Những chứng nhân lịch sử

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) hào hùng của dân tộc, biết bao người con đất Việt nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã nguyện dấn thân, đem cả thanh xuân cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ chính là những chứng nhân lịch sử, là sợi dây kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại.

Anh hùng LLVTND Trần Kim Xuân tự hào với những Bằng khen, Giấy khen và kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Trà Hương

Anh hùng LLVTND Trần Kim Xuân tự hào với những Bằng khen, Giấy khen và kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Trà Hương

Đảm bảo an toàn cho những tuyến đường

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng LLVTND Trần Kim Xuân - người con của xã Đình Chu (Lập Thạch) là Đại đội trưởng đội phá bom, mìn của Bộ Tư lệnh Công binh. Ông đã chỉ huy đại đội phá thành công hơn 83.000 quả bom, mìn; trong đó, ông trực tiếp xử lý gần 1.500 quả, góp phần đảm bảo an toàn cho những tuyến đường huyết mạch từ Bắc vào Nam.

Ông Xuân cho biết: “Công việc phá bom, mìn luôn đòi hỏi cao độ về trí tuệ, tinh thần và sự kiên trì, cẩn trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tôi và cả đội đã nỗ lực nghiên cứu các cách xử lý, tháo gỡ thành công nhiều loại bom, mìn. Tôi sáng tạo ra nhiều phương pháp mới giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả phá bom, mìn như đào rãnh, nối dây điện, tạo điểm hỏa để làm nổ bom từ xa; dùng dây mây, dây song để ngụy trang, phá bom vướng nổ… nhưng thành công lớn nhất là phá bom từ trường”.

Năm 1968, đế quốc Mỹ sử dụng bom từ trường MODEN2 đánh phá, chặn đường xe chi viện từ Bắc vào Nam của quân ta. Với nguyên lý hoạt động phức tạp và tính công phá lớn nên việc phá bom từ trường MODEN2 rất nguy hiểm, khó khăn.

Khi trực tiếp tiếp cận bom từ trường, ông Xuân phải nhớ lại những thông tin được nghe trước đó và cố gắng tư duy tìm ra cách phá bom an toàn. Cuối cùng, ông quyết định áp dụng phương pháp thủ công, sử dụng xẻng gỗ, vồ gỗ, tô vít chế bằng đồng, cà lê chế bằng nhôm để không gây từ trường kích hoạt bom, sau đó, dùng đột đồng đóng ngược kim đồng hồ tháo đầu nổ điều khiển. Phương pháp này đã vô hiệu hóa đầu kích hoạt của bom, không tạo ra từ trường, giúp việc tháo bom dễ dàng và an toàn”.

Ngay sau đó, Bộ Tư lệnh Công binh đã phổ biến phương pháp này trong toàn quân, giúp phá hàng nghìn quả bom từ trường MODEN2, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân, dân ta trong kháng chiến chống Mỹ. Cuộc đời Anh hùng LLVTND Trần Kim Xuân như một biểu tượng sống động của trí tuệ, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ.

Sự kiên trung của người chiến sĩ cộng sản

Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thái Học (áo nâu) kể về những năm tháng bị địch bắt giam, tra tấn. Ảnh: Trà Hươn

Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thái Học (áo nâu) kể về những năm tháng bị địch bắt giam, tra tấn. Ảnh: Trà Hươn

Nhắc đến cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thái Học, xã Yên Dương (Tam Đảo), người ta không thể không cảm phục trước tinh thần thép và sự kiên trung của người chiến sĩ cách mạng từng bị đày ải tại nhà tù Phú Quốc - nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian”.

Ông Học tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ khi tròn 22 tuổi. Năm 1970, ông bị địch bắt, sau đó, bị giam tại nhà tù Phú Quốc. Tại đây, ông phải chịu những hình thức tra tấn dã man như đóng đinh vào tay chân, bẻ răng, phơi nắng trong “chuồng cọp” kẽm gai hàng tháng trời…

Nhưng, khủng khiếp và ám ảnh nhất là hình thức đóng đinh xuyên qua các bộ phận cơ thể, đến khi vết thương bị hoại tử ăn mòn thân thể làm ông như chết đi sống lại nhiều lần. Mặc dù vậy, tình yêu quê hương và lý tưởng cách mạng là nguồn sức mạnh giúp ông Học một lòng kiên trung với Tổ quốc.

Năm 1973, Hiệp định Paris ký kết, ông là một trong những chiến sĩ cộng sản được trả tự do trong đợt đầu tiên. Đón ông bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), nhiều đồng đội xót xa bởi chàng trai khỏe mạnh nặng hơn 60kg năm xưa, nay chỉ còn da bọc xương, nặng chưa đến 24kg và đôi chân bị tra tấn trở nên teo tóp, không đứng vững…

Đến nay, chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng những dấu ấn lịch sử đau thương vẫn in hằn trên cơ thể của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thái Học. Đó là mảnh đạn ghim trong đầu nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời, là nụ cười móm mém bởi nhiều chiếc răng đã bị địch bẻ, là những phần thịt rúm ró do những trận đóng đinh tra tấn…

Cô giáo Nguyễn Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Dương chia sẻ: “Những lần CCB Nguyễn Thái Học đến trường nói chuyện truyền thống cách mạng, cô và trò nhà trường đều xúc động bởi được một chứng nhân lịch sử kể về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Nhiều vết thương trên cơ thể ông Học giúp chúng tôi cảm nhận được sự kiên trung, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của người lính Cụ Hồ”.

Người liên kết lịch sử

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chén nói chuyện truyền thống cách mạng với học sinh Trường THCS Tam Hồng. Ảnh: Trà Hương

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chén nói chuyện truyền thống cách mạng với học sinh Trường THCS Tam Hồng. Ảnh: Trà Hương

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1967, ông Nguyễn Xuân Chén, người con của thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc) đã xung phong Nam tiến, anh dũng chiến đấu chống Mỹ với vai trò là lính biệt động Sài Gòn. Ông cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng như cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

Sau khi miền Nam giải phóng, ông làm việc tại Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, dù đang đi học tại Học viện Chính trị nhưng ông vẫn gác bút nghiên lên đường bảo vệ biên cương Tổ quốc. Chiến tranh kết thúc, ông tiếp tục học tập, công tác đến năm 1990 về nghỉ hưu và hoạt động đoàn thể tại địa phương.

Với vai trò là một nhân chứng lịch sử, CCB Nguyễn Xuân Chén thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với học sinh của các trường học trên địa bàn thị trấn về lịch sử đấu tranh của dân tộc, của quê hương, góp phần “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ.

CCB Nguyễn Xuân Chén chia sẻ: “Đã nhiều thập kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những năm tháng kháng chiến nếm mật nằm gai và một thời hoa lửa của dân tộc. Tôi tích cực tham gia các buổi nói chuyện về lịch sử tại các hội nghị và trường học, bởi tôi muốn kể lại những trải nghiệm thực tế của mình và đồng đội để̉ giúp thế hệ trẻ hiểu được phần nào thời kỳ lịch sử đau thương nhưng anh dũng của dân tộc và biết trân trọng giá trị của độc lập, tự do, từ đó, khơi dậy niềm tự hào và hun đúc tình yêu quê hương đất nước, khát vọng cống hiến của các thế hệ mai sau…”.

Thời gian có thể xóa nhòa nhiều thứ, nhưng ký ức của những người lính - những chứng nhân lịch sử thì mãi khắc sâu trong dòng chảy dân tộc. Ký ức ấy là hoài niệm, là lẽ sống, là ngọn lửa thắp sáng niềm tin và khát vọng của cả một thế hệ. Khi đất nước hòa bình và phát triển, những câu chuyện của các chiến sĩ cách mạng trở thành tư liệu lịch sử quý báu, luôn nhắc nhở chúng ta về giá trị của độc lập và trách nhiệm giữ gìn, xây dựng non sông.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126574//nhung-chung-nhan-lich-su
Zalo