Những cung đường nguy hiểm nhất trên thế giới

Chúng ta đã từng ít nhất một lần đi qua những con đường có vẻ đẹp tráng lệ trong thành phố hay những cung đường thơ mộng vùng ngoại ô. Nhưng với những cung đường hoang dã, kỳ bí hay hiểm trở, lắt léo... nếu đã từng đi qua sẽ khiến ta cảm thấy YÊU thế giới này hơn bao giờ hết.

CAO TỐC KARAKORAM - PAKISTAN

Còn được gọi là KKH , Đường cao tốc quốc gia 35, N-35 và Đường cao tốc hữu nghị Trung Quốc - Pakistan. Là một đường cao tốc quốc gia dài 1.300km kéo từ Hasan Abdal ở tỉnh Punjab của Pakistan đến đèo Khunjerab ở Gilgit-Baltistan, tại đây đường này đi vào Trung Quốc và trở thành Đường cao tốc quốc gia 314 của Trung Quốc.

Đường cao tốc là một trong những con đường trải nhựa cao nhất thế giới, đi qua dãy núi Karakoram ở độ cao tối đa là 4.714m, gần đèo Khunjerab. Do độ cao lớn và điều kiện khó khăn khi xây dựng, nó thường được gọi là Kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Cao tốc Karakoram được xây dựng cách đây hàng trăm năm trước, mang đậm dấu ấn của con đường tơ lụa huyền thoại. Hành trình qua đây không chỉ đầy hiểm trở và lắt léo mà còn là cuộc phiêu lưu đầy thú vị. Các phương tiện phải vượt qua những hầm và khe núi đa dạng, thời tiết trên cao khắc nghiệt, dễ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Để thi công tuyến đường, hàng ngàn công nhân phải xẻ dọc các hẻm núi lởm chởm, nguy hiểm dọc theo dòng sông Indus. Phương tiện vận chuyển hiện đại không tới được, các kỹ sư đã phải tháo rời những chiếc xe ủi, chất các bộ phận lên lưng lừa và lắp ráp lại khi bắt đầu công việc san ủi.

Quân đội Pakistan đã sử dụng máy bay trực thăng hạng nặng Mi-17 để vận chuyển xe ủi nhưng chuyến bay đầu tiên do cố gắng bay trong gió lớn và qua khe núi hẹp nên máy bay đã vướng phải vách đá, nổ tung và rơi xuống sông Indus. Có gần 1.000 công nhân Pakistan và 200 công nhân Trung Quốc đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng, chủ yếu là do đá lở và ngã xuống vực sâu.

ĐƯỜNG ĐÈO STELVIO - ITALIA

Là một đèo núi ở miền bắc Italia giáp với Thụy Sĩ ở độ cao 2.757m so với mực nước biển. Đây là đèo núi lát đá cao nhất ở dãy Alps phía Đông và là đèo cao thứ 2 ở dãy Alps, thấp hơn 7m so với đèo Col de l'Iseran của Pháp.

Con đường nối Valtellina với thung lũng Vinschgau và thị trấn Meran. Cạnh đường đèo có một khu trượt tuyết mùa hè rộng lớn. Những ngọn núi gần đó bao gồm Thurwieserspitze, Piz Umbrail, Piz Cotschen và về phía đông là Ortler hùng vĩ .

Con đường ban đầu được xây dựng vào năm 1820 - 1825 bởi Đế chế Áo để nối vùng đất cũ của Habsburg là Lombardy với Áo, bao phủ một đoạn đường dốc 1.871m. Kỹ sư và quản lý dự án là Carlo Donegani (1775 - 1845). Kể từ đó, tuyến đường đã thay đổi rất ít.

75 khúc cua tay áo, 48 trong số đó ở phía bắc được đánh số bằng đá, là một thách thức đối với nhiều tay lái. Hàng năm, đèo đóng cửa đối với các phương tiện cơ giới vào một ngày cuối tháng 8 khi có khoảng 8.000 người đi xe đạp và khoảng 25 người chạy bộ lên đỉnh Stelvio.

ĐÈO LOS CARACOLES

Paso de los Caracoles (Chile) còn được biết đến với tên gọi đèo Ốc Sên vì những đoạn đường uốn lượn như vân ốc. Đây là con đường có độ cao trải dài từ 800 - 3.200m so với mực nước biển, dẫn đến biên giới Argentina.

Los Caracoles là một phần của tuyến đường CH-60 nối Santiago của Chile đến Argentina và băng qua những dãy núi của dãy Andes. Mặc dù giữa 2 quốc gia này có hơn 40 cửa khẩu nhưng cửa khẩu nằm trên con đường với những khúc cua gấp này vẫn là ấn tượng nhất, 2 bên đường không hề có hàng rào bảo vệ.

Bên cạnh đó, đây là khu vực quanh năm có băng tuyết, khiến cho con đường trở nên trơn trượt rất nguy hiểm. Với 29 khúc cua cộng với cung đường hầu như luôn trắng xóa với tuyết, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung tuyệt đối từ người lái xe. Việc trải qua con đường này chắc chắn sẽ mang lại trải nghiệm độc đáo và thú vị nhưng cũng không dành cho những người yếu đuối.

CAO TỐC KOLYMA - NGA

Đường cao tốc R504 Kolyma, một phần của tuyến đường M56, là một con đường xuyên qua Viễn Đông của Nga.

Tuyến đường này nối Magadan với thị trấn Nizhny Bestyakh, nằm trên bờ phía đông của Sông Lena, đối diện với Yakutsk. Tại Nizhny Bestyakh, Đường cao tốc Kolyma kết nối với Đường cao tốc Lena và thường được gọi là... Đường xương.

Đoạn đường cũ dài 420km qua Tomtor phần lớn không được bảo trì cộng với đoạn đường dài 200km giữa Tomtor và Kadykchan đã bị bỏ hoang hoàn toàn. Đoạn đường này được gọi là Đường Mùa Hè Cũ và đã rơi vào tình trạng hư hỏng, với những cây cầu bị cuốn trôi và những đoạn đường được các dòng suối phục hồi vào mùa hè.

 Trạm đổ xăng trên con đường băng giá, nằm giữa Oymyakon và Yakutsk

Trạm đổ xăng trên con đường băng giá, nằm giữa Oymyakon và Yakutsk

Vào mùa đông, những con sông đóng băng có thể hỗ trợ việc vượt sông. Đường Mùa Hè Cũ vẫn là một trong những thử thách lớn đối với những người đi mô tô thích phiêu lưu .

Khu vực này cực kỳ lạnh vào mùa đông. Thị trấn Oymyakon, cách xa đường cao tốc khoảng 100km, được cho là nơi có người ở lạnh nhất trên trái đất. Nhiệt độ thấp trung bình ở Oymyakon vào tháng 1 là −50°C.

Đường cao tốc Kolyma không chỉ nguy hiểm về điều kiện giao thông mà còn liên quan đến những câu chuyện đen tối. Nó được gọi là Đường Xương bởi do xương của những người tù tử nạn trong quá trình xây dựng được cho là chôn ngay bên lề đường.

MÃ PÍ LÈNG - VIỆT NAM

Đèo Mã Pí Lèng nằm trên quốc lộ 4C ở vùng đất xã Pải Lủng và Pả Vi thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Quốc lộ 4C là con đường mang tên Đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang với thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc thuộc Cao nguyên Đồng Văn.

Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, vượt núi Mã Pí Lèng ở sườn phía đông với độ cao vùng đỉnh đèo khoảng 1.200 - 1.400m. Đường Hạnh Phúc được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Đèo được đặt tên theo bản Mả Pì Lèng xã Pải Lủng khi mở đường những năm 1960, trong đó giới chức quản lý cung đường đã sửa đổi "Mả" thành "Mã" để thuận nghe nói trong tiếng phổ thông. Mả Pí Lèng là tên gọi theo tiếng H'Mông, có nghĩa là sống mũi ngựa.

Có ý kiến gán nghĩa bóng cho tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Đèo Mã Pí Lèng được du khách xếp vào nhóm "tứ đại đỉnh đèo" của vùng núi phía Bắc Việt Nam, cùng với Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.

ĐƯỜNG YUNGAS - BOLIVIA

Thường được gọi là Đường tử thần, là một tuyến đường dành cho xe đạp dài 64km nối thành phố La Paz với vùng Yungas của Bolivia. Tuyến đường này được chính phủ Bolivia hình thành vào những năm 1930 để kết nối thủ đô La Paz với Rừng mưa nhiệt đới Amazon ở phía bắc.

Phần lớn tuyến đường này được các tù nhân Paraguay xây dựng trong Chiến tranh Chaco. Một số đoạn đường có chiều rộng chưa đến 3 mét và do mưa, sương mù, lở đất, thác nước, sườn dốc và vách đá cao hơn 610m nên đây được coi là tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới. Từ năm 1994, có gần 300 tài xế và hành khách được báo cáo đã tử vong ở đây hàng năm.

Không giống như phần còn lại của đất nước, Đường Yungas là đường dành cho phương tiện giao thông bên trái, cho phép người lái xe ước lượng tốt hơn khoảng cách giữa xe của họ và mép đường. Kể từ đó, nó đã được thay thế bằng một con đường nhựa 2 làn mới hơn có lan can và hệ thống thoát nước.

Được biết đến với mức độ nguy hiểm cực độ với độ dốc 3.500m, Đường tử thần thu hút khoảng 25.000 khách du lịch mỗi năm và đã trở thành điểm đến phổ biến cho du lịch mạo hiểm, đặc biệt là xe đạp leo núi. Điều kiện thời tiết càng làm tăng thêm mức độ nguy hiểm; mưa và sương mù sẽ làm giảm tầm nhìn, trong khi địa hình lầy lội và đá rời có thể làm giảm lực kéo.

Năm 1995, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ đã gọi đây là con đường nguy hiểm nhất thế giới.

ĐƯỜNG “CHÌM” PASAGE DU GOIS - PHÁP

Le Passage du Gois hay Le Passage du Gôa là một con đường chìm, có chiều dài 4,125km ở vịnh Bourgneuf, nối đảo Noirmoutier với đất liền trong địa phận của xã Beauvoir-sur-Mer, tỉnh Vendeé, Pháp.

 Đường “chìm” chỉ xuất hiện 2 lần trong ngày

Đường “chìm” chỉ xuất hiện 2 lần trong ngày

Con đường Passage du Gois lần đầu tiên được ghi tên trong bản đồ thế giới vào năm 1701, đó là một con đường tự nhiên nối đảo Noirmoutier với đất liền thuộc địa phận Vendeé, Pháp. Theo các thông tin lịch sử thì xe hơi và xe ngựa được phép đi trên con đường từ khoảng những năm 1840.

Đường Passage du Gois có vẻ bên ngoài khi mới nhìn khá bình thường như những con đường khác nhưng đây lại là một con đường nguy hiểm. Do thường xuyên bị nước biển nhấn chìm sâu dưới mực nước khoảng 1,5 - 4m nên đường rất trơn.

Các tấm bảng đặc biệt được treo dọc theo 2 bên đường để cảnh báo cho người đi đường về tình trạng ngập nước của nó. Tuy vậy, vẫn có hàng nghìn du khách thích mạo hiểm nên thường bị mắc kẹt giữa đường do mực nước thủy triều đột ngột dâng cao.

Để khắc phục điều này, nhà chức trách đã xây các tháp cứu hộ cao nằm dọc 2 bên đường. Các du khách bị mắc kẹt có thể tạm thời đợi chờ được cứu hoặc ở đó cho đến khi nước thủy triều rút xuống để đi và tiếp tục cho hết hành trình thám hiểm con đường thú vị này.

Sau này khi chính quyền xây một cây cầu kết nối đảo Noirmoutier với đất liền, hầu như mọi người đều chuyển sang đi bằng con đường có cây cầu vì thuận tiện hơn. Tuy nhiên Passage du Gois vẫn được giữ lại và trở thành điểm du lịch thú vị đối với du khách.

ĐƯỜNG CAO TỐC DALTON - MỸ

Đường cao tốc James W. Dalton, thường được gọi là Đường cao tốc Dalton (và được ký hiệu là Tuyến đường Alaska 11), là một con đường dài 666km ở Alaska, Mỹ.

 Con đường trơn trượt với nhiều chướng ngại vật và không hề có trạm tiếp nhiên liệu hay cư dân sinh sống

Con đường trơn trượt với nhiều chướng ngại vật và không hề có trạm tiếp nhiên liệu hay cư dân sinh sống

Khởi điểm tại Đường cao tốc Elliott, phía bắc Fairbanks và kết thúc tại Deadhorse (một cộng đồng chưa hợp nhất trong CDP của Vịnh Prudhoe) gần Bắc Băng Dương và các Mỏ dầu Vịnh Prudhoe. Trước đây, được gọi là Đường vận chuyển dốc phía Bắc, nó được xây dựng như một tuyến đường tiếp tế để hỗ trợ hệ thống đường ống xuyên Alaska vào năm 1974.

Cao tốc được đặt theo tên của James Dalton, một người Alaska và là một kỹ sư giám sát việc xây dựng Đường cảnh báo sớm từ xa ở Alaska. Con đường này đầy rẫy những thách thức đáng kinh ngạc. Điều đặc biệt là những ổ gà to, đá sạn và băng tuyết phủ trắng khiến cho con đường trở nên rất trơn trượt và nguy hiểm.

Bên cạnh đó, tuyến đường hoàn toàn thiếu trạm xăng hay nhà dân, chỉ có đá, tuyết và vật cản. Nếu người đi đường gặp trục trặc, sự trợ giúp là điều không thể, vì vậy việc chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết là quan trọng khi đối mặt với đoạn đường khó khăn này.

Với sự nguy hiểm và bất tiện đó, mỗi ngày có đến 2 lượt trực thăng bay qua để giám sát và hỗ trợ những người đi đường kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.

ĐƯỜNG HẦM GUOLIANG - TRUNG QUỐC

Đường hầm Guoliang được đào dọc theo sườn và xuyên qua một ngọn núi ở Trung Quốc. Đường hầm nối làng Guoliang với bên ngoài qua dãy núi Taihang nằm ở Huệ Huyện, thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Ngôi làng được đặt theo tên của một phiến quân chạy trốn trong thời nhà Hán. Trước khi đường hầm được xây dựng, lối vào ngôi làng gần đó của bị hạn chế bằng một con đường khó khăn được đào vào sườn núi. Ngôi làng nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi những ngọn núi cao chót vót, tách biệt khỏi nền văn minh bên ngoài.

Để giúp dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài, nhóm dân làng do Shen Mingxin dẫn đầu đã lập kế hoạch vào năm 1972 để đào một con đường vào sườn núi. Họ đã bán gia súc của mình để gây quỹ mua công cụ và vật liệu.

Không có công cụ điện, họ chủ yếu tiến hành xây dựng bằng búa và đục. Ở giai đoạn khó khăn nhất, đường hầm tiến triển với tốc độ chỉ... 1m sau 3 ngày. Đường hầm mở cửa cho lưu thông vào ngày 1/5/1977.

Đường hầm có chiều dài 1.200km và chiều rộng chỉ 4m, nhưng đầy nguy hiểm tiềm ẩn. Tài xế điều khiển phương tiện trên con đường này phải duy trì sự tập trung tuyệt đối, vì sơ xuất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn.

Con đường bao gồm 6 đường hầm và 30 cửa sổ nhỏ, nơi đòi hỏi phương tiện phải điều chỉnh vị trí để vượt qua. Với vách đá một bên và vực sâu bên dưới, mỗi chuyến đi qua đây đều là một thách thức đầy kịch tính.

Đường hầm Guoliang là kỳ quan kiến trúc và thường được sử dụng trong các bối cảnh quay phim.

ĐÈO ZOJI LA - ẤN ĐỘ

Zoji La có nghĩa là "đèo núi của bão tuyết", dựa trên truyền thống còn lưu truyền trong dân địa phương, Zoji ám chỉ Du-Zhi-la, nữ thần của 4 mùa ở Tây Tạng.

Là một đèo núi cao ở dãy Himalaya (3.528m) và là đèo cao thứ 2 sau Fotu La trên Đường cao tốc quốc gia Srinagar-Leh. Đèo nằm ở quận Kargil, trong phân khu Dras, nối Thung lũng Kashmir ở phía tây với thung lũng Dras và Suru ở phía đông bắc và thung lũng Indus xa hơn về phía đông.

Tuyến đường này cung cấp một liên kết quan trọng giữa Ladakh và Thung lũng Kashmir.

Zoji La là một trong những đường đèo đáng sợ nhất thế giới với 60 điểm sạt lở đất thường xuyên, đây là thử thách không dành cho những người yếu tim. Với địa hình một bên là vách đá, một bên là vực sâu, tài xế phải lái xe cực kỳ cẩn thận.

Tổ chức Đường bộ Biên giới (BRO) nỗ lực để giữ cho đèo mở khi có thể; lái xe qua đèo vào mùa đông có nghĩa là lái xe giữa những bức tường băng dày ở cả hai bên. Vào cuối năm 2022, Đường hầm Zoji-la chịu được mọi thời tiết đang được xây dựng để giảm thiểu tình trạng tắc đường theo mùa do tuyết rơi dày.

Nam Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nhung-cung-duong-nguy-hiem-nhat-tren-the-gioi-post555540.html
Zalo