Những chuyến trở về tham gia xây dựng TPHCM

Trong chuỗi hoạt động chương trình họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Ất Tỵ 2025, hôm nay (18-1), lãnh đạo TPHCM gặp gỡ đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu và thảo luận về Đề án Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030.

Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại huyện Củ Chi, TPHCM, ngày 17-1

Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại huyện Củ Chi, TPHCM, ngày 17-1

Luôn hướng về quê hương

Kết thúc năm 2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt gần 9,6 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2023. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng không cao như 2 năm gần đây, nhưng vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức trên 9 tỷ USD.

Cùng với các nguồn vốn khác, kiều hối đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Điều này cũng phản ánh hiệu quả chính sách tiền tệ ngoại hối, cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và sự phát triển kinh tế xã hội đất nước, cũng như các giải pháp cụ thể của UBND TPHCM về thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối.

Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Vũ Thị Huỳnh Mai khẳng định, kiều hối về TPHCM liên tục tăng trong những năm qua không chỉ thể hiện sự tin tưởng của kiều bào đối với quê hương mà còn là minh chứng rõ nét về vai trò tiên phong của TPHCM trong việc kết nối và phát huy nguồn lực kiều hối.

Đặc biệt, đề án “chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030” là nền tảng quan trọng nhằm định hướng, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Cùng với thực hiện đề án, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và Điểm hẹn kiều bào tại trụ sở Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cũng trở thành nơi kết nối doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.

TS Hoàng Xuân Bình, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, cho rằng, kiều hối chuyển về TPHCM chủ yếu từ đầu tư bất động sản, các dự án đầu tư trong sản xuất, dịch vụ, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu.

Theo TS Hoàng Xuân Bình, hoạt động xuất khẩu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kiều hối cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân thành phố và khu vực phía Nam. Vì vậy, TPHCM cần tập trung xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất và có thương hiệu Việt Nam, chủ động tạo môi trường và điều kiện để quảng bá sản phẩm, thông qua sự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, các hiệp hội của Việt kiều.

Theo Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, hiện có gần 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có liên hệ với TPHCM (chiếm gần 50% số lượng người Việt Nam ở nước ngoài của cả nước). TPHCM đã thu hút được khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài từ nhiều quốc gia trên thế giới về hợp tác làm việc dài hạn. Kiều hối về TPHCM hàng năm luôn chiếm 40-53% tổng mức kiều hối chuyển về Việt Nam, đặc biệt đây là dòng tiền chuyển đơn phương theo hướng một chiều về thành phố. Thống kê 11 năm (từ năm 2012 đến 2023), tổng số kiều hối chuyển về TPHCM đạt hơn 65 tỷ USD, mức tăng trung bình 3-7%/năm.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Mới đây, ngày 15-1, bà Lê Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xúc tiến Hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản làm Trưởng đoàn cùng 20 doanh nghiệp hội viên từ Nhật Bản về TPHCM tìm hiểu môi trường đầu tư và xúc tiến đưa hàng hóa từ TPHCM sang thị trường Nhật Bản.

 Công nhân Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ, đóng gói sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Công nhân Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (huyện Hóc Môn, TPHCM) do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ, đóng gói sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Chuyến “trở về” của bà Lê Thương đã kết nối các doanh nghiệp TPHCM với doanh nghiệp tại Nhật Bản, mở ra cơ hội để hàng hóa tại TPHCM tiếp cận được thị trường nước này. Cùng với các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, các doanh nhân, chuyên gia đánh giá cao các chính sách của Đảng, Nhà nước và TPHCM dành cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là chính sách thu hút kiều hối và nhân lực chất lượng cao.

Bà Nguyễn Thị Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia, cho rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước đột phá trong chính sách thu hút và trọng dụng người. Đây là cơ hội lớn để TPHCM tiếp tục thu hút, phát huy nguồn lực kiều bào cả về nhân lực, tài lực. Bà Liên khẳng định, khi có một môi trường làm việc tốt, nhiều ưu đãi thì chắc chắn sẽ thu hút nhiều người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao trở về.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng, một Việt kiều Singapore, cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, TPHCM có thể điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút người tài ở các lĩnh vực khoa học - công nghệ về cống hiến cho thành phố. Theo ông Dũng, TPHCM có thể trọng dụng người tài với những dự án, chương trình cụ thể thông qua hợp tác công - tư để huy động nguồn lực về tài chính, công nghệ và nhân lực từ khối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TPHCM cần có một nghiên cứu với quy mô rộng và mức độ hàm lượng khoa học cao để xác định những tiêu chuẩn tuyển chọn nhân tài dựa trên việc nhìn nhận những thách thức, khó khăn phải đối mặt và đặc điểm công việc, nhiệm vụ mà người tài cần đảm nhiệm. Đồng thời, công khai rõ ràng việc thực hiện chính sách trọng dụng người tài để đảm bảo niềm tin và thu hút nhân tài trên cả nước tham gia vào cơ chế.

Trong khuôn khổ chương trình Họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Ất Tỵ 2025 tại TPHCM, ngày 17-1, Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược; tham gia hoạt động kết nối địa phương; các hoạt động văn hóa xã hội, đền ơn đáp nghĩa tại huyện Củ Chi, TPHCM.

Tại chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Vũ Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, đây không chỉ là cơ hội giao lưu, kết nối, mà còn mở ra những triển vọng mới trong việc hợp tác và phát huy vai trò của kiều bào trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Củ Chi.

CẨM TUYẾT

ĐÔNG SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhung-chuyen-tro-ve-tham-gia-xay-dung-tphcm-post778346.html
Zalo