước năm 1995 sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác để sản xuất phân đạm, phát điện và phục vụ đời sống nhân dân”.

Văn kiện Hiệp định liên Chính phủ sửa đổi được ký kết tháng 7/1991 cũng đã nhất trí: Khí đồng hành do Vietsovpetro khai thác, tách ra từ dầu thô tại mỏ, ngoài việc sử dụng cho nhu cầu cung cấp năng lượng tại chỗ thì sẽ được bàn giao cho phía Việt Nam toàn quyền sử dụng.

Vấn đề phát sinh rất khẩn cấp là phải xử lý như thế nào với lượng khí đồng hành tăng nhanh cùng với sản lượng dầu hằng năm? Trong tổng thiết kế ban đầu chỉ đặt giải pháp đốt trực tiếp ngoài biển trên các giàn khai thác MSP. Với hàm lượng khoảng 180 m3 khí hòa tan trong 1 m3 dầu, khi sản lượng dầu thô tăng lên, lượng khí đốt bỏ ngày càng lớn, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, sức nóng từ ngọn đuốc phả hầm hập vào CTP-2 khi mùa gió chướng, gây mất an toàn, nguy cơ cháy nổ rất cao, nhất là những lúc gió đổi chiều bất chợt. Đến năm 1995, dự kiến lượng khí đồng hành sẽ đạt gần 1 triệu m3/năm, có nghĩa trên fakel giàn công nghệ trung tâm CTP-2 phải đốt mỗi ngày gần 250 nghìn m3 khí.

Quyết định táo bạo và sự quyết tâm

Cuối năm 1991, trong buổi Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với Vietsovpetro, Tổng Giám đốc Vietsovpetro báo cáo xin được thay đổi giải pháp không vận chuyển dầu thô vào bờ bằng đường ống như thiết kế năm 1981 vì dầu nhiều parafin có nhiệt độ đông đặc cao, về kỹ thuật là không khả thi và xin đổi thiết kế với phương án đưa khí vào bờ, nhấn mạnh sự dồi dào của khí đồng hành tách ra từ dầu khai thác trong tầng móng mỏ Bạch Hổ và dự kiến vào thời điểm 1993-1994 khi sản lượng dầu đạt 5 triệu tấn/năm thì sản lượng khí đồng hành đốt bỏ tại đuốc CTP-2 đạt gần 1 triệu m3/ngày đêm.

Với nhu cầu đảm bảo nguồn năng lượng điện trước mắt cho miền Nam, sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đồng ý phương án đưa khí vào bờ tiêu thụ cho phát điện và yêu cầu có báo cáo tiền khả thi gấp trình Chính phủ.

Nhiệm vụ thiết kế và xây dựng hạ tầng công nghệ kỹ thuật ngoài biển nhằm thu gom, vận chuyển về bờ cũng như hạ tầng xử lý tiêu thụ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này trên đất liền đã trở nên cấp bách.

Lúc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương thay mặt Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dầu khí lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật cho toàn “Hệ thống thu gom, vận chuyển và tiêu thụ khí Bạch Hổ - Thủ Đức” và “Phương án thu hồi nguồn khí đồng hành mỏ Bạch Hổ” do Vietsovpetro cùng Công ty Khí Việt Nam phối hợp thực hiện là nền tảng cho Bản Luận chứng kinh tế kỹ thuật này.

Để đưa khí vào bờ với sản lượng lớn và sử dụng đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài xây dựng đường ống, cần có hệ thống thu gom, có giàn nén khí ngoài biển, nhà máy xử lý khí GPP cũng như các hộ tiêu thụ công nghiệp trên bờ liên kết thành một dây chuyền đồng bộ. Tuy nhiên, để xây dựng được giàn nén khí và nhà máy xử lý GPP phải mất từ 3-4 năm. Vì nguồn khí là khí đồng hành được khai thác đồng hành cùng dầu thô nên sản lượng dầu tăng thì sản lượng khí cũng tăng nhanh theo dầu.

Với mục tiêu tận dụng nhanh nguồn khí đồng hành không phải đốt ngoài biển nên ngay từ năm 1995, Vietsovpetro đã phối hợp với Công ty Khí Việt Nam triển khai Dự án đưa khí sớm về bờ (Fast Track). Dự án đưa khí sớm vào bờ (còn được gọi là dự án 1 triệu m3 khí) chính là sự tận dụng năng lượng vỉa của dòng khí áp lực cao trong dầu được khai thác từ tầng móng mỏ Bạch Hổ, đưa vào bờ với sản lượng hạn chế ban đầu khoảng 1 triệu m3/ngày đêm mà chưa cần giàn nén ngoài biển, cũng như chấp nhận chạy turbine với khí nhiệt trị cao, chưa tách condensate và LPG.

Những ngày tháng lao động sáng tạo

Những ngày tháng của các năm 1993-1994, cả Vietsovpetro sôi động, tất bật cho Dự án đưa khí về bờ. Từ Bộ máy điều hành, Viện NIPI, Xí nghiệp Xây lắp, Xí nghiệp khai thác... khắp nơi trên bờ, ngoài biển nhộn nhịp xe cộ, tàu bè.

Bãi cảng Vietsovpetro chất đầy các đường ống 16” bọc bê tông, các modules, chân đế và khối thượng tầng “topside” giàn ống đứng, các cầu dẫn xếp thành hàng chờ đưa ra biển. Tàu Hyundai HD-2500 lừng lững vào cảng Vũng Tàu làm thủ tục để tiến hành lắp đặt tuyến ống 16” dài 110 km Bạch Hổ - Long Hải. Liên hiệp Xây lắp Dầu khí triển khai thi công tuyến ống Long Hải - Bà Rịa và các trạm Dinh Cố, Bà Rịa. Khắp Vũng Tàu, trên các tuyến đường từ cảng Vietsovpetro tới Bà Rịa, Long Hải, xe ben, xe tải nhộn nhịp, các công trình đồng loạt khởi công.

Trên công trình đón dòng khí đầu tiên về bờ hơn 20 năm trước. (Ảnh tư liệu)

Trên công trình đón dòng khí đầu tiên về bờ hơn 20 năm trước. (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Hiệp - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nhớ lại: “Trong khi chúng ta chưa có máy nén khí để đẩy khí vào bờ thì anh em Vietsovpetro đã có sáng kiến là sử dụng chính áp lực của các vỉa dầu để đẩy khí vào bờ. Sau khi ký hợp đồng xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí với công ty Huyndai thì sáng kiến đó lập tức được triển khai. Quá trình thực hiện phải nói là khó khăn, trầy trật lắm, nhưng cuối cùng thì cũng đạt được yêu cầu bằng chính sáng kiến đó của anh em Vietsovpetro. 1 triệu mét khối khí được đưa vào bờ mà không cần máy nén, chỉ sử dụng áp lực của vỉa dầu”.

Theo tính toán của các chuyên gia Viện NIPI, tuy mỏ Bạch Hổ cách xa bờ hơn 120 km, nhưng khí đồng hành trong dầu ở những vỉa năng lượng cao (đặc biệt là từ tầng móng) khi tách ra sau bình cao áp có áp suất khoảng 50 barg, có thể thu gom và vận chuyển về bờ cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp, chưa cần hệ bơm cao áp hỗ trợ. Sáng tạo của Vietsovpetro là cải tạo giàn MSP-2, bổ sung thêm các modules và hệ thống làm nguội khí để tách phần lỏng condensat thô trước khi đưa vào đường ống, xây dựng lý thuyết tận dụng áp suất đầu giếng để duy trì áp suất trong đường ống tránh tách C3, C4 ở dạng lỏng để đưa vào Nhà máy điện Bà Rịa ở dạng khí khô, tuy với nhiệt lượng cao, với lưu lượng gần 1 triệu m3/ngày đêm. Công trình đã được thực hiện đúng hạn.

Cũng chính giải pháp này đã mở ra kỷ nguyên sử dụng khí đồng hành làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện và các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam.

Mở ra trang sử mới

Ngày 17/4/1995, khí đồng hành thu gom từ mỏ Bạch Hổ đã vận chuyển vào bờ, đưa đến trạm phân phối khí Bà Rịa, cung cấp khí cho Nhà máy điện Bà Rịa. Nhà máy điện Bà Rịa phát ra dòng điện bằng khí đầu tiên hòa vào lưới điện quốc gia vào lúc 14 giờ ngày 26/4/1995. Lễ đón nhận dòng khí đầu tiên vào bờ được tổ chức vào chiều ngày 1/5/1995 tại Bà Rịa.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995. (Ảnh tư liệu)

Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ năm 1995. (Ảnh tư liệu)

Tình hình năng lượng của Việt Nam những năm tháng đó không ổn định, chúng ta thiếu khí đốt và chưa hề có một nhà máy, cơ sở công nghiệp lớn nào sử dụng khí mà chỉ nhập khí hóa lỏng về để bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ. Đó cũng là bối cảnh ra đời của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố - trái tim của nền công nghiệp khí Việt Nam khi ấy.

Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố được thành lập tháng 8/1998, trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), là nhà máy xử lý khí đầu tiên của Việt Nam ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trên thế giới, tạo ra các sản phẩm từ khí lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam như: condensate, LPG, khí khô, đem lại giá trị kinh tế cao. Dinh Cố chính là tiền đề cho sự phát triển thị trường khí ở Đông Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.

Việc nâng cấp từng bước và hoàn thiện Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và Cảng LPG Thị Vải trên bờ đã nâng cao hiệu quả sử dụng khí, thời kỳ cao điểm có thể thu được hằng năm khoảng 350 nghìn tấn condensat, gần 1 triệu tấn LPG, trên 1,5 tỷ m3 khí khô từ dòng khí Bạch Hổ, đáp ứng nhu cầu chất đốt về LPG, đảm bảo cung cấp khí đủ cho cụm Nhà máy Điện Phú Mỹ 2.600 MW và Nhà máy Đạm Phú Mỹ công suất 800 nghìn tấn/năm.

Nhớ lại những ngày tháng của những năm 80 và 90, khi ngân sách Nhà nước phải chắt chiu từng đồng ngoại tệ, khi hằng tuần ngay tại TP Hồ Chí Minh, vào mùa khô nóng bức phải cắt điện luân phiên 2-3 ngày/tuần, trẻ em phải thắp đèn dầu giữa thành phố để học vào đêm, người dân thành phố phải đun bếp dầu, than tổ ong, có khi cả củi ngay trong các căn hộ cao tầng, các cơ sở công nghiệp phải nghỉ sản xuất vì thiếu điện, người nông dân luôn phải chịu sức ép mua phân bón giá cao từ các thương lái những ngày vào vụ... Những hình ảnh đã trở thành quá khứ càng làm nổi bật sự đóng góp quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam, niềm tự hào của những thế hệ “người đi tìm lửa” đã đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước, nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân, mà lãnh đạo Đảng, Chính phủ luôn kỳ vọng ở ngành Dầu khí Việt Nam./.

Tr.L

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-dau-an-dau-tien-cua-nen-cong-nghiep-khi-viet-nam-720953.html
Zalo