Những Đại sứ Văn hóa đọc

Trong cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp tỉnh năm 2024, nhiều tập thể, cá nhân đã đạt giải cao. Còn ở cuộc thi cấp quốc gia, thí sinh Phạm Gia Bảo, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) đạt giải khuyến khích; Lê Bảo Toàn, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (TP Tuy Hòa), học viên Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng), đạt danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu.

Em Phạm Gia Bảo (bìa trái) cùng cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong tại lễ tổng kết, trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2024. Ảnh: CTV

Em Phạm Gia Bảo (bìa trái) cùng cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong tại lễ tổng kết, trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2024. Ảnh: CTV

Những bài viết được nắn nót cẩn thận, ghi chép rõ ràng và rất nhiều bài thể hiện tâm huyết của các em học sinh khi tham gia cuộc thi chứng tỏ văn hóa đọc chưa hề bị xao lãng trong giới trẻ. Đến với sách, các em đã có những suy nghĩ, nhận thức tích cực về cuộc sống.

Những chia sẻ đầy cảm xúc

“Sách đã dạy con sống tích cực và có trách nhiệm hơn. Dạy con biết chăm chỉ học hành, cống hiến dù chỉ là vô cùng nhỏ nhoi cho đất nước. Và hơn hết, sách đã dạy con yêu nước thực sự là gì - là ước mong Việt Nam phát triển và những người con Việt Nam thực sự hạnh phúc...”. Đó là cảm nghĩ của em Phạm Gia Bảo khi viết bài tham dự cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024.

Trong bài dự thi của mình, Gia Bảo đã bày tỏ sự biết ơn của bản thân đối với tác giả tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội - Phùng Quán.

“Cuốn sách đã thực sự trở thành mảnh ghép rực rỡ của tuổi 16 mà con may mắn được đọc. Không ít lần con tự hỏi nếu không đọc Tuổi thơ dữ dội thì làm sao con có thể biết được vào cái tuổi ăn, tuổi lớn, những “Vệ quốc đoàn con nít” lại phải trải qua nhiều khó khăn, cực khổ như thế. Biết là sẽ khổ, sẽ đói, dễ mất mạng như chơi nhưng các cậu bé chưa một lần run sợ, chùn bước. Sẽ chẳng bao giờ con quên được những nụ cười tươi sáng, trong trẻo kể cả trong những trận đòn roi xé thịt hay giữa làn mưa bom bão đạn của địch... Tác giả đã cho con biết đến những mảnh ghép trong bức tranh tuổi thơ đầy màu sắc nhưng có chút ảm đạm, tăm tối của sự bi thương song cũng vô cùng rực rỡ của những tháng ngày rong ruổi bất tận, cống hiến hết mình cho đất nước”, Gia Bảo viết.

Theo cô Trần Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong, nhà trường xác định văn hóa đọc là yếu tố thúc đẩy tinh thần tự giác học tập, khám phá của học sinh, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng; đồng thời là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy.

Từ đó, Ban giám hiệu cũng như các giáo viên thường xuyên cập nhật những cuốn sách hay, ý nghĩa để giới thiệu đến các em; tạo điều kiện cho các em mượn sách; tổ chức cuộc thi kể về sách và tham gia các cuộc thi liên quan tới sách do các cấp, ngành tổ chức. Đặc biệt, mỗi giáo viên, học sinh là một đại sứ văn hóa đọc lan tỏa giá trị của sách.

Vì vậy, Trường THPT Lê Hồng Phong không chỉ đạt giải tập thể có nhiều thí sinh tham gia nhất mà còn là trường có nhiều thí sinh đạt giải. Kết quả này là trái ngọt từ sự nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc ươm mầm, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách cho học sinh toàn trường.

Tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc suốt 4 năm liền, để có được danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu toàn quốc năm 2024, trước đó Lê Bảo Toàn đã gặt hái nhiều thành tích đáng kể như: Giải ba toàn quốc năm 2021, giải khuyến khích và bài dự thi có phần minh họa ấn tượng nhất toàn quốc năm 2022, giải bài dự thi có phần minh họa ấn tượng nhất cấp tỉnh năm 2023.

Bảo Toàn chia sẻ: “Đối với em, hành trình Đại sứ Văn hóa đọc là một hành trình thật đẹp và đầy ý nghĩa. Hành trình này đã ghi lại những xúc cảm mãnh liệt nhất, tình yêu lớn của em đối với sách, với tri thức và văn hóa đọc. Đây là lần thứ ba em vinh dự được nhận giải thưởng tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc quốc gia và cũng là lần đầu tiên, em tham dự cuộc thi trên cương vị là một học viên của QĐND Việt Nam. Đó là cả một quá trình nghiên cứu, tích lũy, say mê, tìm tòi và lan tỏa văn hóa đọc của chính bản thân mình. Được cầm trên tay giải thưởng cao quý từ ban tổ chức cuộc thi là một điều vô cùng thiêng liêng và trân quý. Giải thưởng hôm nay sẽ là động lực, sức mạnh để em tiếp tục lan tỏa tình yêu đọc sách đến với mọi người”.

Trong bài dự thi, Bảo Toàn xây dựng kế hoạch phát triển thư viện di động mang sách đến bản làng, biên giới, hải đảo nhằm phát triển tri thức toàn diện, nâng cao dân trí cho người dân. Bảo Toàn trăn trở: Trên dải đất hình chữ S thân yêu vẫn còn đâu đó những vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, việc đọc sách còn rất hạn chế, nên em mong muốn lan tỏa việc đọc tới những người dân khu vực biên giới, hải đảo, những nơi điều kiện KT-XH còn khó khăn. Chúng ta - những người yêu sách phải là cầu nối, là nguồn kêu gọi quyên góp, trao tặng sách, lan tỏa tri thức và văn hóa đọc. Những nguồn quỹ phát triển văn hóa đọc, những chuyến xe thư viện mang sách đến buôn làng, biên giới, hải đảo xa xôi sẽ nhen nhóm tình yêu sách đến với mọi người.

“Hy vọng rằng, qua bài dự thi, với những tình yêu lớn đối với sách, chúng ta sẽ cùng nhau lan tỏa rộng rãi hơn nữa văn hóa đọc trong cộng đồng để đóng góp, cống hiến cho sự phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc, phồn vinh”, Bảo Toàn thổ lộ.

Lê Bảo Toàn (bìa phải) cùng cán bộ Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) tại lễ tổng kết, trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2024. Ảnh: CTV

Lê Bảo Toàn (bìa phải) cùng cán bộ Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng) tại lễ tổng kết, trao giải Đại sứ Văn hóa đọc 2024. Ảnh: CTV

Lan tỏa văn hóa đọc

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Phú Yên năm 2024 phát động từ tháng 4 và đã nhận được 7.089 bài dự thi từ 40 trường học (THPT, THCS và tiểu học) trên địa bàn tỉnh. Các bài dự thi bám sát thể lệ, thể hiện tình yêu sách thông qua việc chia sẻ, cảm nhận sách để truyền cảm hứng, hướng đến lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội; đồng thời thể hiện khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển quê hương đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nhiều bài dự thi được đầu tư, trình bày công phu, đặc sắc và mới lạ, có hiệu ứng truyền tải thông điệp rộng lớn.

Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy văn hóa đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho các em. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc trong việc góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.

Theo ông Lê Hoàng Phú, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, những dòng chữ nắn nót ghi lại suy nghĩ chân thành của mình từ những câu chuyện hay về cuộc sống, về lợi ích của việc đọc sách… thì các bạn trẻ đã thành công, đã biết tự làm giàu kho tàng tri thức cho chính mình. Cùng với gia đình, nhà trường, sách sẽ góp phần đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách sống để trở thành những người có ích cho gia đình, quê hương và xã hội.

“Tuy nhiên, để lan tỏa tình yêu sách, niềm đam mê đọc sách chắc chắn không chỉ qua các hoạt động từ cuộc thi mà ngay từ mỗi gia đình, nhà trường cần tạo thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ em từ khi còn nhỏ. Đặc biệt là phát huy hiệu quả của hệ thống thư viện, những không gian đọc cộng đồng để có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi”, ông Phú nhìn nhận.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/322375/nhung-dai-su-van-hoa-doc.html
Zalo