Những 'chiến sĩ hậu phương' (*)
Không có kịch bản rõ ràng cho những người hậu cần chuẩn bị đại lễ 30-4. Việc đến đâu lo đến đó, họ luôn phải sẵn sàng trước mọi thay đổi phút chót.
Trong những ngày cả TP HCM rợp cờ hoa, tưng bừng hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), có một lực lượng đặc biệt, lặng lẽ cống hiến phía sau thành công của chương trình lễ kỷ niệm. Đó là những người làm công tác hậu cần tại Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM.

Hậu cần chuẩn bị quà cho đại biểu tại sân lễ (đường Lê Duẩn) - Ảnh MỸ HẠNH
Không xuất hiện trên sân khấu, không lên sóng truyền hình nhưng công việc của họ lại đóng vai trò then chốt để các hoạt động diễn ra thành công và trang trọng.
Nỗ lực hết sức
Lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay có quy mô lớn cấp quốc gia với nhiều đoàn đại biểu từ trung ương, các tỉnh, thành bạn, cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử…
Do đó, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn, không chỉ ở cấp lãnh đạo, đạo diễn chương trình mà còn cả ở người làm công tác hậu cần. Phần lớn công việc này được giao cho đội ngũ công chức ngành văn hóa của thành phố.
Để phục vụ đại lễ, hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã gần như "dọn nhà" về cơ quan "cắm chốt".
Phòng họp biến thành phòng làm thư mời, làm thẻ, kiểm kê và đóng gói quà tặng. Gối chăn kê tạm dưới bàn làm việc, cơm tập thể chung một món đã thành nếp sinh hoạt.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là chuỗi ngày liên tục, tỉ mỉ và không có chỗ cho sai sót.
Từ việc rà soát, lập danh sách đại biểu, in thư mời, dán phong bì, ghi tay tên người nhận đến việc chuẩn bị những phần quà tặng mang tính biểu trưng. Tất cả đều phải chu đáo, cẩn trọng đến từng chi tiết.

Công chức Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM chuẩn bị thư mời và thẻ đại biểu - Ảnh MÀU VÀNG
10 ngày trước lễ, đèn ở tầng 1 trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao vẫn sáng đến 2 – 3 giờ sáng để kịp hoàn thành hàng trăm thư mời đúng thời gian.
Không có kịch bản rõ ràng cho những người hậu cần. Việc đến đâu lo đến đó và luôn phải sẵn sàng trước mọi thay đổi phút chót.
"Tôi chỉ vừa chợp mắt được khoảng một tiếng rưỡi thì điện thoại báo có thay đổi danh sách đại biểu. Lại bật dậy, chỉnh sửa, in lại, rà lại từng dòng…" – chị Thụy My, chuyên viên Văn phòng Sở, giọng khàn đặc vừa rót vội ly nước, vừa kể lại những đêm không ngủ trong cao điểm chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm.
Tâm thế tự hào
Tất tả ngược xuôi nhưng họ cho biết thấy rất vui vì những việc làm có ích, tự hào vì được góp phần để sự kiện trọng đại này được trọn vẹn.
Mỗi người một việc, có khi kiêm nhiều việc, tất cả cùng chung một tinh thần. Đó là không để sót một chi tiết nào làm ảnh hưởng đến sự long trọng của buổi lễ.

Tất bật những ngày cuối chuẩn bị cho Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh MỸ HẠNH
Những ngày ấy, mỗi lần lướt qua nhau, họ hỏi nhau rằng mệt không rồi động viên nhau cố lên. Mỗi ngày, lãnh đạo Ban Giám đốc lại ghé thăm anh em làm việc đến đâu, nhắc nhở Văn phòng lo thêm nước uống, cơm trưa cho anh em.
Giám đốc Sở thì nhắn nhủ đến từng công chức: "Trân trọng và xúc động về những nỗ lực, cống hiến, đóng góp của mọi người. Mong anh chị em khắc phục khó khăn, giữ gìn sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ thầm lặng mà thật ý nghĩa"
Tin chắc rằng những ngày qua, đội ngũ công chức ngành văn hóa của thành phố không tìm kiếm sự ghi nhận, họ âm thầm, tận tụy để góp phần viết nên sự chỉn chu, trọng thị và đầy cảm xúc cho một sự kiện thiêng liêng mà đất nước,tThành phố và nhân dân sẽ còn nhắc đến nhiều năm sau.
50 năm giải phóng – một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc – và với công chức, viên chức, người lao động ngành văn hóa và thể thao thành phố, đó cũng là một dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp công vụ.
(*) Ghi chép từ "hậu trường" Lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).