Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 9/2024

Từ tháng 9/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như quy định mới của Chính phủ về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị; quy định về các hành vi bị cấm trong tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; quy định mới về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên…

Quy định mới của Chính phủ về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị. Nghị định số 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024.
Nghị định số 83/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ; Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 1/2/2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 47/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Nghị định số 10/2016/NĐ-CP quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 47/2019/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ gồm: Ban; Văn phòng; Tổ chức sự nghiệp trực thuộc (nếu có).
Về số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị trên, theo quy định mới tại Nghị định số 83/2024/NĐ-CP thì Ban và Văn phòng có từ 15 đến 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá 2 cấp phó; Ban, văn phòng có trên 20 người làm việc là công chức, viên chức thì Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định số lượng cấp phó của từng đơn vị, bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố

Chính phủ ban hành Nghị định 93/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi Nghị định 122/2013/NĐ-CP quy định về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024.

Theo đó, Nghị định mới đã sửa đổi về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

Lợi dụng việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tiết lộ thời gian, địa điểm, nội dung bưu gửi được bóc mở, kiểm tra, niêm phong, tạm giữ theo quy định tại Nghị định này và pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tạo điều kiện, giúp sức, huy động, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản, nguồn tài chính, kinh tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ khác cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; tổ chức, cá nhân thay mặt, chịu sự chi phối, sở hữu, kiểm soát, được ủy quyền hoặc chỉ đạo của tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.

Chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Ngày 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.
Đối tượng được vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú. Điều kiện vay vốn là đối tượng này phải cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, vệ sinh hộ gia đình hoặc có nhưng bị hư hỏng và cần xây mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.
Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/loại công trình/khách hàng trong thời hạn vay tối đa là 5 năm (tức 60 tháng) với lãi suất như sau: Lãi suất cho vay: 9,0%/năm; lãi suất quá hạn: 130% lãi suất cho vay. Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ 2/9/2024.
Quy định mới về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2024/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Theo Nghị định, đối tượng áp dụng là: Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước chưa chuyển đổi thành công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm: Doanh nghiệp do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (công ty nhà nước).

 Một Hội thảo liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Một Hội thảo liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp do công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (công ty con chưa chuyển đổi).

Việc chuyển đổi phải được thực hiện theo các nguyên tắc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất do công ty được chuyển đổi đang quản lý để tổ chức sản xuất kinh doanh theo quy định pháp luật;

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty nhà nước hoặc công ty con chưa chuyển đổi gồm: các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật về đất đai, các nghĩa vụ và trách nhiệm khác…

Thông tư mới quy định tính toán giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BCT ngày 30/7/2024 quy định tính toán giá bán điện bình quân. Thông tư có hiệu lực từ 14/9/2024.

Thông tư 09/2024/TT- BCT hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán giá bán điện bình quân theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Thông tư gồm 3 chương, 15 điều, áp dụng cho EVN và các đơn vị thành viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/chinh-sach-moi/nhung-chinh-sach-noi-bat-co-hieu-luc-trong-thang-9-2024-163843.html
Zalo