Những chiến sĩ của 'Tiểu đội giáo phái' ngày ấy

Báo Vĩnh Trà, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Cửu Long số Xuân Đinh Tỵ 1977, có đăng bài viết của tác giả Trần Điền tựa đề 'Trưởng thành từ Tiểu đội giáo phái'.

Bia truyền thống Tiểu đoàn 501, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh. Ảnh: TRẦN ĐIỀN

Bia truyền thống Tiểu đoàn 501, tọa lạc tại Phường 8, thành phố Trà Vinh. Ảnh: TRẦN ĐIỀN

Báo Vĩnh Trà, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Cửu Long số Xuân Đinh Tỵ 1977, có đăng bài viết của tác giả Trần Điền tựa đề “Trưởng thành từ Tiểu đội giáo phái”.

Sách “Những chặng đường vẻ vang của Tiểu đoàn 501 anh hùng 1959 - 1975”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2005, cho biết: “Tiểu đội giáo phái” là tên ngụy trang của trung đội vũ trang đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ, được Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo bí mật thành lập ngày 15/4/1959 tại căn cứ kháng chiến ấp La Ghi, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải. Nhiệm vụ của “Tiểu đội giáo phái” là diệt ác, phá kềm, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy làm cuộc Đồng khởi 14/9/1960 tại địa phương.

Lúc mới thành lập “Tiểu đội giáo phái” có 29 chiến sĩ - là những người đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó. Đồng chí Giáp Văn Đáng (Tư Thái) được Tỉnh đội Trà Vinh chỉ định giữ chức Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Công (Mười Lạc) được Tỉnh đội Trà Vinh chỉ định giữ chức Trung đội phó của “Tiểu đội giáo phái”. Tất cả 29 chiến sĩ “Tiểu đội giáo phái” được thay tên để khi gọi nhau vừa đảm bảo bí mật, vừa nghe thành một khẩu hiệu hành động cách mạng thiết thực lúc bấy giờ. Đơn vị được chia thành 02 tiểu đội và 02 tổ gồm:

Tiểu đội 1 có 10 chiến sĩ, với tên ngụy trang lần lượt là: Quyết - Tâm - Chiến - Đấu -Thực - Hiện - Dân - Cày - Có - Ruộng.

Tiểu đội 2 có 10 chiến sĩ, với tên ngụy trang lần lượt là: Tích - Cực - Tiến - Lên - Xây - Dựng - Xã - Hội - Chủ - Nghĩa.

Tổ Trinh sát có 5 chiến sĩ, với tên ngụy trang lần lượt là: Phải - Sanh - Tử - Bất - Ly.

Tổ Quân y có 4 chiến sĩ, với tên ngụy trang lần lượt là: Tận - Tụy - Phục - Vụ.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Long lúc bấy giờ phân công Phó Bí thư Tỉnh ủy Tăng Hồng Phúc (Sáu Đức) và Tỉnh ủy viên, cán bộ quân sự tỉnh Phan Quốc Hùng (có tài liệu ghi Phan Thành Triệu) - Sáu Hoàng, trực tiếp chỉ huy đơn vị.

Vừa đánh địch lấy vũ khí tự trang bị, vừa chiêu mộ tân binh xây dựng lực lượng, tháng 11/1961, tại vùng ven biển ấp Hồ Thùng, xã Trường Long Hòa (nay xã Đông Hải), huyện Duyên Hải, “Tiểu đội giáo phái” ngày ấy đã chính thức thay tên: Đại đội 501, quân số 75 đồng chí. Ngày 25/6/1964, tại ấp Mới (ấp Cồn Ông), xã Trường Long Hòa, Đại đội 501 được Ban Chỉ huy Tỉnh đội Trà Vinh công khai tuyên bố thành lập Tiểu đoàn Bộ binh 501 gồm 03 Đại đội Bộ binh: 501A, 501B và 511. Ban Chỉ huy đầu tiên Tiểu đoàn Bộ binh 501 có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa (Hai Thành Công - Tiểu đoàn trưởng), Lê Văn Đẹt (Bảy Hiện - Chính trị viên), Trần Văn Hồng (Tham mưu trưởng), Thạch Phan Suôl (Sáu Ly), Trần Văn Hoằn (Ba Nghĩa), Nguyễn Văn Đặng - Tiểu đoàn phó.

16 tuổi quân (1959 - 1975), qua gần 6.000 ngày đêm đọ sức với quân thù, vừa xây dựng vừa chiến đấu và trưởng thành, có 1.050 tân binh tình nguyện gia nhập đơn vị. Từ trận đánh “thực tập” đầu tiên vào công trường xây dựng sân máy bay Long Toàn (tháng 7/1959), đến trận đối đầu với lữ đoàn 2 bộ binh Mỹ có 100 tàu chiến, hơn 100 máy bay các loại và hơn 50 khẩu đại bác hạng nặng yểm trợ tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (tháng 7/1968) - Lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ của Mỹ quân số khoảng 4.500 binh sĩ có khả năng triển khai đến bất kì đâu trên thế giới trong vòng 18 giờ. (Theo thông tin về “Lục quân Hoa Kỳ” trên Wikippedia Tiếng Việt) và trận đánh chiếm Dinh Tỉnh trưởng Trà Vinh lần thứ hai sáng ngày 30/4/1975…đơn vị đã lập nên những chiến công vẻ vang. Tổng số quân địch bị đơn vị loại khỏi vòng chiến đấu trong 16 năm, gắp 30 lần quân số của tiểu đoàn. Năm 1976, Tiểu đoàn 501 được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 1989, Tiểu đoàn Bộ binh 501, một lần nữa được Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vì đã có chiến công xuất sắc trong công tác làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.

Trong không khí quân và dân cả nước ta kỷ niệm trong thể 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), mời bạn cùng tôi “diện kiến” một số trong 29 chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn Bộ binh 501 trong những ngày đầu khai sinh mang tên “Tiểu đội giáo phái”, lẫm liệt ấy.

1. Đồng chí Bảy Hiện, chiến sĩ Tiểu đội 1, (Quyết - Tâm - Chiến - Đấu -Thực - Hiện - Dân - Cày - Có - Ruộng), có họ, tên đầy đủ: liệt sĩ Lê Văn Đẹt, sinh năm 1933, quê quán ấp Long Điền, xã Long, Toàn thị xã Duyên Hải. Đồng chí Lê Văn Đẹt hy sinh vào ngày 29/9/1968 đang lúc giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn bộ binh 501, chỉ huy đơn vị chống địch càn quét đánh phá vùng giải phóng tại ấp Gò Cà, xã Nhị Long, huyện Càng Long. Năm 2014, đồng chí Lê Văn Đẹt được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Đồng chí Út Ruộng, chiến sĩ Tiểu đội 1 (Quyết - Tâm - Chiến - Đấu -Thực - Hiện - Dân - Cày - Có -Ruộng), có họ tên đầy đủ: liệt sĩ Nguyễn Văn Cống, sinh năm 1932, quê quán ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang. Năm 1961, Tỉnh đội Trà Vinh thành lập Đại đội đặc công 513, đồng chí Nguyễn Văn Cống được điều động sang Đại đội đặc công 513 huấn luyện tân binh. Đồng chí Nguyễn Văn Cống hy sinh vào ngày 30/5/1963, lúc đang giữ chức Đại đội trưởng, chỉ huy Đại đội đặc công 513 đánh tiêu diệt căn cứ quân sự địch tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Năm 1994, đồng chí Nguyễn Văn Cống được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Xem thêm: “Người anh cả bộ đội đặc công Trà Vinh” - Châu Xuân Thiện - Báo Cần Thơ ngày 22/12/2007”.

3. Đồng chí Tám Xã, chiến sĩ Tiểu đội 2, (Tích - Cực - Tiến - Lên - Xây - Dựng - - Hội - Chủ - Nghĩa), có họ, tên khai sinh Trần Văn Lực (có tài liệu ghi Trần Tấn Xã), sinh năm 1933, quê quán xã Ngãi Xuyên (nay thị trấn Trà Cú), huyện Trà Cú. Sau ngày chiến tranh kết thúc, đồng chí Trần Văn Lực làm công tác Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Trà Cú. Ngày 23/5/2009, đồng chí Trần Văn Lực qua đời tại quê nhà.

4. Đồng chí Chín Hội, chiến sĩ Tiểu đội 2, (Tích - Cực - Tiến - Lên - Xây - Dựng - Xã - Hội - Chủ - Nghĩa), có họ, tên khai sinh Ngô Văn Siếu (theo “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Trà Cú 1945 - 2015” - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật - Hà Nội 2019 - trang 127), sau đó đồng chí đổi tên lại thành Lê Xã Hội, sinh năm 1938 (có tài liệu ghi năm 1937), quê quán xã Long Hiệp (nay xã Ngọc Biên) huyện Trà Cú. Năm 1989, đồng chí Lê Xã Hội được Đảng, Nhà nước và Quân đội phong quân hàm Thiếu tướng, đề bạt giữ chức Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9. Năm 1997, Thiếu tướng Lê Xã Hội nghỉ hưu, sinh sống tại phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ngày 26/7/2012, Thiếu tướng Lê Xã Hội được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

5. Đồng chí Sáu Ly, chiến sĩ Tổ Trinh sát (Phải, Sinh, Tử, Bất, Ly), có họ tên khai sinh Cao Văn Thái (tên khác Thạch Phan Suôl), sinh năm 1932, quê quán xã Đại An, huyện Trà Cú. Từ tháng 12/1968, đồng chí Thạch Phan Suôl được đề bạt giữ chức Tỉnh đội phó Tỉnh đội Trà Vinh. Đồng chí Thạch Phan Suôl được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh giai đoạn 1969 - 1973. Năm 1976, đồng chí Thạch Phan Suôl được phong quân hàm Thiếu tá, được đề bạt giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh. Do sức khỏe yếu, đồng chí Thạch Phan Suôl nghỉ hưu năm 44 tuổi.

6. Đồng chí Hai Tận, chiến sĩ Tổ Quân Y (Tận, Tụy, Phục, Vụ) có họ tên khai sinh Trần Văn Tời (1922 - 2021), quê quán ấp 14, xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải. Đồng đội cùng thời ví ông như “viên gạch đầu tiên” xây dựng ngành Quân y lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh

7. Đồng chí Ba Tụy, chiến sĩ Tổ Quân Y (Tận, Tụy, Phục, Vụ), có họ tên khai sinh Liêu Tử Xuyên (1930), người Việt gốc Hoa, sinh quán xã Tân Trung, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre, đồng chí Ba Tụy có vợ là bà Trần Thị Lùng (1949) hiện đang sinh sống tại ấp Kinh (có tài liệu ghi ấp Te Te), xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần).

8. Đồng chí Năm Vụ, chiến sĩ Tổ Quân Y (Tận, Tụy, Phục, Vụ), có họ, tên khai sinh Huỳnh Kim Anh (1935 - 1997), quê quán ấp Bà Nhì, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải. Năm 1972, từ chiến sĩ Tổ Quân y, đồng chí Huỳnh Kim Anh được Tỉnh đội đào tạo thành bác sĩ quân y của Tiểu đoàn 501. Ngày 22/10/2010, bác sĩ quân y Huỳnh Kim Anh (Năm Vụ), người chiến sĩ thứ tư trong Tổ Quân Y mang tên “Tận, Tụy, Phục, Vụ” của “Tiểu đội giáo phái” ngày ấy vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (Xem thêm “Người thầy thuốc anh hùng của Tổ Quân y mang tên: Tận, Tụy, Phục, Vụ - Báo Trà Vinh, ngày 26/02/2024).

65 năm (1959 - 2024), Tiểu đoàn Bộ binh 501 có chặng đường dài xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, danh tính 29 chiến sĩ đầu tiên được mang tên ngụy trang: “Tiểu đội giáo phái” ngày ấy vẫn ghi tạc trang nghiêm trong nhà truyền thống của Tiểu đoàn Bộ binh 501, các đồng chí đã góp phần làm rạng danh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tháng 12/2024TRẦN VĂN ĐIỀN(biên khảo)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/nhung-chien-si-cua-tieu-doi-giao-phai-ngay-ay-42238.html
Zalo