Những cơ hội của 'nhân sự nhà nước dôi dư'

Ngoài những người xấp xỉ tuổi nghỉ hưu thì hầu hết công chức, viên chức dôi dư đều sẽ bắt đầu tìm kiếm công việc mới bởi họ còn tuổi lao động và còn nhiệt tình cống hiến.

Do đó, cần có sự dịch chuyển phù hợp để tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của nền kinh tế. Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thị trường lao động tới đây sẽ được cung cấp một lượng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, có chuyên môn cung ứng cho thị trường. Đây có thể xem là tác động tốt cho thị trường lao động để nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn lao động cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Quá trình sáp nhập, sắp xếp bộ máy ở một khía cạnh nào đó là cơ hội cho những công chức, viên chức làm việc lâu năm trong khu vực công dám dấn thân, rời bỏ khu vực công - nơi được cho là luôn an toàn, ổn định để có những bứt phá về công việc và cải thiện cuộc sống.

Còn với những người không muốn rời bỏ nhưng do sắp xếp mà phải ra đi thì trước tiên, việc tìm kiếm công việc mới trong khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc rất lớn vào khả năng linh hoạt, chủ động và thích ứng của bản thân người lao động đó.

Nhiều công chức, viên chức có thể cảm thấy e ngại, lo lắng vì sự khác biệt trong văn hóa làm việc, cơ chế lương thưởng hoặc áp lực công việc, nhưng trong bối cảnh này, mỗi cá nhân cần tìm cách để thích nghi, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế trong tâm thế cố gắng cao nhất để có việc làm.

Quan trọng là tâm thế chủ động của người lao động, sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi, chuyển dịch việc làm; đồng thời tìm cách nâng cao, bổ sung cho chuyên môn, kỹ năng của bản thân. Khi có sức khỏe tốt, có kỹ năng và sự sẵn sàng thì dù ở đâu – khu vực công hay tư, người lao động cũng có khởi đầu mới với những công việc phù hợp.

Ảnh minh họa: ChatGPT

Ảnh minh họa: ChatGPT

Bên cạnh nỗ lực của cá nhân người lao động, rất cần những giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước, từ các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, trung tâm giới thiệu việc làm theo các giai đoạn cụ thể. Đầu tiên là giai đoạn đào tạo và nâng cao kỹ năng - đây là yếu tố then chốt để những công chức, viên chức có thể thích ứng với yêu cầu mới của thị trường.

Chương trình đào tạo nên tập trung vào các kỹ năng chuyên môn như các khóa học ngắn hạn giúp bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các ngành nghề đang có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, logistics, sản xuất xanh, chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Đồng thời, bổ sung các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian – đây là những kỹ năng mà các doanh nghiệp tư nhân đặc biệt coi trọng.

Giai đoạn 2 là kết nối người lao động với việc làm; việc kết nối có thể thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như sàn giao dịch việc làm, hợp tác với các đơn vị đào tạo, giới thiệu lao động cho doanh nghiệp sau khi hoàn thành khóa học.

Đặc biệt là chính sách khuyến khích tuyển dụng như Nhà nước có thể hỗ trợ tài chính hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, đào tạo lao động dôi dư từ khu vực công. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho người lao động tự tạo việc làm, khởi nghiệp, tự mở các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ.

Giai đoạn 3 là hỗ trợ ổn định việc làm. Sau khi những lao động dôi dư tìm kiếm được việc làm thì vẫn cần có giải pháp hỗ trợ để người lao động từ khu vực công làm quen với công việc mới; tiếp tục tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp họ cảm thấy tự tin hơn trong môi trường làm việc ở khu vực tư nhân, thậm chí có giải pháp hỗ trợ họ tiếp tục có những thay đổi, điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lao động nhằm kết nối thông tin giữa người lao động dôi dư với các tổ chức, doanh nghiệp ở khu vực tư nhân có nhu cầu tuyển dụng cũng cần sớm được triển khai. Hệ thống này không chỉ giúp cho người lao động dễ dàng tìm kiếm công việc mới mà còn giúp các đơn vị kinh doanh, các doanh nghiệp làng nghề, khởi nghiệp nhanh chóng tiếp cận nguồn lực có trình độ và kỹ năng phù hợp chuyển dịch từ khu vực công sang.

Ngoài ra, cần tính tới việc tạo điều kiện để người lao động phát huy được năng lực chuyên môn mà họ tích lũy được trong khu vực công như các cán bộ có kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đặc thù như giáo dục, y tế, tài chính, xúc tiến thương mại…giúp họ có điều kiện chuyển đổi công việc tới các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các hệ thống giáo dục, y tế tư thục hoặc các doanh nghiệp trong lĩnh vực tương ứng….

Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của người lao động, sự tham gia tích cực của các tổ chức, trung tâm dịch vụ việc làm thì việc giải quyết bài toán lao động dôi dư sẽ đem lại những hiệu quả cụ thể, đem đến những cơ hội công việc mới phù hợp cho một bộ phận công chức, viên chức.

Nguyễn Yên/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-co-hoi-cua-nhan-su-nha-nuoc-doi-du-post1148299.vov
Zalo