Những danh nhân tuổi Mão nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam
Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng sinh năm Mão trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta.
Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, xin được điểm lại vài nét tiểu sử của một số nhân vật tuổi Mão nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Phạm Ngũ Lão (Ất Mão, 1255-1320)
Phạm Ngũ Lão quê ở làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay là huyện Ân Thi), tỉnh Hưng Yên, là danh tướng thời Trần. Danh nhân tuổi Mão này rất tài giỏi, văn võ song toàn nên được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn gả con gái nuôi và tiến cử lên vua Trần Thánh Tông.
Là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sỹ, cuộc đời Phạm Ngũ Lão gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội.
Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai (năm 1285), do lập được nhiều chiến công, Phạm Ngũ lão được phong làm Hạ phẩm Phụng Ngự. Trong cuộc chiến tranh chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ ba (năm 1288), Phạm Ngũ Lão lại lập nhiều chiến công hiển hách và từ đây đường công danh của ông ngày một mở rộng.
Năm 1290, dưới triều Trần Nhân Tông, ông được giao chức quản lĩnh quân Thánh Dực của triều đình.
Trần Nhật Duật (Ất Mão, 1255-1330)
Trần Nhật Duật là danh tướng thời Trần, con thứ sáu của vua Trần Thái Tông. Ông được phong tước Chiêu Văn Vương năm 12 tuổi, một trong những tước vương trẻ nhất của vương triều Trần.
Trong cuộc kháng chiến chống nhà Nguyên-Mông Cổ xâm lăng lần thứ hai, Trần Nhật Duật chỉ huy quân dân đại Việt giành chiến thắng lừng lẫy ở trận Hàm Tử (cửa Hàm Tử, Khoái Châu, Hải Hưng), dọn đường cho trận chiến thắng Chương Dương của các danh tướng Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản.
Bên cạnh tài cầm quân, danh tướng tuổi Mão cũng có tiếng là người học rộng, thông thạo sử sách nhất kinh thành và rất ham thích đạo giáo. Ngoài ra ông cũng có tài ngoại ngữ xuất chúng, điều giúp ông gặt hái nhiều công trạng trong lĩnh vực đối ngoại.
Sau khi ông qua đời, nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ ông. Cuộc đời ông được biết đến qua các bộ chính sử Việt Nam, sớm nhất là Đại Việt Sử ký Toàn thư - Kỷ nhà Trần.
Phan Bội Châu (Đinh Mão, 1867-1940)
Phan Bội Châu quê ở làng Đan Nhiễm, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là chí sỹ yêu nước, lập hội Duy Tân để học việc cách tân đất nước, lãnh đạo phong trào Đông Du ở Nhật, thành lập Việt Nam quang phục hội ở Trung Quốc.
Tháng 6/1925, ông bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải, giải về nước và bị xử án chung thân. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, ông được đưa về an trí tại Huế.
Ông để lại nhiều tác phẩm yêu nước như "Thuốc chữa dân nghèo", "Cao đẳng quốc dân", "Luân lý vấn đáp", "Nhân sinh triết học", "Phan Bội Châu niên biểu".
Hiện tên ông đã được đặt cho nhiều trường học và nhiều con đường trên cả nước, trong đó có trường chuyên của tỉnh Nghệ An và một con phố lớn tại Hà Nội, Hạ Long.
Tại Huế, khu di tích, tưởng niệm Phan Bội Châu tọa lạc trên con đường cùng tên (119 Phan Bội Châu, Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Lăng mộ cùng với mái nhà tranh nhỏ nơi ông từng sống, cách nhau chỉ vài bước chân.
Nguyễn Công Hoan (Quý Mão, 1903-1977)
Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc, nổi tiếng về truyện ngắn, tiểu thuyết như "Kép Tư Bền", "Tắt lửa lòng", "Lá ngọc cành vàng", "Bước đường cùng".
Giới nghiên cứu nhận định, nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời" mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20... Nguyễn Công Hoan đã đột phá vào những thành trì, khuôn khổ của giáo huấn và tiếp nhận, tuân theo một chủ nghĩa khách quan lịch sử khi miêu tả hiện thực. Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là "cổ điển" trong nền văn học hiện đại.
Nguyễn Công Hoan được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
Tên ông được đặt cho một phố ở Hà Nội, đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh. Tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình có con đường mang tên Nguyễn Công Hoan ở phường Bắc Lý.
Hoàng Văn Thái (Ất Mão, 1915-1986)
Hoàng Văn Thái là Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, quê ở xã Tây An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông là một trong những tướng lĩnh có ảnh hưởng quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Tư lệnh kiêm Chính ủy quân khu V, Bí thư Khu ủy Khu V, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Trên phương diện khoa học quân sự, ông cũng được xem là tác giả của hệ thống ký hiệu tổ chức đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam theo ký hiệu bảng chữ cái, và đóng góp nhiều tài liệu nghiên cứu về lịch sử, học thuyết và chiến lược quân sự cho công tác huấn luyện quân đội.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, IV, V và là đại biểu Quốc hội khóa VII, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Tên ông được đặt cho nhiều được phố, trường học.
Tên ông được đặt tên cho nhiều tuyến đường tại các thành phố, thị xã, thị trấn: Đà Nẵng, Hà nội, Đồng Hới, Quy Nhơn, Điện Biên Phủ, Buôn Ma Thuột, Pleiku...