Những cuộc phiêu lưu của cựu tù Sean Burke trên đất Nga
Tháng 10/1966, sau khi giúp George Blake, điệp viên hai mang của Liên Xô, trốn khỏi nhà tù Wormwood Scrubs ở London, Sean Burke, một cựu tù người Ireland, được KGB đưa đến Liên Xô để tránh sự truy nã của tình báo Anh. Tuy nhiên, do lối sống của mình, Sean Burke đã gây ra cho ban lãnh đạo KGB rất nhiều phiền toái. Xin giới thiệu bài viết của một cựu sĩ quan tình báo Liên Xô ẩn danh về quãng đời của Sean Burke ở Liên Xô.
Nghệ thuật gửi bom thư
Sau giờ làm việc, Sean Burke thích ngồi nhậu nhẹt ở quán bar. Khi rượu đã ngà ngà, anh ta cãi nhau với một thực khách, hóa ra, đó là thanh tra cảnh sát đang nghỉ phép. Viên thanh tra không tiếc lời thóa mạ Burke và tất cả dân Ireland. Bị xúc phạm, ít lâu sau, Sean đã gửi cho anh ta một thiết bị nổ tự chế qua đường bưu điện. Quả bom phát nổ nhưng không gây thương tích. Scotland Yard (Sở Cảnh sát Thủ đô) đã nhanh chóng vào cuộc, sau khi xác định “kẻ khủng bố đã mưu sát người đại diện pháp luật”. Sean Burke lãnh án 5 năm tù. Thế là mùa hè năm 1959, anh ta vào nhà tù Wormwood Scrubs, nơi nhiều tù nhân nổi tiếng bị giam giữ, trong đó có các điệp viên Liên Xô George Blake và Gordon Lonsdale (Konon Molody).
Sau cuộc đào tẩu của George Blake, việc Sean Burke ở lại phương Tây là rất nguy hiểm. Vì vậy, tháng 1/1967, anh ta được KGB chuyển tới Moscow cùng với George Blake.
“Cơn đau đầu” của KGB
Ban lãnh đạo tình báo muốn Sean Burke định cư ở Liên Xô - như thế sẽ an toàn hơn cho cả anh ta lẫn KGB. Với sự nỗ lực của KGB, Sean Burke được tạo điều kiện sống rất tốt theo tiêu chuẩn thời đó - lương 300 rúp/tháng, chỗ ở và công việc tại một nhà xuất bản. KGB còn quan tâm tới các “đơn đặt hàng” thực phẩm, phòng khi có sự khan hiếm nào đấy, để những khó khăn hàng ngày của đất nước Xô Viết không ảnh hưởng đến anh ta. Nhưng dẫu sao, ban lãnh đạo KGB nhanh chóng nhận ra rằng họ đang bị đau đầu.
Nếu như George Blake - một trí thức, nhà tình báo chuyên nghiệp đã trở thành một người cộng sản kiên định - bình tĩnh chấp nhận luật chơi mới, thì Sean Burke, một người Ireland tự do, phóng khoáng, lại hoàn toàn khác. Anh ta đã vi phạm mọi quy tắc ứng xử. Thay vì đến làm việc ở nhà xuất bản, anh ta nhanh chóng tìm đến cửa hàng rượu và giải khát gần nhất. Có thể bỏ việc đi chơi mấy ngày. Và sau tám tháng ở Moscow, Sean Burke đã có một cuộc trò chuyện thú vị với các “thủ trưởng” KGB.
"Quy mô nhà tù không có ý nghĩa"
Khi được thông báo rằng sẽ phải ở lại Liên Xô ít nhất 5 năm, da mặt Sean Burke chuyển sang màu tím. Chúng tôi cố gắng giải thích: “Nếu quay trở lại Ireland, anh sẽ ngay lập tức bị giao nộp cho người Anh và sẽ phải ngồi tù”. Đáp lại, Sean Burke buột miệng: “Tôi thà ngồi 5 năm trong tù ở Anh để ăn cháo kiều mạch và nhai món thịt ninh còn hơn sống ở đây, tắm trong rượu sâm panh và ăn trứng cá muối!”. Khi được mời “cư trú tại bất kỳ địa điểm nào ở Liên Xô”, anh ta trả lời: “Một khi bị buộc phải sống ở đây trái với nguyện vọng bản thân, tôi luôn luôn cảm thấy mình như một tù nhân. Quy mô của nhà tù không có ý nghĩa”.
Chúng tôi nói với Sean Burke rằng "vài năm nữa, tình hình có thể thay đổi, và lúc đó anh ta có thể quay trở lại Vương quốc Anh". Anh chàng người Ireland quát: “Tôi chỉ có thể trở về Anh và không bị tống vào tù khi ở Anh diễn ra một cuộc cách mạng vô sản”. “Nhưng anh không thích điều gì ở Liên Xô? - người phụ trách nhún vai - Ở nước chúng tôi ít ra thì anh cũng được tự do!”
Thế là mọi chuyện đã rõ: sau vài tháng ở Moscow, Sean Burke căm thù Liên Xô và mơ ước trở về nhà.
Phải làm gì bây giờ? Nhiều phương án khác nhau được xem xét. Nhưng đúng lúc đó, Sean Burke đã có một động thái bất ngờ.
Tự nguyện ra đầu thú
Ngày 4/9/1967, Sean Burke đến GUM (cửa hàng bách hóa tổng hợp quốc gia), rồi từ đó tiến vào Đại sứ quán Anh. Nhanh chóng vượt qua các chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ, anh ta đi vào tòa nhà và từ ngưỡng cửa thông báo: Tôi là Sean Burke, bị Scotland Yard truy nã về vụ đào tẩu của George Blake, tôi đến đầu thú. Rồi anh ta trình bày với lãnh sự Anh tất cả những tình tiết về vụ đào tẩu của George Blake, thông báo địa chỉ của mình ở Moscow và đề nghị giúp anh ta trở về Ireland (lúc bấy giờ Liên Xô và Ireland chưa thiết lập quan hệ ngoại giao). Sau đó, Sean Burke gọi điện thoại cho George Blake và nói rằng sẽ ghé qua nhà anh ta ngay bây giờ.
Một tổ giám sát được khẩn trương bố trí trên đường đến nhà George Blake. Họ đảm bảo rằng không ai bám đuôi Sean Burke. Nghĩa là anh ta không dẫn người Anh đến nhà George Blake. Đây là điều quan trọng nhất đối với KGB.
Ở Moscow, Sean Burke được 3 sĩ quan KGB Sten, Victor và Slava giám sát. Tôi là một trong số đó, chúng tôi thậm chí còn có cảm tình với anh chàng Ireland tính khí thất thường này. Và cuộc trò chuyện ở nhà George Blake nhìn chung diễn ra một cách bình thường. Khi biết Sean chạy vào Đại sứ quán Anh, Blake gọi anh ta là đồ ngốc, và giữa họ nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt. Chúng tôi nói với Sean Burke đại ý thế này: anh đến Đại sứ quán Anh phải không? Đó là việc của anh. Chúng tôi biết anh không phải là người cộng sản, rằng anh không thích sống ở đất nước chúng tôi - nhưng anh là người lớn, chúng tôi không thể cải tạo được anh. Tuy nhiên, KGB không chỉ chịu trách nhiệm về anh mà còn về George. Vì vậy, bây giờ anh và George sẽ phải chuyển đến sống ở những địa chỉ khác trong một thời gian dưới sự giám sát của chúng tôi.
Để giảm bớt căng thẳng, Burke và Blake được bố trí đi du lịch khắp Liên Xô. Sau này, trong cuốn sách của mình, Burke hồi tưởng lại quãng thời gian đến thăm Leningrad. “Quan điểm của tôi và Blake về sử dụng thời gian rỗi hoàn toàn khác nhau. Blake có thể hàng ngày đến tham quan các viện bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật, anh ta có thể đứng lặng hàng giờ trước các bức tranh ở Bảo tàng Hermitage. Còn tôi thích các nhà máy sản xuất bia và rượu sâm panh hơn”.
Tìm một người phụ nữ
George Blake dễ thích nghi hơn với cuộc sống ở Liên Xô còn là vì ông ta may mắn gặp được một người phụ nữ tốt ở Moscow. Có lẽ, nên giới thiệu Sean Burke với ai đó chăng?
Xin trích dẫn hồi ức của Burke: “Hôm sau, Slava đến khách sạn cùng một cô gái tên là Larisa. Slava giới thiệu tôi là nhà báo Anh đến Liên Xô để học tiếng Nga. Cô gái trông khoảng hơn hai mươi tuổi, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt xanh to, đôi môi đầy gợi cảm, mái tóc dài màu nâu. Sự làm quen chính thức theo sáng kiến của KGB nhanh chóng phát triển thành mối quan hệ riêng tư sâu sắc”.
Burke viết rằng Larisa là một sinh viên, không hoàn toàn như vậy: cô ta là nghiên cứu sinh. Họ bắt đầu hẹn hò. Larisa sinh ra ở Ural. Cô nấu món mì vằn thắn cho Burke, mang những lọ nấm ngâm dấm từ nhà đến, mọi thứ đều tuyệt vời, ngoại trừ một điều: Burke vẫn háo hức được về nhà. Hơn nữa, anh ta dự định viết một cuốn sách về những cuộc phiêu lưu của mình và vụ đào tẩu của Blake. Anh ta còn gọi điện cho anh trai Kevin ở Ireland, mời đến chơi.
Anh trai Kevin
Kevin bay đến Moscow. Người ta tổ chức cho anh ta và Sean một bữa tiệc sang trọng tại nhà hàng. Kevin không hiểu vì sao em trai lại chối bỏ một cuộc sống tuyệt vời như vậy. Nhưng rõ ràng, hoài niệm không chỉ là nét đặc trưng của riêng ai. Sean nhờ Kevin mang bản thảo sang phương Tây.
Nói chung, tình hình trở nên bế tắc. Burke đã tiết lộ các chi tiết về cuộc đào tẩu của Blake cho người Anh. Anh ta không muốn ở lại. Giữ bằng vũ lực ư? Nhưng hiện nay, ngay cả khi anh ta vô tình bị viên gạch rơi trúng đầu thì KGB vẫn sẽ bị đổ lỗi. Tốt nhất là cho anh ta về nhà - nhưng cũng nên kiểm tra xem anh ta viết gì trong cuốn sách. Quả thật, Burke không bao giờ rời tập bản thảo, còn chúng tôi không thể chiếm giữ nó bằng vũ lực!
Chuyến thăm của Kevin sắp kết thúc. Một sĩ quan KGB lái xe đưa hai anh em ra phi trường Sheremetyevo. Dọc đường, động cơ chiếc Volga bị trục trặc, xe tắt máy. Chỉ còn chưa đầy một giờ nữa là máy bay cất cánh. Kevin và Sean như hóa điên. Đúng lúc đó, từ chỗ rẽ xuất hiện một chiếc taxi (tất nhiên là hoàn toàn tình cờ!). Tài xế của chúng tôi lao tới, hỏi: “Đi đâu?!” - “Đến “Sheremetyevo” - “Tôi chở khách nước ngoài! Sợ bị trễ! Làm ơn chở giúp”- vừa nói anh ta vừa đẩy tờ tiền rúp cho tài xế taxi. “Không còn chỗ nữa!” - Quả thật, trong xe có ba người ngồi. “Thì giúp một người vậy!”. Không còn thời gian để tranh cãi - Kevin nhảy vào xe, Sean buộc phải ở lại. Hai ngày sau, từ London, Kevin gọi cho em trai nói rằng bản thảo đã bị hải quan Liên Xô tịch thu.
Sean quy trách nhiệm cho KGB. Chúng tôi phản đối một cách yếu ớt: KGB thì liên quan gì ở đây? Tài xế taxi đã kịp đưa Kevin ra sân bay, bản thảo của anh bị hải quan giữ lại, Ủy ban kiểm duyệt Liên Xô sẽ đọc... Đừng lo lắng, họ sẽ trả lại cho anh.
lChia tay
Sean nhận được bản thảo ở Dublin. Những trang liên quan đến tên và địa chỉ cụ thể của những người đã giúp Burke tổ chức vụ vượt ngục của George Blake bị xóa bỏ. Hàm ý là: nếu quyết định phục hồi, anh sẽ làm hại mọi người.
Larisa và Sten tiễn Sean ra sân bay. Larisa bật khóc, Sten thay mặt chúng tôi chân thành chúc anh ta may mắn. Ngày 22/10/1968 - đúng hai năm sau khi Blake vượt ngục - Burke bay tới Dublin. Tòa án Tối cao Ireland từ chối giao nộp anh ta cho Vương quốc Anh và phán quyết rằng việc Burke giúp Blake vượt ngục nằm trong ngoại lệ về tội chính trị theo luật dẫn độ của Ireland. Tóm lại, cuối cùng Sean được trả tự do.
Những năm cuối đời, Burke gần như không một xu dính túi, sức khỏe ngày càng suy sụp vì nghiện rượu. Cuốn sách “Cuộc đào tẩu của điệp viên hai mang George Blake” của Sean Burke được xuất bản ở Liên Xô trong thời kỳ cải tổ. Năm 1982, Burke bị ngã và chết khi đang đi bộ trên đường. Nhân viên khám nghiệm tử thi nêu nguyên nhân tử vong của ông ta là "phù phổi cấp tính và huyết khối động mạch vành".