Những công dân metro
Tuyến metro số 1 như viên gạch đầu tiên đặt nền móng trong quá trình xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị tại TP HCM
Metro số 1 đã cho trái ngọt, người dân đi metro không còn vì tò mò, "đi cho biết" mà trở thành thói quen mỗi ngày, hứa hẹn một ngày không xa, người dân sinh sống ở TP HCM trở thành công dân metro.
"Chờ 17 năm, đáng lắm chứ!"
Hơn 18 giờ, phố lên đèn, người người đổ ra đường. Trong dòng người ấy, anh Nguyễn Minh Đăng (SN 2002, ngụ TP Thủ Đức) thong thả bước xuống ga metro Nhà hát Thành phố, sau giờ tan ca. Không vội vàng, anh Đăng đang tận hưởng một thói quen mới đã theo anh gần nửa năm nay: lên metro đi làm. "Cuối năm ngoái, khu trung tâm kẹt xe liên tục. Ngày nào tôi cũng vật lộn gần 2 giờ trên đường, nhất là đoạn Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng. Mỗi lần tan ca là cực hình" - anh nhớ lại.
Một ngày đi làm trễ, anh quyết định "đánh liều" thử metro. Chuyến tàu chạy êm như lướt, đưa anh từ Thủ Đức đến trung tâm thành phố chỉ khoảng 15 phút. "Tôi không tin nổi là mình tới chỗ làm nhanh vậy. Với "3 không - không khói bụi, không còi xe, không mệt mỏi", từ ga Nhà hát Thành phố đến chỗ làm chỉ hơn 300 m, tôi nghe hết một bài nhạc là tới.
Từ đó, tôi "nghiện" metro luôn". Mỗi sáng, anh Đăng gửi xe máy ở ga Thủ Đức rồi lên tàu, đọc tin tức, nghe podcast, thư thả bắt đầu một ngày làm việc. Với anh, metro giờ không còn là phương tiện thử nghiệm, mà đã trở thành một phần nhịp sống - nhẹ nhàng, hiện đại và đầy tiện nghi.
Cũng bắt chuyến tàu từ Thủ Đức, ông Nguyễn Đại Minh (SN 1965, ngụ phường Bình Thọ) cùng hai cháu nội đi trung tâm mua sắm. Ông Minh không giấu được xúc động: "Đúng là 17 năm chờ đợi không uổng công. Hồi trước, tôi chứng kiến từ lúc rào chắn công trình, nhiều đoạn đường như Nguyễn Văn Bá, Song Hành bị chia cắt, dân mình ức chế lắm.
Lúc đó ai cũng hoài nghi, nghĩ chắc mất vài chục năm nữa công trình mới hoàn thành". Nhưng hôm nay, ông Minh mỉm cười bước lên toa tàu hiện đại, bên cạnh các cháu nhỏ háo hức dán mắt vào cửa kính. "Lúc tàu chạy êm ru, tôi nghĩ bụng: Ừ, đáng lắm chớ. Dù mất thời gian, nhưng bù lại, người dân mình có được một công trình to đẹp, hiện đại".

Hơn 4 tháng vận hành chính thức, tuyến metro số 1 đã hoạt động hiệu quả. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi nghe tin tuyến metro số 2 sẽ được khởi công cuối năm nay, ông Minh không giấu được hy vọng: "Tuyến số 2 theo tôi mới thật sự giải tỏa bức bí giao thông ở khu vực quận Tân Bình, Tân Phú, quận 12. Mong lần này công trình sẽ làm nhanh hơn".
Từ sự hoài nghi đến niềm tin, từ thói quen cũ đến trải nghiệm mới, metro không chỉ thay đổi cách người dân di chuyển - mà đang dần đổi thay cả cách họ nhìn về thành phố. Một TP HCM hiện đại hơn, thân thiện hơn và đáng sống hơn - bắt đầu từ chính những toa tàu điện đầu tiên.
Biến giấc mơ thành hiện thực
Là một trong những chuyên gia đầu tiên tham gia dự án metro số 1 tại TP HCM, TS Phan Hữu Duy Quốc, thành viên Hội đồng Tư vấn Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, thời điểm đó trực tiếp quản lý tổng thể gói thầu CP1b đại diện cho nhà thầu Nhật Bản.
Ông Quốc cho biết chính quyền TP HCM cũng như MAUR, các nhà thầu đã trải qua rất nhiều khó khăn bởi những điều mới mẻ khi thực hiện tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại thành phố.

Ngày càng có nhiều người dân chọn metro làm phương tiện đi lại. Ảnh: NGỌC QUÝ
Không chỉ vượt qua những khó khăn về thủ tục, cơ chế, tài chính mà còn cả những khó khăn khi áp dụng kỹ thuật mới. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là quá trình đào đường hầm metro số 1 bằng máy đào TBM. Đây là lần đầu tiên công nghệ khiên đào được áp dụng để đào hầm trong đô thị tại Việt Nam.
Tuy đào hầm metro bằng rô-bốt TBM là giải pháp kỹ thuật tiên tiến được áp dụng tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới nhưng hành trình đào 781 m xuyên lòng đất từ ga Ba Son đến ga Bến Thành lại hoàn toàn mới mẻ. Chưa kể, dù điều kiện địa chất đã được khảo sát rất kỹ dọc theo lộ trình đào hầm, đường hầm và nhà ga đi qua khu vực lân cận của nhiều điểm di tích lịch sử cần bảo tồn như khách sạn Rex, khách sạn Continental, Thương xá Tax, Nhà hát Thành phố nhưng lại không có đủ thông tin về nền móng và kết cấu nên áp lực rất lớn đối với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia.
"Ngay từ khi bắt đầu, tất cả chúng tôi phải lần dò từng bước vì không có đủ thông tin về công trình ngầm hiện hữu trong lòng đất, áp lực chạy đua với thời gian khi thời hạn hoàn trả mặt bằng cho giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi đến gần khi thành phố có nhiều sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước (30-4-2015). Những áp lực, căng thẳng dần gỡ bỏ khi rô-bốt TBM tiến vào nhà ga Nhà hát Thành phố sau 781 m đi ngầm trong lòng đất, mọi người thở phào khi mũi khoan đã đến đúng vị trí lỗ mở đang chờ sẵn ngoi lên mặt đất" - ông Quốc nhớ lại.
Vinh dự và tự hào
Với kỹ sư Hà Minh Phúc (TP Hà Nội), được đóng góp sức mình vào một công trình tầm cỡ như metro số 1 là niềm vinh dự và tự hào, là chương đáng nhớ nhất trong hành trình làm nghề của anh.
Thời điểm ấy, anh đang làm việc cho Shimizu Việt Nam (chi nhánh của một trong những nhà thầu hàng đầu Nhật Bản) tham gia gói thầu CP1b của tuyến metro số 1 - đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son. Phúc là chỉ huy trưởng thi công hoàn thiện nhà ga ngầm Ba Son - một vị trí đầy áp lực nhưng cũng đầy vinh dự.
Dù đã có kinh nghiệm làm việc tại nhiều công trình lớn nhưng Phúc và anh em kỹ sư Việt Nam lúc ấy vẫn không tránh khỏi cảm giác như những "người học việc" khi lần đầu tiếp xúc với những tiêu chuẩn thi công metro ngầm cực kỳ nghiêm ngặt và mới lạ. "Khó khăn không chỉ đến từ chuyên môn. Có những lúc công việc bế tắc, chậm trễ vì… không có tiêu chuẩn nào để áp dụng. Là tuyến metro đầu tiên của cả nước, rất nhiều hạng mục chưa từng có tiền lệ.
Có lúc không tìm ra được vật liệu phù hợp hoặc chưa có biện pháp thi công tương ứng. "Chúng tôi phải cùng nhau mày mò, tra cứu, bàn bạc rồi đề xuất phương án - gửi đi xin ý kiến chỉ đạo hoặc phê duyệt từ tư vấn nước ngoài, thậm chí từ các cơ quan chuyên môn cấp cao của Nhà nước hoặc Bộ Xây dựng. Tất cả đều phải làm thật chỉn chu, cẩn trọng từng bước một" - anh Phúc kể lại.
Xa nhà trong suốt hơn một năm công tác, anh Phúc vẫn luôn cố gắng giữ nhịp kết nối với gia đình. Đầu năm 2020,
TP HCM ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Những biện pháp giãn cách được áp dụng, công trường bị kiểm soát nghiêm ngặt, việc đi lại bị hạn chế, các chuyến bay về Bắc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cả công việc lẫn cuộc sống bị đảo lộn - khi thì phải bố trí thi công theo ca kíp giãn cách, khi thì cả đội thi công cùng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Anh Phúc vẫn nhớ những chiều đi bộ dọc bờ sông Sài Gòn - từ ga Ba Son đến đoạn hầm trồi lên mặt đất, đoạn ấy nay đã trở thành công viên Cảng Ba Son.
Khung cảnh lúc ấy thật đặc biệt: một bên là dòng sông lặng lờ, một bên là dự án metro đang thành hình trong lòng đất. Xa xa là những công trình cổ kính còn sót lại của nhà máy đóng tàu Ba Son và ngay bên cạnh là khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố, Vinhomes Golden River. Giữa những lớp không gian đan xen giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại, anh Phúc cảm thấy mình là một phần ý nghĩa của dòng chảy phát triển ấy...
Được sống, được làm công việc yêu thích và được góp một phần - dù rất nhỏ - vào việc dựng xây nên một công trình lớn, mang tính biểu tượng của TP HCM, là một niềm vui, một niềm tự hào và là những kỷ niệm không thể quên đối với một kỹ sư từ phương xa đến đây như tôi" - anh Hà Minh Phúc chia sẻ.
Cuối năm 2025, khởi công metro số 2
Theo kế hoạch triển khai hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, dự kiến tháng 12-2025, TP HCM sẽ khởi công tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Metro số 2 được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu 26.000 tỉ đồng. Đến năm 2019, vốn dự án điều chỉnh tăng lên gần 47.900 tỉ đồng. Toàn tuyến dài hơn 11 km, trong đó có 9,2 km đi ngầm, phần còn lại trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (quận 12). Dự án bao gồm 9 ga ngầm và 1 ga trên cao. Cuối năm 2024, TP HCM quyết định sử dụng ngân sách thành phố để triển khai dự án thay vì sử dụng vay vốn ODA. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã đạt 99,83% với 584/585 trường hợp bàn giao. Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, tuyến metro số 2 khởi công vào cuối năm nay không chỉ là bước tiếp theo trong hành trình xây dựng mạng lưới metro, mà còn là lời khẳng định: TP HCM đang chuyển mình quyết liệt, không dừng lại sau một chặng đường dài chờ đợi.