Những dấu ấn đáng chú ý Giáo hoàng Francis
Trong suốt quá trình chủ trì Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis đã mang lại nhiều cải cách đáng chú ý.
Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đến từ Mỹ Latin, đã qua đời vào ngày 21/4, hưởng thọ 88, Vatican thông báo.
Thông tin Giáo hoàng Francis qua đời do Hồng y Kevin Farrell thông báo vào sáng 21/4 giờ địa phương. "Các anh chị em đạo hữu thân mến, với nỗi buồn sâu sắc, tôi phải thông báo về sự ra đi của Đức Thánh Cha Francis", tuyên bố của hồng y Kevin Farrell cho biết. Giáo hoàng Francis mất tại nơi cư trú ở Casa Santa Marta, Vatican. Ông dự kiến sẽ được chôn cất tại Vương cung thánh đường St. Mary Major ở Rome.

Giáo hoàng Francis. ̣(Ảnh: Getty)
Ông Francis được bầu làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị năm 2013. Ông sinh ra tại khu phố trung lưu Flores, Buenos Aires (Argentina) ngày 17/12/1936 với tên khai sinh Jorge Mario Bergoglio.
Ông trở thành Giáo hoàng đầu tiên đến từ khu vực Mỹ Latin, là người đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên và cũng là vị giáo hoàng ngoài châu Âu đầu tiên trong lịch sử 1.300 năm của Giáo hội Công giáo kể từ thời Giáo hoàng Gregory III gốc Syria vào năm 731. Ông đã lựa chọn tên thánh Francis Assisi – vị thánh biểu tượng của sự nghèo khó, hòa bình và bảo vệ thiên nhiên.
Giáo hoàng Francis là con trai cả trong một gia đình có 5 người con, với cha là người nhập cư Italy và mẹ là người Argentina gốc Italy. Khi còn là sinh viên, ông đã làm thêm rất nhiều công việc, sau đó trở thành một kỹ thuật viên hóa học.
Ông gia nhập Dòng Tên – một trong những dòng tu trí thức và uy tín nhất trong Giáo hội Công giáo vào năm 1958, sau đó được thụ phong linh mục Dòng Tên vào năm 1969. Đến năm 1973, ông trở thành người đứng đầu Dòng Tên tại Argentina và Uruguay, giữ chức vụ này cho đến năm 1979. Năm 2001, ông được Giáo hoàng John Paul II phong Hồng y.
Làn gió cải tổ
Giáo hoàng Francis đã chủ trì Giáo hội Công giáo trong thời kỳ căng thẳng gia tăng. Vào năm 2021, các giám mục Mỹ đã soạn thảo một đề xuất sẽ từ chối việc rước lễ cho Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden vì ông Biden ủng hộ quyền phá thai. Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Giám mục Công giáo Mỹ để soạn thảo kế hoạch này đã diễn ra bất chấp sự phản đối của cố vấn giáo lý hàng đầu của giáo hoàng, Hồng y Luis Ladaria.
Hơn hai tháng sau, Giáo hoàng Francis đã bóng gió phản đối mạnh mẽ đề xuất của các giám mục Mỹ. Ông cho biết: “Rước lễ không phải là giải thưởng dành cho người hoàn hảo. Tôi chưa bao giờ từ chối thực hiện nghi thức này cho bất kỳ ai”. Nhưng ông cũng cho biết ông phản đối quyền phá thai.
Trong suốt quá trình chủ trì Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis cố gắng tránh gây leo thang xung đột văn hóa và tín ngưỡng. Khi bay trở về Rome sau chuyến đi tới Bồ Đào Nha vào tháng 8/2023, ông nói với các phóng viên rằng Giáo hội Công giáo mở cửa cho tất cả mọi người và có nhiệm vụ đồng hành cùng mọi người trong khuôn khổ các quy tắc của mình.
Giáo hoàng Francis cho rằng các linh mục có thể ban phước cho các cặp đôi đồng giới, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Vatican. Ông cũng khuyến khích phát huy vai trò của phụ nữ trong nhà thờ, đặc biệt là ở các vị trí cấp cao của Vatican. Vào tháng 4/2023, ông tuyên bố trao quyền bỏ phiếu cho phụ nữ tại một cuộc họp các giám mục. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nữ giới có cơ hội khẳng định vai trò lớn hơn trong nhà thờ. Quyết định của Giáo hoàng đã hướng tới hai mục tiêu: trao cho phụ nữ nhiều trách nhiệm ra quyết định hơn và cho phép giáo dân có nhiều tiếng nói hơn trong đời sống của nhà thờ.
Cuộc chiến với bệnh tật
Khi còn trẻ, Giáo hoàng Francis đã phải cắt bỏ một phần phổi vì biến chứng của bệnh phổi. Tuy vậy, Vatican cho biết vấn đề sức khỏe này không làm ảnh hưởng đến công việc của ông. Trong những năm gần đây, ông liên tục gặp các vấn đề sức khỏe, trong đó có các bệnh về hô hấp, bệnh cúm và trải qua nhiều ca phẫu thuật. Ông phải nhập viện lần đầu tiên để phẫu thuật đại tràng vào ngày tháng 7/2021 tại bệnh viện Gemelli. Vatican cho biết, dù ca phẫu thuật đã được lên kế hoạch trước nhưng thông tin này đã gây chấn động khắp nhà thờ.
Đến cuối tháng 3/2023, ông tiếp tục nhập viện để điều trị viêm phế quản. Và đến tháng 5/2023, ông đã trải qua ca phẫu thuật chữa thoát vị.
Giáo hoàng Francis lâm bệnh nặng từ tháng 2/2025 và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Agostino Gemelli để điều trị. Ngày 21/2, đội ngũ y tế cho biết, ông đang phải chiến đấu với bệnh viêm phổi cùng với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus khác và bệnh viêm phế quản mãn tính. Sau 38 ngày điều trị, ông rời bệnh viện và trở về dinh thự ở Vatican. Trong khoảng thời gian từ khi Giáo hoàng qua đời cho đến khi người kế nhiệm được bầu ra, Hồng y đoàn sẽ tạm thời điều hành Giáo hội. Người thay thế Giáo hoàng Francis phải do các Hồng y Giáo hội bầu thông qua cuộc họp tuyệt mật bên trong Nhà nguyện Sistine.