Những công trình nặng nghĩa nhân dân

Giai đoạn 2023-2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng mới và sửa chữa 558 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, mua sắm 600 bộ trang thiết bị cho các nhà văn hóa - khu thể thao với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng. 'Nửa chặng đường' đã đi qua, hàng trăm khu dân cư đã có nhà văn hóa mới đạt chuẩn.

Trước sân nhà văn hóa xóm Cốc Móc, xã Linh Thông (Định Hóa) được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cho nhân dân tập luyện hằng ngày.

Trước sân nhà văn hóa xóm Cốc Móc, xã Linh Thông (Định Hóa) được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cho nhân dân tập luyện hằng ngày.

Bà Phạm Tuyết Bảo, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tâm đắc: Nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, đó là những công trình nặng nghĩa Nhân dân. Bởi ở đó có rất nhiều mồ hôi, công sức do nhân dân đóng góp.

Trước, trong và sau cơn bão số 3, nhiều nhà văn hóa xóm, tổ dân phố trở thành nơi trú chân an toàn của bà con chạy lụt. Rồi khi “giời đất” trở lại hiền hòa, nhà văn hóa là địa chỉ cho người dân gặp mặt, hội họp, sinh hoạt văn hóa tinh thần, rèn luyện thể dục thể thao và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống.

Mải nghĩ miên man về các giá trị của thiết chế nhà văn hóa khiến tôi có cảm nhận từng đoạn đường về nhà văn hóa xóm, tổ dân phố như gần lại. Phải rồi, việc xây dựng nhà văn hóa xóm, tổ dân phố từ lâu đã trở thành một phong trào mạnh. Nhưng do sáp nhập xóm, tổ dân phố nên nhiều nhà văn hóa trở thành “chiếc áo” hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, đành phá dỡ để xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nâng cấp bảo đảm an toàn, đủ chỗ cho nhân dân hội họp.

“Nghĩ chưa hết mạch”, nhà văn hóa xóm Cốc Móc, xã Linh Thông (Định Hóa) đã ở ngay trước mặt. Có hẹn trước nên ông Ma Đình Trung, Trưởng xóm và các ông bà là thành viên Ban Công tác mặt trận đã “tề tựu” trước sân. Ông Trung cho biết: Nhà văn hóa của xóm rộng 197m2, Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng và 30,5 tấn xi măng; nhân dân đóng góp 2,5 triệu đồng/hộ. 109/109 hộ dân ở xóm tham gia đóng góp đầy đủ. Tháng 4-2023, nhà văn hóa của xóm được đưa vào sử dụng…

Nhà văn hóa xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) được nhân dân đóng góp cùng Nhà nước xây dựng.

Nhà văn hóa xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng (Võ Nhai) được nhân dân đóng góp cùng Nhà nước xây dựng.

Cùng ở xã Linh Thông, ông Phan Thanh Toản, Trưởng xóm Tân Vàng, tự hào: Để có thiết chế nhà văn hóa, sân chơi thể thao đạt chuẩn, 75/75 hộ dân của xóm đồng thuận đóng góp 4 triệu đồng/hộ. Từ tiền đóng góp được, ban xây dựng xóm mua được hơn 1.000m2 đất, xây dựng hoàn thiện nhà văn hóa có diện tích sử dụng 170m2. Công trình này được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng và 20 tấn xi măng.

Chia sẻ với chúng tôi về kết quả xây dựng nhà văn hóa xóm, anh Ông Ngô Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, cho biết: Trong 2 năm gần đây, trên toàn huyện Định Hóa có 149 xóm xây mới, sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, trong đó xây mới 100 nhà, sửa chữa 49 nhà. Huyện Định Hóa hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà xây mới, 100 triệu đồng cho nhà sửa chữa. Căn cứ vào diện tích xây dựng, ngoài hỗ trợ bằng tiền, huyện Định Hóa thực hiện hỗ trợ thêm từ 30 đến 40 tấn xi măng/nhà văn hóa.

Qua thực tế tại các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố mới được xây dựng hoàn thiện trong những năm gần đây, chúng tôi nhận ra một điểm chung là các khu dân cư đã tranh thủ được sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy nội lực trong nhân dân để làm nên những “ngôi nhà chung”. Hầu hết các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố đã huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, trong đó có sự đồng thuận cao về quy hoạch nhà văn hóa, khu thể thao và công tác xây dựng. Cùng đó là giải pháp kinh tế, các xóm, tổ dân phố huy động sự tham gia đóng góp của hộ gia đình, dòng họ, cán bộ, đảng viên, con em đi làm ăn xa nhà. Tiền hỗ trợ của Nhà nước được coi như một cú hích tâm lý, tạo sự phấn chấn cho mỗi hộ dân khi tham gia đóng góp.

Ông Trương Văn Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận xóm Dọc Cọ, xã Cổ Lũng (Phú Lương), đưa tôi đi xem nhà văn hóa bà con đang sử dụng. Đó là một ngôi nhà cũ, chật hẹp, mỗi lần họp xóm bà con phải ngồi tràn ra ngoài sân. Ông Cường cho biết: Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Nhân dân xóm Dọc Cọ đã đồng thuận đóng góp xây dựng lại một nhà văn hóa mới có diện tích 180m2. Dự toán kinh phí hết 600 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70 triệu đồng và 29 tấn xi măng. Công trình đang được thi công hoàn thiện…

Trò chuyện với bà con, chúng tôi càng nể phục hơn tinh thần tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa của người dân xóm Dọc Cọ, một trong những xóm khó khăn nhất của huyện Phú Lương. Cụ thể, năm 2023 thu nhập bình quân của người dân đạt 35 triệu đồng/người, thấp hơn bình quân chung toàn huyện 17 triệu đồng. Nhưng khi phát động, 100% số hộ ở xóm đều tham gia đóng góp. Bởi bà con tin tưởng đội ngũ những người đại diện cho nhân dân luôn công tâm, rõ ràng, không tư túi. Ông Đặng Văn Thái, hộ tham gia đóng góp nhiều nhất xóm, cho biết: Với mức huy động 1 triệu đồng/khẩu, gia đình tôi có 10 người thì góp 10 triệu đồng.

Nhân dân xóm Dọc Cọ, xã Cổ Lũng (Phú Lương) tham gia lao động làm nhà văn hóa xóm. Dự kiến công trình được thi công hoàn thiện vào tháng 11-2024.

Nhân dân xóm Dọc Cọ, xã Cổ Lũng (Phú Lương) tham gia lao động làm nhà văn hóa xóm. Dự kiến công trình được thi công hoàn thiện vào tháng 11-2024.

Nhà văn hóa xóm, tổ dân phố là mái nhà chung cho người dân địa phương gặp gỡ và tham gia các hoạt động xã hội. Hơn thế, đó là tài sản chung được chuyển giao cho nhiều thế hệ, nên đó là những công trình mang nặng nghĩa tình Nhân dân. Và bởi ở đó có nhiều hộ nghèo, thậm chí là đặc biệt nghèo cùng tự nguyện tham gia đóng góp. Dù cuộc sống riêng còn thiếu khó, có người bán trâu, bán lợn nái, bán thóc, ngô… để xin được đóng góp, coi đó là danh dự của gia đình, dòng họ…

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Từ năm 2021 đến tháng 10-2024, toàn tỉnh có 689 xóm, tổ dân phố xây mới, sửa chữa nhà văn hóa, trong đó 384 nhà văn hóa xây mới; 295 nhà văn hóa được cải tạo, mở rộng, sửa chữa với tổng kinh phí gần 291 tỷ đồng.

Đang những ngày tháng Mười, các khu dân cư bận rộn hơn với công việc triển khai bình xét hộ gia đình văn hóa; khu dân cư tiên tiến và chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Về huyện Đại Từ, đến xóm Chuối, xã Ký Phú, hỏi chuyện nhà văn hóa, bà con phấn chấn kể chuyện tham gia góp công, góp của trong quá trình xây dựng. Ông Lê Văn Quân, trưởng xóm cho biết: Trên diện tích khuôn viên hơn 1.000m2, xóm xây dựng nhà văn hóa rộng 260m2, kinh phí xây dựng hơn 600 triệu đồng. 338/338 hộ của xóm tham gia đóng góp đầy đủ.

Dù gia cảnh mỗi nhà một khác, nhưng bà con tự trọng, tự nguyện đóng góp với mức như nhau. Đó là một công bằng, bình đẳng, hợp ý nguyện chung của đại bộ phận Nhân dân. Tôi còn nhớ câu chuyện Nhân dân xóm Đồng Hương, xã Lương Phú (Phú Bình) tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Được biết: Đồng Hương là tên xóm mới kể từ sau sát nhập 2 xóm Đồng Mỵ và Phú Hương. 2 nhà văn hóa của 2 xóm trước đây không còn phù hợp về diện tích, Nhân dân nhất quyết đóng góp làm lại nhà văn hóa đạt chuẩn có diện tích 200m2. Trong khuôn viên rộng hơn 3.200m2 còn có sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân lắp đặt dụng cụ thể dục, tổng kinh phí xây dựng gần 690 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại do Nhân dân tự đóng góp.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương tự hào: Nhân dân xóm tôi ai nấy đều tham gia đóng góp. Tiên phong là đảng viên và gia đình đảng viên. Ngoài mức đóng góp chung, mỗi đảng viên đóng góp thêm 500.000 đồng… Còn nhiều nữa những câu chuyện đẹp về thiết chế nhà văn hóa xóm, tổ dân phố. Và đọng lại ở đó là tình người thấm đẫm mồ hôi, công sức của chính người hưởng lợi.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202410/nhung-cong-trinh-nang-nghia-nhan-dan-0e92eb2/
Zalo