Những chuyến xe về từ cổng sau Bệnh viện Chợ Rẫy

'Con đưa mẹ về nhà nhé!', giọng cô gái run run, ghé sát vào tai một người phụ nữ hôn mê nằm trên cáng. Cáng được chuyển lên xe cấp cứu và lăn bánh đi ra từ cổng sau Bệnh viện Chợ Rẫy.

“Con đưa mẹ về nhà nhé!”, giọng cô gái run run, ghé sát vào tai một người phụ nữ hôn mê nằm trên cáng. Cáng được chuyển lên xe cấp cứu và lăn bánh đi ra từ cổng sau Bệnh viện Chợ Rẫy.

"Cha ơi, sắp về đến nhà rồi"

"Cha ơi, sắp về nhà rồi", anh Thịnh nói với cha khi vừa đưa ông vào xe cấp cứu. Cha anh với đủ các dây dợ, ống oxy gắn vào mũi, miệng, nhắm mắt nghiền, và không trả lời anh.

Từ xa, một người phụ nữ đeo ba lô, xách đồ đạc lỉnh kỉnh loạng choạng bám vào thành xe cấp cứu bước lên. "Hai ơi", bà gọi nhỏ một tiếng, ngân dài.

 Cô Tí và anh Thịnh trên chuyến xe cấp cứu đưa anh trai, cha về nhà khi bệnh của ông quá nặng. Ảnh: Duy Hiệu.

Cô Tí và anh Thịnh trên chuyến xe cấp cứu đưa anh trai, cha về nhà khi bệnh của ông quá nặng. Ảnh: Duy Hiệu.

Chiếc xe cấp cứu lăn bánh từ từ ra khỏi Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 14h, hòa vào sự đông đúc trên đường Thuận Kiều, Châu Văn Liêm, Võ Văn Kiệt... và hướng về miền Tây.

"Hai ơi, còn chút xíu nữa thôi. Chị Hai đang chờ Hai ở nhà đó".

"Cha ơi, sắp về rồi".

Nhiều giờ đồng hồ trong xe cấp cứu chỉ có những tiếng gọi "Hai ơi", "Cha ơi" xen lẫn tiếng lọc cọc của bình oxy, cáng va đập xuống sàn.

Cha anh Thịnh bệnh nặng, chuyển lên cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy được vài ngày. Bệnh tình quá nặng, ông hôn mê, không tự ăn và không tự thở được.

Những tiên lượng xấu của bác sĩ cứ dần đánh gục anh Thịnh và cô của anh - cô Tí. Hai người quyết định đưa ông về, để còn có thể gặp mọi người một lần trước khi "điều đó" xảy ra.

 Trong xe cấp cứu chỉ có tiếng gọi, tiếng khóc và tiếng lọc cọc của cáng, bình oxy. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong xe cấp cứu chỉ có tiếng gọi, tiếng khóc và tiếng lọc cọc của cáng, bình oxy. Ảnh: Duy Hiệu.

Xe cấp cứu lẻn lỏi trong một xã nhỏ của huyện Chợ Lách (Bến Tre), đi qua 2 con kênh và dừng lại ở đầu con đường đất, rộng chưa đến một mét.

"Đến đây xe hết vào được rồi người nhà ơi", tài xế Tâm nói với 2 cô cháu anh Thịnh.

Anh Thịnh gọi điện về nhà, nói với vợ nhờ những người đàn ông trong xóm tập trung lại để khiêng cha vào. Trong lúc chờ, anh Thịnh vẫn ngồi trầm ngâm nhìn cha trên xe, tay vẫn bóp bóng oxy.

 Sau hơn 2 giờ, chiếc xe chở cha anh Thịnh về đến nơi nhưng phải chờ người thân, hàng xóm để phụ khiêng cáng vào nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Sau hơn 2 giờ, chiếc xe chở cha anh Thịnh về đến nơi nhưng phải chờ người thân, hàng xóm để phụ khiêng cáng vào nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

6 người đàn ông phụ đưa cha của anh Thịnh - vẫn đang hôn mê, đi vài trăm mét đường đất, băng qua những vườn chôm chôm đang ra trái. Khung cảnh quen thuộc mà cha anh đã đi lại suốt hàng chục năm qua.

Cáng đến, đứng trong phòng khách, em gái, mẹ anh Thịnh đưa ánh mắt đỏ au nhìn đoàn người khiêng cha, chồng mình vào nhà. Bình oxy, chăn gối đã đặt sẵn, mọi người đặt ông nằm lên giường.

Vậy là chuyến đi cuối cùng của cha anh Thịnh đã "thành công" bởi vì ông vẫn còn thở. Tài xế Tâm thở phào và đi bộ ra xe.

 6 người đàn ông đưa cha anh Thịnh trên cáng, băng những vườn chôm chôm đang ra trái, đoạn đường "cuối cùng" của ông. Ảnh: Duy Hiệu.

6 người đàn ông đưa cha anh Thịnh trên cáng, băng những vườn chôm chôm đang ra trái, đoạn đường "cuối cùng" của ông. Ảnh: Duy Hiệu.

Đưa mẹ về nhà

Trong không gian chật chội trên xe cấp cứu, cô gái ngồi sụp xuống sàn, tay vòng qua đầu mẹ, lẩm bẩm hàng trăm lần câu nói: “Mẹ gắng lên, sắp về đến nhà rồi, một đoạn nữa thôi!”.

 23h, anh Hoàng Ân và em gái trên xe cấp cứu đưa mẹ trở về nhà khi tình trạng sức khỏe của bà yếu dần. Ảnh: Duy Hiệu.

23h, anh Hoàng Ân và em gái trên xe cấp cứu đưa mẹ trở về nhà khi tình trạng sức khỏe của bà yếu dần. Ảnh: Duy Hiệu.

Suốt quãng đường hơn 100 km, cô gái ói lên ói xuống 5 lần, người cô mềm nhũn dưới sàn xe. Nhưng nôn xong, cô gượng dậy, rồi lại ôm mẹ đang nằm trên cáng.

 Cô gái đuối sức, mềm nhũn vì say xe nhưng luôn ôm mẹ đang hôn mê. Ảnh: Duy Hiệu.

Cô gái đuối sức, mềm nhũn vì say xe nhưng luôn ôm mẹ đang hôn mê. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên cạnh, anh Hoàng Ân lúc ngồi trên ghế, lúc ngồi xuống sàn nhưng tay không rời bình bóng oxy. “1..2…3…1…2…3…1..2…3…” anh Ân vừa bóp bóng oxy, vừa lầm rầm đếm theo nhịp. Sau một lúc đếm thì tay anh dần quen, anh bóp bóng bằng một tay, tay còn lại đặt sau lưng em gái.

Mẹ anh bị tiểu đường và đủ các bệnh nền nặng khác của người già. Gia đình đưa bà lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu khi tình trạng chuyển rất nặng. Sau vài ngày, hy vọng dần tắt, anh phải đối mặt với lựa chọn cho mẹ nằm viện tiếp hay đưa mẹ về nhà.

 Khi tình trạng của mẹ quá nặng, anh Hoàng Ân và gia đình chọn đưa bà về để nếu "điều đó" có xảy ra, mẹ vẫn được ở nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Khi tình trạng của mẹ quá nặng, anh Hoàng Ân và gia đình chọn đưa bà về để nếu "điều đó" có xảy ra, mẹ vẫn được ở nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Hơn 0h, xe cấp cứu dừng trước căn nhà duy nhất sáng đèn trong một ngôi làng gần thị trấn Vĩnh Hưng (Long An). Cửa sau kéo lên, 4 người đứng chờ sẵn, cùng hướng mắt vào trong xe. 6 người cùng đưa cáng xuống và đẩy vào nhà.

 Người thân anh Hoàng Ân thẫn thờ khi cửa sau xe cấp cứu mở ra. Ảnh: Duy Hiệu.

Người thân anh Hoàng Ân thẫn thờ khi cửa sau xe cấp cứu mở ra. Ảnh: Duy Hiệu.

"Năm ơi, đừng ngủ"

"Năm ơi đừng ngủ, đừng có ngủ", cô Nhạc nói lớn trong xe cấp cứu, bên cạnh là chiếc máy đang phát nhạc niệm Nam mô A Di Đà Phật. Nằm trên cáng, anh trai cô đang thở oxy mask, rên hừ hừ, đưa mắt qua nhìn cô.

Trước đó, cô Nhạc và con trai cô - Hào, làm thủ tục xin ra viện cho ông ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

 Một ngày tháng 10/2024, bà Nhạc đưa anh trai bị ung thư máu rất nặng từ Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Một ngày tháng 10/2024, bà Nhạc đưa anh trai bị ung thư máu rất nặng từ Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Gương mặt cô Nhạc xám xịt cùng đôi mắt đỏ sọng vì mất ngủ nhiều ngày. Cô cứ nhìn anh trai không rời.

"Uống sữa không? Ăn cháo không? Ăn gì, em điện về cho dì Chín nấu? No rồi hả? Ăn gì đâu mà no? 3 ngày không ăn rồi?" - cô Nhạc hỏi anh trai liên tục.

Anh trai cô bị ung thư máu, gia đình đưa lên viện được khoảng 2 tuần thì sức khỏe yếu dần do bệnh đã ở giai đoạn muộn. Bắt đầu bằng những cơn đau đầu không dứt, mệt mỏi rồi không thể ăn uống được, đến trưa hôm đó thì không nói được nữa.

 Trong xe cấp cứu, cô Nhạc nhìn anh trai không rời mắt. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong xe cấp cứu, cô Nhạc nhìn anh trai không rời mắt. Ảnh: Duy Hiệu.

"Nặng lắm, bác cũng muốn về nên đưa ông về thôi", Hào nói. Cậu không biết làm gì, cứ ngồi nhìn mẹ, thi thoảng lại xuống cuối xe để bóp chân cho bác.

Thấy ông có vẻ không tỉnh táo, cô Nhạc lại tiếp tục hỏi.

"Đừng nhìn lên nóc. Nhìn đây nè. Mấy phút nữa tới nhà rồi. Mệt hả? Cháu anh tên gì nhớ không? Anh đưa đứa nào đi học? Anh đi anh nhớ ai? Đứa nào cũng nhớ hả? Năm ơi, đừng ngủ!"

 Cô Nhạc và Hào ôm bác Năm, nói chuyện liên tục để ông không chìm vào cơn hôn mê. Ảnh: Duy Hiệu.

Cô Nhạc và Hào ôm bác Năm, nói chuyện liên tục để ông không chìm vào cơn hôn mê. Ảnh: Duy Hiệu.

"Tăng oxy lên sao bác tài ơi", Hào hỏi tài xế Tuấn rồi xoay nút vặn lên tối đa 10 lít/phút.

Hào kể, bác Năm không lập gia đình, cứ ở vậy làm nông, suốt ngày quanh quẩn với mấy đứa cháu. Ngã bệnh cũng chỉ có họ hàng, các cháu đưa đi viện.

Chiếc xe dừng trên đường lớn, trước căn nhà gỗ ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ). 5-6 người chờ sẵn, đưa người đàn ông vào.

 Tài xế Tuấn cùng gia đình khiêng người đàn ông vào nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Tài xế Tuấn cùng gia đình khiêng người đàn ông vào nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Ước mơ làm một tài xế lái cấp cứu

Thấy anh trai lái xe cấp cứu, anh Huỳnh Chí Tâm cũng ấp ủ ước mơ nối nghiệp anh. Năm 2008, anh vào phụ giúp lau dọn, rửa xe cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi anh trai làm việc. Khi quen việc thì anh xin đi theo phụ các anh tài xế đẩy cáng, lắp bình oxy hoặc đơn giản là đi theo để có người nói chuyện.

Sau 8 năm ròng rã làm thêm những công việc phụ, anh Tâm cũng có cơ hội vào đội lái xe bệnh viện. Anh bắt đầu công việc một cách trơn tru vì đã có quá đủ thời gian ở đây.

"Lái xe cấp cứu giống như ngày nào mình cũng làm việc tốt vậy", anh Chí Tâm nói.

Mỗi chuyến lái xe cấp cứu sẽ có một trạng thái khác nhau nhưng nhìn chung đều là khẩn cấp. Bệnh nhân, người nhà thường mất bình tĩnh nên mình phải động viên, nhẹ nhàng để họ có thể phối hợp, đưa bệnh nhân đến nơi sớm nhất có thể, anh Tâm chia sẻ.

 Anh Huỳnh Chí Tâm, tài xế đội xe Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Anh Huỳnh Chí Tâm, tài xế đội xe Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

16 năm làm nghề lái xe cấp cứu, anh Từ Công Nhân không đếm hết số chuyến chở người bệnh nặng về nhà, cũng chứng kiến không biết bao nhiêu khoảnh khắc đau lòng.

"Có một lần, lúc xuống đón, cô gái vẫn tỉnh táo, đi lại, nói chuyện với tôi bình thường nhưng đến giữa đường thì co giật, mất trên xe cấp cứu. Tiếng gào thét và tiếng khóc của bà mẹ trong xe đến giờ vẫn khiến tôi ám ảnh. Lúc đó, tôi phải dừng xe lại, ra phía sau động viên bà rồi mới đi tiếp được", anh Nhân trầm ngâm kể.

 Anh Từ Công Nhân, tài xế đội xe Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Anh Từ Công Nhân, tài xế đội xe Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

21h, trở về bệnh viện sau chuyến đi Cần Thơ, anh Thanh Tuấn kiểm tra lại giấy tờ trước khi đưa xe về chỗ đậu.

Công việc của một tài xế bệnh viện là đón những ca bị thương, bệnh nặng cần cấp cứu, chuyển bệnh, chuyển thuốc, chuyển máu... Có lẽ, phần việc áp lực nhất với những tài xế như anh Tuấn là chở bệnh nhân nặng, đôi khi là chở những người bệnh đã mất, về nhà.

Nhớ lại những năm 2006-2007, anh Tuấn chở một phụ nữ đã mất từ Bệnh viện Chợ Rẫy về Nam Định. Chuyến đi kéo dài hơn 2 ngày. Hai vợ chồng làm công nhân ở Bình Dương, đã nhiều năm không về quê nên chồng cũng không nhớ nhà vợ. Anh Tuấn chở thi thể trên xe, đi vòng vòng trong xã. Anh chồng lôi tất cả thông tin của vợ và gia đình để hỏi đường. Cuối cùng cũng có người biết và dẫn vào tận nhà.

Những chuyến đi từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra miền Bắc là không hiếm vào những năm 2000-2010. Đó là những chuyến đi xa, buồn, và nặng lòng nhất.

 Anh Phạm Thanh Tuấn, tài xế đội xe Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Anh Phạm Thanh Tuấn, tài xế đội xe Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Những chuyến xe ra về từ cổng sau hay đoạn đường cuối cùng là điều không người bệnh nào muốn trải qua, nhưng nó vẫn diễn ra hàng ngày.

Trên những chuyến xe như thế, lòng ai cũng nặng trĩu. Những tài xế như anh Tâm, anh Nhân, anh Tuấn vẫn luôn cố gắng để mỗi khúc cua, mỗi đoạn đường đều êm ái nhất, để hành trình cuối đời của người bệnh thêm trọn vẹn.

Chuyến xe đưa người bệnh nặng rời Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà luôn được tài xế, các y bác sĩ chăm lo chu toàn, để giấc mơ cuối đời của bệnh nhân được trọn vẹn. Ảnh: Duy Hiệu.

Chuyến xe đưa người bệnh nặng rời Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà luôn được tài xế, các y bác sĩ chăm lo chu toàn, để giấc mơ cuối đời của bệnh nhân được trọn vẹn. Ảnh: Duy Hiệu.

Chuyến xe là hành trình cuối cùng của bệnh nhân, cũng là ước mong giản dị, gửi gắm của gia đình: Đưa người thân trở về quê nhà, khép lại cuộc đời ở nơi họ thuộc về.

Những chuyến xe tuy lặng lẽ nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về tình người, vòng lặp sinh - lão - bệnh - tử, và quê hương.

Duy Hiệu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhung-chuyen-xe-ve-tu-cong-sau-benh-vien-cho-ray-post1513995.html
Zalo