Những chiến sĩ biệt động kiên cường

(Báo Quảng Ngãi)- Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở tuổi thiếu niên, nhiều cô bé, cậu bé đã mưu trí, dũng cảm trở thành những chiến sĩ biệt động. Họ giả dạng làm người đi bán rau, đánh giày, giúp việc... để tham gia truyền tin, chuyển vũ khí, tài liệu cho cơ sở cách mạng tại TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi).

Chiến đấu giữa lòng địch, Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi (Thị đội Quảng Ngãi) đã mưu trí, dũng cảm, thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: Nêu cao tinh thần quyết chiến, lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lập nên những chiến công vang dội.

Tuổi nhỏ, chí lớn

“Biệt động là một lực lượng đặc biệt, vì chiến đấu trong lòng địch. Chiến sĩ biệt động ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. Mạng lưới của biệt động rộng khắp, song hết sức bí mật, làm nên những trận đánh ngay giữa lòng địch, khiến chúng tổn thất, hoang mang, tìm mọi cách tiêu diệt nhưng thất bại”, bà Phạm Thị Hồng Lệ (74 tuổi), nguyên trợ lý Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi, kể trong niềm tự hào.

Khi vừa tròn 16 tuổi, cô gái Phạm Thị Hồng Lệ xếp bút nghiêng đi bộ đội. Năm 1970, khi vừa tròn 19 tuổi, nữ chiến sĩ cách mạng xinh đẹp, nhanh nhẹn, mưu trí Phạm Thị Hồng Lệ được điều động về Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi. Hoạt động giữa lòng địch, nữ chiến sĩ biệt động Hồng Lệ đã cải trang thành người giúp việc để qua mắt địch. Nữ chiến sĩ này vừa mưu trí nắm tình hình địch, vừa xây dựng cơ sở cách mạng và dẫn dắt nhiều thiếu niên tham gia hoạt động cách mạng.

Bà Phạm Thị Hồng Lệ (bên trái) thường xuyên đến thăm đồng đội của mình là bà Nguyễn Thị Kim Phượng, người từng được bà dìu dắt vào Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi năm xưa.

Bà Phạm Thị Hồng Lệ (bên trái) thường xuyên đến thăm đồng đội của mình là bà Nguyễn Thị Kim Phượng, người từng được bà dìu dắt vào Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi năm xưa.

Năm 1972, khi mới 12 tuổi, cô bé Nguyễn Thị Kim Phượng, quê ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) tham gia lực lượng biệt động với sự dìu dắt của nữ chiến sĩ biệt động Phạm Thị Hồng Lệ. Chứng kiến nhiều người thân của mình lần lượt bị thương, mất đi do bom đạn chiến tranh, Phượng hun đúc trong lòng quyết tâm đánh giặc. Khi đó, Phượng là một trong những chiến sĩ nhỏ tuổi nhất của Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi. “Nhiệm vụ chủ yếu của tôi lúc đó là làm giao liên. Tôi đưa thư, truyền tin của Thị đội Quảng Ngãi - lúc đó đóng tại xã Nghĩa Thắng cho lực lượng biệt động nằm vùng tại TX.Quảng Ngãi. Để che mắt địch, tôi thường giả làm người bán rau. Thư từ cấp trên giao phó, khi thì tôi giấu trong quai nón, đòn gánh, khi thì lận trong lưng quần rồi cứ thế, tùy tình hình mà ứng biến. Về sau, khi dày dạn kinh nghiệm, tôi được cấp trên tin tưởng, giao cho nhiệm vụ gánh lựu đạn, thuốc nổ TNT từ Nghĩa Thắng xuống TX.Quảng Ngãi. Ngày ấy, quân địch không thể ngờ, trong những quả bầu, quả mít lại có kíp nổ, thuốc nổ được ngụy trang tài tình”, bà Phượng bồi hồi nhớ lại.

Năm 1973, khi mới 11 tuổi, cậu bé Võ Minh Tuấn, quê ở xã Bình Châu (Bình Sơn), lúc đó đang làm giúp việc cho một quán phở ở TX.Quảng Ngãi đã quyết tâm nối gót anh trai mình là Võ Minh Kỳ hăng hái tham gia lực lượng biệt động. “Tham gia lực lượng biệt động, hai anh em tôi được phân công hoạt động trong nội thành, nhưng khác tổ. Tôi giả làm người đánh giày, chuyên lân la đến các tụ điểm vui chơi, ăn uống mà quân địch thường lui tới để nghe ngóng, dò la tin tức, nắm quân số, thói quen của địch, để báo lại cho cấp trên. Hoạt động trong lòng địch, ngày nắng cũng như mưa, chúng tôi coi chợ, vỉa hè là nhà, theo đúng nghĩa của những cậu bé nghèo khổ, sống nhờ vào nghề đánh giày. Có như thế, mới qua mắt địch”, ông Tuấn kể.

Mưu trí lập nhiều chiến công

Mùa hè năm 1972, Khu tiền chế của quân ngụy ở khu vực ngã 3 Thu Lộ (phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi hiện nay) bị rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ lớn. Quân địch hoảng loạn, hoang mang tột độ khi nhiều binh lính bị tiêu diệt và bị thương ngay giữa lòng TX.Quảng Ngãi - nơi vẫn đang là sào huyệt của địch tại Quảng Ngãi.

Bà Lương Thị Hồng Vân vẫn còn giữ tờ quyết định điều chuyển bà từ Xã đội Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) về Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi vào ngày 4/4/1972.

Bà Lương Thị Hồng Vân vẫn còn giữ tờ quyết định điều chuyển bà từ Xã đội Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) về Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi vào ngày 4/4/1972.

“Quân địch không thể ngờ, những người làm nên vụ nổ rúng động ấy, tuổi đời chỉ mới mười mấy, đôi mươi. Với phương châm nắm chắc để đánh chắc, thắng chắc, chúng tôi đã tỏa lực lượng, giả dạng làm người đánh giày, bán cà rem lân la gần khu tiền chế của địch hơn một tháng trời để nắm lịch trình, quân số của địch. Khi thời cơ chín muồi, hai tổ biệt động với 6 thành viên đã gắn thành công nhiều quả mìn hẹn giờ vào tận sào huyệt địch, tiêu diệt ngay tại chỗ 3 tên địch và khiến hàng chục tên khác bị thương nặng. Sau vụ nổ, hai tổ biệt động của ta rút lui trong an toàn”, bà Lương Thị Hồng Vân (76 tuổi), ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nguyên trợ lý Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi, người trực tiếp tham gia trận đánh, kể lại.

Là lực lượng hoạt động trong lòng địch, bằng sự mưu trí, dũng cảm, Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi đã làm tiêu hao sinh lực địch từ bên trong, khiến quân thù nhiều phen hoảng loạn. Hơn 1 năm kể từ khi tham gia lực lượng biệt động, vào một đêm tháng 4/1974, lợi dụng đêm tối, Võ Minh Tuấn - chiến sĩ biệt động nhỏ tuổi nhất của Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi ngày ấy đã dũng cảm dùng lựu đạn tiêu diệt tại chỗ một tên địch và làm một tên khác bị thương nặng, ngay gần đồn bốt địch, tại ngã ba đường Quang Trung - Trần Hưng Đạo ngày nay. “Quân địch không thể ngờ, người quăng lựu đạn tiêu diệt chúng lại chính là người vừa đánh giày cho chúng tại một quán ăn trên đường Võ Tánh (đường Nguyễn Nghiêm ngày nay), vào sáng cùng ngày. Ngày ấy, dẫu nhỏ tuổi, nhưng tôi cùng đồng đội luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Tuấn dõng dạc kể.

Can trường chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, ông Võ Minh Tuấn trở thành thương binh 1/4 khi mới tròn 12 tuổi. Anh trai của ông là Võ Minh Kỳ cũng trở thành thương binh 2/4, ở độ tuổi thiếu niên. Ly hương và lập nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng đã mấy mươi năm, nhưng đều đặn 5 năm một lần, ông Tuấn khăn gói trở về Quảng Ngãi để thăm đồng đội năm xưa. Theo thời gian, tóc của người chiến sĩ biệt động trẻ tuổi nhất của đội biệt động ngày ấy giờ đã chuyển hoa râm, nhưng trong danh bạ điện thoại của bà Lương Thị Hồng Vân, nguyên trợ lý Đội Biệt động TX.Quảng Ngãi, số điện thoại của ông Tuấn vẫn được bà lưu bằng cái tên thân thương là “Em bé”.

“Ngày ấy, chúng tôi không chỉ là đồng đội, mà còn là một gia đình. Tuấn nhỏ nhất đội, nên được các anh chị em trong đội đặt là em bé. Bây giờ, dẫu em đã ngoài 60, còn tôi cũng sắp bước sang 80 tuổi, nhưng những năm tháng cùng vào sinh ra tử, tình đồng chí, tình thân năm xưa vẫn không thể nào phôi phai. Tôi vẫn gọi Tuấn là em bé; còn em, dẫu cuộc sống còn bộn bề khó khăn, nhưng luôn hướng lòng về với quê hương, về với đồng đội tại Quảng Ngãi”, bà Vân rưng rưng nói.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202504/nhung-chien-si-biet-dong-kien-cuong-e6f0328/
Zalo