Những chuyến du đấu 'con nhà nghèo' của VĐV cầu lông Việt Nam
Không phải VĐV cầu lông nào cũng tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ như Thùy Linh, hay được chào đón trong ngày về nước như tay vợt trẻ Thu Huyền. Số đông các VĐV Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình bước ra thế giới, nơi họ nhận chỉ trích nhiều hơn lời động viên.
Cuối tháng 8, ba tay vợt Việt Nam Lê Đức Phát, Nguyễn Hải Đăng và Vũ Thị Anh Thư lên đường thi đấu quốc tế. Điểm đến của họ là Lagos, Nigeria, nơi diễn ra giải cầu lông lớn nhất châu Phi. Miền đất xa lạ chào đón các tay vợt Việt Nam bằng tình huống mất điện ngay trong ngày khai mạc.
"Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến một giải cầu lông bị mất điện, khiến nhà thi đấu tối om chẳng nhìn rõ ai", Hải Đăng chia sẻ trên trang cá nhân. Anh và các đồng đội chia sẻ như một cách phản ánh thực tế: Họ phải chịu rất nhiều khó khăn mỗi khi du đấu nước ngoài.
Lý do duy nhất khiến Đức Phát, Hải Đăng và Anh Thư chọn đến châu Phi thi đấu là chi phí. So với việc thi đấu tại châu Âu hoặc châu Á, trong cùng một thời gian tranh tài và điểm số tích lũy được, các đại diện Việt Nam sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Đó cũng là cách Tiến Minh tích lũy điểm số khi anh không còn ở thời kỳ đỉnh cao.
Mô hình "du đấu kiểu con nhà nghèo" được áp dụng rộng rãi với những tay vợt Việt Nam nuôi tham vọng ra quốc tế. Họ sẵn sàng đến mọi hang cùng ngõ hẻm trên thế giới, không ngại khó khăn gian khổ để cải thiện thứ hạng. Điểm đến của họ có thể là châu Âu, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, hoặc bất cứ đâu có chi phí sinh hoạt tương đối thấp.
Nhưng trong câu chuyện đến Nigeria tranh tài, chi phí mỗi tay vợt phải bỏ ra cũng không hề nhỏ. Theo thông tin từ hãng hàng không Qatar Airways, vé máy bay khứ hồi giữa Việt Nam và Nigeria dao động trong khoảng 1.500-2.000 USD. Ở giai đoạn tỷ giá tăng cao, mỗi tay vợt Việt Nam đến đây đã tiêu mất 45 triệu đồng, chỉ tính riêng tiền vé máy bay.
Bên cạnh khoản tiền đi lại không hề nhỏ, các tay vợt Việt Nam cũng phải chi thêm tiền ăn ở, sinh hoạt trong khoảng 1 tuần ở xứ người. Nguồn tiền này được huy động từ Liên đoàn Cầu lông Việt Nam, Bộ môn Cầu lông (Cục TDTT), đơn vị chủ quản ở địa phương. Trong trường hợp những cơ quan trên không gánh hết kinh phí, VĐV chính là người phải chi trả.
Theo thời gian, các tay vợt Việt Nam dần học cách thích nghi, cũng như chủ động tìm nhà tài trợ đồng hành trong những chuyến du đấu quốc tế. Thùy Linh đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp lớn, và được chọn làm gương mặt đại diện. Còn trong trường hợp của Đức Phát và Hải Đăng, họ phải tìm đến những nhà tài trợ nhỏ hơn.
Trong số những doanh nghiệp đang tài trợ cho Đức Phát, có tên của một CLB cầu lông nhỏ tại TP Hồ Chí Minh. Của ít lòng nhiều, những VĐV như Đức Phát luôn trân trọng những gì mình nhận được. Trên thực tế, cách làm của Đức Phát cũng được nhiều VĐV nước ngoài áp dụng, khi họ ưu tiên ký hợp đồng với những nhãn hàng nhỏ tại địa phương.
Tại Việt Nam, phát triển cầu lông luôn đem lại áp lực rất lớn mỗi lần thi đấu quốc tế. Đây là môn thể thao được ví như Việt Nam "ra ngõ gặp anh hùng". Chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã phải cạnh tranh với những cường quốc như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore.
"Người hâm mộ Việt Nam yêu thích bóng đá, nhưng là bóng đá chiến thắng". Câu nói của HLV Park Hang-seo cũng không hề sai nếu thay từ bóng đá bằng cầu lông. Tại mỗi giải đấu quốc tế, Đức Phát, Hải Đăng, hay thậm chí là Thùy Linh trước đây cũng hiếm khi cập nhật kết quả. Bởi trong mắt khán giả, họ không vô địch cũng có nghĩa là thất bại.