Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2025
Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại; sửa quy định về chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm; quy định về phí bảo lãnh ngân hàng; tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2025.

Đất nông nghiệp được thí điểm chuyển nhượng làm dự án nhà ở thương mại. (Ảnh minh họa: H.T)
Thí điểm chuyển nhượng đất nông nghiệp làm dự án nhà ở thương mại
Ngày 30/11/2024, Quốc hội ban hành Nghị quyết 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo đó, tại Điều 3 Nghị quyết 171/2024/QH15 nêu rõ, việc thực hiện dự án thí điểm phải đáp ứng các điều kiện sau: Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt.
Phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án nằm trong danh mục các khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị quyết 171/2024/QH15.
Có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh về việc thỏa thuận nhận QSDĐ để thực hiện dự án thí điểm đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 171/2024/QH15.
Tổ chức kinh doanh bất động sản phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với trường hợp sử dụng diện tích đất quốc phòng, đất an ninh đã được quy hoạch đưa ra khỏi đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án thí điểm thì phải đáp ứng các điều kiện trên và có văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng đối với đất quốc phòng, Bộ Công an đối với đất an ninh.
Tổ chức kinh doanh bất động sản thực hiện dự án thí điểm đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên được nhận chuyển QSDĐ, chuyển mục đích sử dụng đất đối với một, một số hoặc các loại đất sau để thực hiện dự án thí điểm: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận QSDĐ.
Nghị quyết 171/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/4/2025 và được thực hiện trong 5 năm.
Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động từ 1/4
Ngày 11/2/2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước khi bị sáp nhập) đã ban hành Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động (LĐ) theo điều kiện LĐ. Theo quy định, có 6 loại điều kiện LĐ, từ loại I đến loại VI. Trong đó, nghề, công việc có điều kiện LĐ được xếp loại I, II, III là nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm. Nghề, công việc có điều kiện LĐ được xếp loại IV là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghề, công việc có điều kiện LĐ được xếp loại V, VI là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Về điều kiện LĐ được đánh giá, xếp loại theo 03 phương pháp:
Phương pháp đánh giá, tính điểm thực hiện theo quy trình: Xác định tên nghề, công việc cần đánh giá, xác định điều kiện LĐ, quy mô lấy mẫu. Sau đó, đánh giá điều kiện LĐ theo hệ thống chỉ tiêu về điều kiện LĐ.
Phương pháp thống kê, kinh nghiệm: Căn cứ vào đặc điểm điều kiện LĐ đặc trưng của mỗi nghề, công việc của Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để xác định loại điều kiện LĐ cho các nghề, công việc được đánh giá.
Phương pháp kết hợp: Kết hợp phương pháp đánh giá, tính điểm với phương pháp thống kê, kinh nghiệm và lấy ý kiến của bộ quản lý ngành lĩnh vực, các chuyên gia, nhà khoa học để tổng hợp kết quả.
Thông tư 03/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1/4.
Sửa quy định về chính sách hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm
Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên (SV) sư phạm. Trong đó, Nghị định 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định 116/2020/NĐ-CP về thu hồi kinh phí hỗ trợ.
Cụ thể, hằng năm, căn cứ vào kết quả rèn luyện, học tập của SV sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo danh sách SV sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học cho UBND cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Đối với SV sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao dự toán thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí, trước ngày 30/12 hằng năm căn cứ vào Giấy xác nhận thời gian công tác trong ngành Giáo dục của SV sư phạm, UBND cấp tỉnh nơi SV thường trú rà soát, theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để SV sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Đối với SV sư phạm được hỗ trợ kinh phí theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để SV sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định.
Nghị định 60/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 20/4 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ 1/4
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, theo đó quy định phí bảo lãnh ngân hàng từ 1/4 như sau:
Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNN) thỏa thuận mức phí bảo lãnh đối với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) và phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh.
Trường hợp thực hiện đồng bảo lãnh, các bên tham gia đồng bảo lãnh thỏa thuận mức phí bảo lãnh cho mỗi bên đồng bảo lãnh.
Trường hợp TCTD, chi nhánh NHNN bảo lãnh cho một nghĩa vụ liên đới thì tổ chức tín dụng, chi nhánh NHNN thỏa thuận với từng khách hàng về mức phí phải trả trên cơ sở nghĩa vụ liên đới tương ứng của mỗi khách hàng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trường hợp đồng tiền bảo lãnh là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí bảo lãnh bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bán của bên bảo lãnh tại thời điểm thu phí hoặc tại thời điểm thông báo thu phí.
Các bên có thể thỏa thuận điều chỉnh mức phí bảo lãnh.
Như vậy, điểm mới của Thông tư 61/2024/TT-NHNN so với Thông tư 11/2022/TT-NHNN về phí bảo lãnh ngân hàng là TCTD, chi nhánh NHNN phải niêm yết công khai mức phí bảo lãnh.