Những cơn 'sóng thần' AI tấn công thị trường lao động công nghệ mới toàn cầu

Việc các 'ông lớn' công nghệ mới toàn cầu đầu tư hàng tỷ USD để phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) có nguy cơ tạo ra những cơn 'sóng thần' cuốn phăng đi rất nhiều việc làm trong giới công nghệ mới trên toàn cầu.

Hàng chục nghìn nhân viên công nghệ bị sa thải

Từ đầu năm 2024 tới nay, giới công nghệ thế giới đang phải đối mặt với một làn sóng sa thải quy mô lớn, nhất là đối với các tập đoàn công nghệ tầm cỡ toàn cầu. Theo đó, nhiều tập đoàn và công ty công nghệ hàng đầu thế giới đang đặt cược lớn vào AI và tự động hóa, điều khiến họ đi tới quyết định cắt giảm những bộ phận truyền thống, khiến nhiều nhân sự “cổ cồn trắng” mất việc.

Hãng Intel đã có kế hoạch sa thải hàng chục nghìn nhân viên

Hãng Intel đã có kế hoạch sa thải hàng chục nghìn nhân viên

Mới đây nhất, hãng tin chuyên về kinh tế Bloomberg dẫn một thông báo nội bộ của tập đoàn Dell cho biết, ông lớn công nghệ này có kế hoạch sa thải 10% lực lượng lao động, tương đương 12.500 người. Đợt sa thải này chủ yếu nhắm vào các nhà quản lý và bộ phận tiếp thị. Thậm chí, có những người đã cống hiến hơn 2 thập kỷ cho hãng vẫn nằm trong danh sách cắt giảm. Lý do về đợt sa thải lớn này, thông báo của Dell cho biết, Dell đang tinh gọn bộ máy theo hướng giảm bớt các tầng lớp quản lý, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong dự án đầu tư.

Đáng chú ý, đợt sa thải mới nhất diễn ra chỉ hơn một năm sau đợt sa thải quy mô lớn trước đó vào tháng 2-2023 khi Dell đã cắt giảm từ 130.000 lao động xuống còn 120.000 người. Làn sóng sa thải diễn ra liên tục khiến tất cả nhân viên hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới này rơi vào trạng thái bất an về công việc, hạn chế cơ hội phát triển sự nghiệp của họ. Một nhân viên lâu năm của Dell đã bày tỏ sự thất vọng rằng, việc một số nhà quản lý làm việc lâu năm đã bị sa thải cho thấy “dù bạn có bỏ bao nhiêu công sức vào công việc thì công ty vẫn sa thải bạn nếu việc đó mang đến lợi ích cho công ty”.

Kể từ sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản kết thúc tới nay, làm việc trong ngành công nghệ cao, công nghệ mới không còn là lựa chọn việc làm đáng tin cậy nữa khi xu hướng sa thải nhân sự liên tục diễn ra. Theo thống kế của trang chuyên theo dõi tình hình cắt giảm việc làm trên toàn cầu Layoffs.fyi, kể từ đầu năm 2024, 209 công ty công nghệ đã sa thải 50.312 nhân viên. Nếu cộng cả số liệu thống kê của năm 2023 thì 1.191 tập đoàn, công ty trên thế giới đã sa thải 269.180 nhân viên.

Xu hướng này không chỉ ảnh hưởng đến các công ty khởi nghiệp (startup) quy mô nhỏ mà còn ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn như Dell, Alphabet, Amazon, Cisco, eBay, Meta Platforms, Microsoft, SAP và Unity Software... Theo công ty tư vấn và cung cấp nhân sự Challenger, Grey & Christmas có trụ sở tại Chicago (Mỹ), quy mô của việc cắt giảm nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin lớn đến mức những đợt cắt giảm hiện tại chỉ đứng thứ hai sau thời kỳ bong bóng dot-com kết thúc vào năm 2001 với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán do sự gia tăng của các start-up Internet không có lãi và dẫn đến các nhà đầu tư thua lỗ khổng lồ cũng như sự phá sản của một số lượng lớn công ty.

Layoffs.fyi ước tính, có khoảng 89.000 nhân viên công nghệ đã mất việc trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, tháng 5 ghi nhận sự giảm nhẹ so với các tháng trước đó. Theo đó, trong tháng 5, có 39 công ty công nghệ đã sa thải 9.742 nhân viên, con số giảm đáng kể so với tháng 4 khi 50 công ty sa thải 21.473 người.

Những tập đoàn công nghệ lớn công bố cắt giảm nhân sự trong tháng 5 bao gồm: Google, Indeed, Toshiba, TikTok, Walmart, Microsoft và Tesla… Trong đó, hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã sa thải hơn 6.700 nhân viên tính từ đầu năm nay. Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị sa thải mà nhân sự tại các hãng công nghệ mới cũng còn không được tăng lương nhanh như trước. Theo Layoffs.fyi, tốc độ tăng lương nhanh chóng một thời trong lĩnh vực công nghệ phần lớn đã bị đình trệ trong 2 năm qua.

Không ai an toàn trước làn sóng sa thải

Theo các chuyên gia, làn sóng sa thải nhân sự hiện nay của các “ông lớn” công nghệ có nguyên nhân quan trọng từ việc tuyển dụng quá nhiều nên nay phải “khắc phục tình trạng tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch”. Covid-19 bùng phát trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số tăng vọt khi mọi người trên khắp thế giới buộc phải làm việc, giao tiếp xã hội và mua sắm tại nhà. Để đáp ứng nhu câu tăng đột biến đó, các hãng công nghệ đã có một đợt tuyển dụng ồ ạt nhân sự. Thậm chí, nhiều công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ) còn cố tình lôi kéo kỹ sư và tài năng công nghệ chỉ với mục đích ngăn họ chuyển sang công ty đối thủ.

Tuy nhiên, khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng những năm sau đó và bất ổn kinh tế vĩ mô lớn hơn xuất hiện, ngành công nghệ lại ghi nhận sụt giảm lớn nhất kể từ vụ phá sản dotcom năm 2000 và buộc phải cắt giảm liên tiếp hàng chục nghìn việc làm. Thêm vào đó, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát và lãi suất cao càng làm cho suy thoái công nghệ đã kéo dài lâu hơn.

Đã tuyển dụng quá mức thì nay buộc phải sa thải dù rằng điều đó không dễ dàng. Các công ty công nghệ sẽ giảm lượng lớn nhân lực nếu chứng kiến doanh nghiệp khác làm được nhiều hơn với số nhân viên tinh gọn hơn. Hồi tháng 2 năm nay, ông chủ Mark Zuckerberg của Tập đoàn Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram … - thừa nhận, việc sa thải “đau đớn và khó khăn”, nhất là phải chia tay với các kỹ sư tài năng trong giai đoạn đầu nhưng đem lại lợi ích và hiệu quả lâu dài.

Một nguyên nhân khác, quan trọng không kém, theo tờ báo điện tử chuyên về doanh nghiệp, người nổi tiếng và các tin tức tài chính và kinh doanh Business Insider, đợt ra thải lớn của Dell diễn ra cùng với thời điểm hãng công nghệ này triển khai chiến lược AI mới. Hãng đã thử nghiệm các công cụ AI nội bộ từ tháng 10-2023 và đang áp dụng vào phát triển sản phẩm, quản lý nội dung, công cụ bán hàng và dịch vụ khách hàng.

AI cũng chính là cơn “sóng thần” xuất hiện trong thông báo cắt giảm 15% nhân viên của tập đoàn công nghệ Intel, tức tương đương với khoảng 17.500 người. “Gã khổng lồ” công nghệ Intel phải giảm bớt nhân sự do đang tụt hậu so với đối thủ trong cuộc đua chíp AI, trong khi thị trường chíp dành cho trung tâm dữ liệu truyền thống có xu hướng đi xuống. Intel do đó phải tái cấu trúc, tập trung phát triển bộ vi xử lý AI.

Tương tự, hãng công nghệ cao khác là Cisco cũng đã thực hiện hai đợt cắt giảm nhân sự quy mô, trong đó lần đầu vào tháng 2 với 4.000 nhân viên bị cho thôi việc và lần thứ hai được cho là đang diễn ra với con số tương đương hoặc cao hơn. Việc sa thải nhân viên diễn ra trong bối cảnh Cisco chuyển trọng tâm sang lĩnh vực mới như AI và an ninh mạng.

Theo trang web hàng đầu về tin tức và phân tích trong lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp và sáng tạo Techcrunch, làn sóng sa thải trong năm 2024 cho thấy tác động tiềm tàng của AI đến công việc của con người. Từ start-up đến tập đoàn công nghệ lớn đều đang tự động hóa và đổi mới cách thức vận hành. Khi tổ chức dồn lực vào phát triển AI, họ cần huy động nguồn tiền lớn, dẫn đến các bộ phận truyền thống, không còn phù hợp bị loại bỏ.

Business Insider cho rằng, rằng việc sa thải tạo “cảm giác khó khăn” cho các nhân viên mất việc nhưng họ hiểu AI đang thay đổi bản chất công việc. Trong khi đó, Tech.co nhận định, về lâu dài, những thay đổi này giúp các hãng công nghệ mới “trụ lại”, song cần lưu ý là những người may mắn không bị sa thải lúc này phải chấp nhận thực tế họ chưa an toàn, bởi đây chưa phải đợt “thanh lọc” cuối của ngành công nghệ trong 2024.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-con-song-than-ai-tan-cong-thi-truong-lao-dong-cong-nghe-moi-toan-cau-post586117.antd
Zalo