Những chính sách kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới giáo dục trong năm 2025

Trong năm 2025, ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều chính sách giáo dục quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc gia.

Dưới đây là một số chính sách và định hướng đáng chú ý sẽ có tác động mạnh tới ngành giáo dục, thúc đẩy giáo dục phát triển.

1. Ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, và trình ban hành chậm nhất trong quý I năm 2025. Chiến lược này sẽ định hướng phát triển giáo dục Việt Nam trong dài hạn, tập trung vào các mục tiêu như chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

 Giáo dục trong năm 2025 sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực khi nhiều chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đi vào áp dụng linh hoạt trong các trường học (ảnh TL).

Giáo dục trong năm 2025 sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực khi nhiều chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đi vào áp dụng linh hoạt trong các trường học (ảnh TL).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia kết luận: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và được xác định rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Đột phá chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với các yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập với tinh thần phát huy tự lực, tự cường, tự tin, tự chủ, tự hào dân tộc; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực và là nguồn lực chủ yếu cho sự phát triển; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trong đó lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

2. Hoàn tất thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018

Đến năm 2025, việc thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 sẽ được hoàn tất. Điều này đánh dấu bước chuyển đổi toàn diện trong phương pháp giảng dạy và học tập, hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, chương trình giáo dục phổ thông mới là một trong những điểm đột phá, điểm mới quan trọng để thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục. Chương trình được soạn theo hướng phát triển năng lực của người học, gia tăng yếu tố thực tiễn, thực hành, trải nghiệm, dành quyền chủ động cao hơn cho các địa phương, cho cơ sở giáo dục, nhà giáo, cho người dạy và cho người học.

3. Thay đổi cách thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thay đổi toàn diện. Thông tư về quy chế thi tốt nghiệp THPT cho thấy việc thi tốt nghiệp THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi thay đổi số môn thi từ 9 môn xuống 4 môn và ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc. Đây là năm đầu tiên môn tin học, công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp. Thí sinh sẽ thi 2 môn toán, văn và 2 môn tự chọn trong số các môn tính điểm của chương trình giáo dục phổ thông mới. Định dạng đề thi thay đổi theo hướng không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phần câu hỏi trắc nghiệm có thêm các hình thức mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.

4. Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025

Nhằm thực hiện hiệu quả các quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương".

Cụ thể, có 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề ra trong Kế hoạch của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trước hết là tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo và các Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi và đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, triển khai rà soát Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học để đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới giáo dục và đào tạo.

5. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Những chính sách và định hướng trên thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-chinh-sach-ky-vong-se-tac-dong-tich-cuc-toi-giao-duc-trong-nam-2025-post328415.html
Zalo