Những 'cột mốc sống' nơi phên giậu Tổ quốc

Với kinh nghiệm và uy tín, các già làng, người có uy tín ở xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai) luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh biên giới, hòa giải ở cơ sở và giúp bà con phát triển kinh tế. Họ là những 'cột mốc sống' nơi phên giậu Tổ quốc.

Xã Ia O hiện có 2.677 hộ với 11.132 khẩu, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 68%. Toàn xã hiện có 9 người được công nhận là già làng, người có uy tín. Những năm qua, các già làng, người có uy tín luôn giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư; đồng thời, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vướng mắc hay mâu thuẫn từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”; tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu.

Già làng Ksor Bơng (SN 1948, làng Bi) cho hay: Hiện nay, ông vừa là già làng, vừa làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng tổ bảo vệ vùng biên, cột mốc. Ông thường quan tâm, gần gũi với bà con dân làng để nắm bắt tình hình mọi mặt đời sống. Làng Bi giáp với khu vực biên giới nên ông thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền để bà con hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biên giới như: bảo vệ rừng, không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, không bao che, tiếp tay cho các đối tượng mua bán hàng hóa trái phép qua biên giới, không vượt biên... Ngoài ra, ông còn làm tốt công tác hòa giải cơ sở, vận động các gia đình không để con em nghỉ học sớm, không tảo hôn, không vi phạm pháp luật.

“Để làm tốt công tác hòa giải cơ sở, mình thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên. Đặc biệt, bản thân trước hết phải gương mẫu, sống chuẩn mực thì khi nói người dân mới nghe theo”-già làng Ksor Bơng chia sẻ.

Già làng Ksor Bơng (bìa trái, làng Bi) tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: L.N

Bên cạnh công tác tuyên truyền, đội ngũ già làng, người có uy tín còn tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, gương mẫu đi đầu để các thành viên trong gia đình, cộng đồng trong làng noi theo; tích cực tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương, vận động người dân xóa bỏ hủ tục... góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Năm 2022, ông Ksor Thôn (SN 1950, làng Lân) được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Bằng uy tín, sự hiểu biết của mình, ông đã vận động dân làng xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Già làng Ksor Thôn kể: Trước đây, ông từng đi bộ đội, sau đó về địa phương tham gia công tác tại xã. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục được bầu làm Trưởng thôn. Dù ở cương vị nào, ông cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và được dân làng kính trọng.

“Tôi vận động người dân tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây cối và hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, vận động người dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm nhà vệ sinh, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở để đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn bà con phát triển cây điều, cao su, cà phê. Trước đây, gia đình tôi có 13 ha cao su. Sau đó, tôi đã chia lại cho các con để phát triển kinh tế. Tôi luôn cho rằng, muốn bà con nghe theo thì bản thân trước hết phải gương mẫu đi đầu, nói phải đi đôi với làm”-già làng Ksor Thôn chia sẻ.

Ông Ksor Thôn bên ngôi nhà mới khang trang và là tấm gương để người dân trong làng học tập, làm theo. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Rơ Mah Thảo-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia O-cho biết: Với tinh thần trách nhiệm cao, những già làng, người có uy tín đã tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng và quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, họ phối hợp với cấp ủy, chính quyền giải quyết ổn thỏa những vụ việc liên quan đến khiếu kiện, tranh chấp đất đai, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối mất an ninh trật tự tại cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Họ thường là người đi đầu, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhung-cot-moc-song-noi-phen-giau-to-quoc-post294392.html
Zalo