Những công trình mang khát vọng vươn xa (*): Dấu ấn gần gũi, dân sinh

Bảo đảm sức khỏe, nhu cầu học tập của người dân cũng như giúp giới trẻ thêm yêu và trân trọng lịch sử… được TP HCM chú trọng

Những ngày giữa tháng 2-2025, tới công trình xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (tọa lạc đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, TP Thủ Đức), phóng viên chứng kiến hàng chục công nhân tất bật thi công một số hạng mục trong và ngoài cổng bệnh viện.

An lòng về y tế

Là 1 trong 3 bệnh viện cửa ngõ TP HCM, công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM làm chủ đầu tư này gồm 1 tầng hầm, 10 tầng nổi và 2 tòa tháp, tổng diện tích sàn 78.281 m2 với kinh phí đầu tư trên 1.910 tỉ đồng.

Khởi công tháng 11-2021, đến hiện tại, hai tòa tháp A và B đã định hình, vươn lên bầu trời, một số hạng mục như ốp lát, nội thất, thang cuốn, hệ thống kỹ thuật, tiểu cảnh… cũng cơ bản xong để đi vào chăm sóc sức khỏe người dân, giảm tải cho những bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành từ dịp 30-4 tới.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đang hoàn tất những khâu cuối để sẵn sàng chăm sóc sức khỏe người dân. Ảnh: ANH VŨ

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đang hoàn tất những khâu cuối để sẵn sàng chăm sóc sức khỏe người dân. Ảnh: ANH VŨ

Nam công nhân Văn Hưng cho biết các anh chủ yếu hoàn thiện công việc phụ còn lại bởi mọi hạng mục chính cơ bản hoàn thành. "Anh em ai cũng phấn khởi khi thi công một bệnh viện hiện đại, quy mô lớn. Tới đây, bệnh nhân khi đến khám chắc chắn bớt nỗi thấp thỏm như hiện tại" - anh Hưng nhận xét.

Bà Trần Thị Lý (67 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) 10 năm nay hằng tháng đều đến bệnh viện thăm khám, lấy thuốc định kỳ. Hình dung việc sắp tới được khám ở bệnh viện mới, bà Lý tin rằng hết cảnh chen lấn, bí bách. Người phụ nữ cho hay hơn 20 năm hoạt động, bệnh viện hiện tại đã xuống cấp rõ rệt.

Nhìn sang bệnh viện mới, bà Lý nói không chỉ bản thân mà rất nhiều người vui mừng vì thời gian ngắn nữa sẽ được phục vụ ở môi trường rộng rãi, đủ tiện nghi hơn.

Chuẩn hóa không gian học tập

Những ngày đầu năm, Đề án xây dựng 4.500 phòng học từ nguồn ngân sách thể hiện tín hiệu tích cực. Hiện, 39 dự án tương ứng 872 phòng học được ấn định hoàn thành dịp 30-4-2025. Ngoài ra, nguồn xã hội hóa sẽ bổ sung 1.266 phòng học, đưa tổng số phòng học mới lên 2.138 trong dịp này. Cũng trong năm, đề án trên có thêm 15 dự án hoàn thành và 79 dự án khác khởi công.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết đề án đáp ứng mục tiêu 300 phòng học trên mỗi vạn dân theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI và giúp thành phố trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao, phù hợp xu thế đổi mới sáng tạo và hội nhập toàn cầu, nâng tầm chất lượng sống, xây dựng hình ảnh văn minh, hiện đại.

Đây cũng là bước quan trọng để TP HCM khẳng định vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa hàng đầu khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á, hướng đến cạnh tranh toàn cầu và tham gia mạng lưới học tập UNESCO.

Ông Huy khẳng định đầu tư giáo dục được xem là chìa khóa phát triển lực lượng lao động chất lượng cao và tăng khả năng cạnh tranh cá nhân cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

"Nhiều năm qua, ngân sách dành cho giáo dục luôn giữ mức từ 20% trở lên. Nhờ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho giáo dục tăng đều, thể hiện cam kết của thành phố trong phát triển giáo dục bằng hành động cụ thể và nguồn lực lớn" - ông Huy nói.

Thêm yêu lịch sử

Cũng trong những ngày đầu năm, nhiều bạn trẻ chọn Bảo tàng Tôn Đức Thắng làm điểm đến trên hành trình du xuân.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng góp phần nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử. Ảnh: THIỆN AN

Bảo tàng Tôn Đức Thắng góp phần nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử. Ảnh: THIỆN AN

Trong không gian còn thơm mùi sơn mới, hàng ngàn hiện vật, tư liệu được trưng bày. Khách tham quan lần lượt xem 5 chủ đề gắn với lãnh tụ tài ba như Thời niên thiếu; Từ người thợ đến người lãnh đạo phong trào công nhân Sài Gòn; 15 năm tù Côn Đảo; Một hạt nhân đại đoàn kết dân tộc; Một Chủ tịch nước.

Qua đó, cảm nhận việc sử dụng công nghệ tương tác, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng và các phương tiện trực quan… giúp họ không chỉ được xem mà còn nghe, tương tác để khám phá lịch sử và tự trải nghiệm.

Công trình xây dựng mới Bảo tàng Tôn Đức Thắng trên khánh thành vào đầu tháng 1-2025 và nằm trong số công trình đầu tiên đăng ký chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, thông tin công trình không chỉ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc mà còn là cách để thể hiện lòng biết ơn của Đảng bộ và nhân dân TP HCM đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền trong đầu tư vào lĩnh vực văn hóa - giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch văn hóa tại địa phương.

"Đây cũng là cơ hội Đảng bộ và nhân dân TP HCM nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển đất nước sau ngày thống nhất. Từ đó càng thêm tự hào và quyết tâm giữ vững, phát huy thành quả cách mạng" - ông Phạm Thành Nam nói.

Bảo đảm an sinh

Cùng với Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, 2 bệnh viện lớn tại cửa ngõ TP HCM là Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn với những chuyên khoa sâu, thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ chất lượng đã sẵn sàng đảm đương sứ mệnh chăm sóc người dân.

Về công tác đền ơn đáp nghĩa, thành phố hoàn thành việc chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia ghi tên liệt sĩ trên địa bàn. Cạnh đó, tập trung mọi nguồn lực sửa chữa, xây dựng mới nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân; không để người có công và thân nhân người có công khó khăn về nhà ở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…

Nâng cao mọi mặt đời sống

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND TP HCM, khẳng định thành phố quyết tâm thực hiện những phần việc trọng tâm để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng tích cực, đăng ký nhiều công trình, phần việc thi đua cụ thể, trong đó có nhiều công trình, chương trình, dự án về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đáng chú ý như quyết tâm xây dựng 4.500 phòng học để giảm tải sĩ số, nâng chất phòng học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng mô hình trường học thông minh, trường học thân thiện; tiếp cận mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến trên thế giới.

TP HCM phúc tra hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Phú Nhuận. Ảnh: PHAN ANH

Bên cạnh đó, thực hiện hàng loạt chính sách để chương trình giảm nghèo bền vững hiệu quả giúp hộ nghèo, cận nghèo có mức sống tốt hơn. Ở lĩnh vực y tế, thành phố thực hiện đề án nâng cao, chăm sóc sức khỏe người dân, phấn đấu khám sức khỏe 100% cho người cao tuổi. Cùng với đó là chăm sóc trẻ em, nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát triển y tế chuyên sâu.

Trưởng Ban Văn hóa và Xã hội HĐND TP HCM cũng thông tin một số thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn thành phố được tập trung đầu tư. "Những điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố đối với người dân thành phố trong việc nâng cao đời sống cho người dân về vật chất lẫn tinh thần" - ông Cao Thanh Bình nhìn nhận.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-2

LÊ VĨNH - ANH VŨ - ÁI MY - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-cong-trinh-mang-khat-vong-vuon-xa-dau-an-gan-gui-dan-sinh-196250218210135371.htm
Zalo