Những 'chiến sĩ áo cam' xung kích trên công trường đường dây mạch 3
Đường dây 500kV mạch 3 đang trong những ngày nước rút để kịp hoàn thành trong tháng 7. Nhưng ngay từ tháng 5, khí thế sục sôi thi công trên công trường đường dây mạch 3 đã thúc giục những 'chiến sĩ áo cam' xung phong 'lên tuyến đầu', bất chấp thời tiết vô cùng cực đoan ở miền Bắc và miền Trung giai đoạn mùa hè nóng như đổ lửa…
Nỗ lực xung phong ra tuyến đầu…
Trong hàng ngàn kỹ sư công nhân xung phong tăng cường cho công trình đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối có những câu chuyện thật sự cảm động, bùi ngùi.
Đó là câu chuyện của người lính áo cam Phạm Văn Hùng - Đội quản lý điện 5, Công ty Điện lực Đông Anh (Tổng Công ty Điện lực Hà Nội). Khi biết mình không có tên trong danh sách tăng cường (dù là thợ giỏi của Tổng Công ty), anh Hùng nghĩ có lẽ do cơ quan lo lắng vì hoàn cảnh gia đình (mẹ đang bị bệnh, 2 con còn nhỏ) có thể khiến anh không thể tập trung cho công việc. Nhưng với nhiệt huyết, lòng yêu nghề cùng với sự động viên của người vợ, anh đã viết đơn xung phong xin được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để được tham gia hỗ trợ công trình đường dây 500kV mạch 3.
Đó còn là câu chuyện của “người lính già” Trần Khương Tâm, 54 tuổi ở Đội quản lý vận hành lưới điện (Điện lực Thừa Thiên Huế) - người có mặt trên công trường của 2 đường dây 500kV huyết mạch quốc gia. Lần đầu tiên, cách đây khoảng 30 năm, khi vừa tốt nghiệp ra trường được phân bổ về Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, “người lính già” đã ngay lập tức được góp mặt ở đường dây mạch 1, cung đoạn Pleiku - Hà Tĩnh. Và năm nay, khi đã ở vào độ tuổi khá cao với người thợ điện lại không nằm trong đối tượng xét tuyển lên đường, ông vẫn xung phong ra Hà Tĩnh tiếp tục mong đóng góp chút công sức của mình cho lưới điện quốc gia…
Lên công trường bất chấp thời tiết…
Dưới thời tiết thất thường, khi nắng như đổ lửa, khi mưa tầm tã không thấy mặt người nhưng những “chiến sĩ áo cam” xung kích vẫn đều đặn lên công trường tại các vị trí được phân công “chi viện”, để bắt đầu chặng nước rút cuối cùng cho công trình đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 5h sáng, nắng nóng sẽ nghỉ trưa lúc 11h, chiều làm từ 13h đến 19h mới nghỉ.
Có những vị trí không có phương tiện nào vào được, họ phải lên đường từ 4h sáng để 6h sáng đến công trường, vào việc và kết thúc ngày làm việc lúc 5h30 để lại cuốc bộ trở lại chỗ ăn nghỉ. Thậm chí, có những vị trí phải khiêng từng vật tư thiết bị đến công trường. Những cột điện nặng hàng trăm tấn, những cuốn dây hàng tấn… đều phải dùng sức người để vận chuyển đến các vị trí móng cọc.
Anh Nguyễn Văn Hoàn - công nhân Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Tĩnh được tăng cường cho vị trí thuộc xã miền núi Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) chia sẻ, vị trí mà đội xung kích của anh Hoàn nhận nhiệm vụ là cột néo cho khoảng vượt giữa 2 quả đồi tầm 1.000 mét; chiều cao cột 78m, nặng gần 200 tấn. Đội xung kích của anh đã từng đi qua những đoạn địa hình hiểm trở, nhiều cung đoạn đèo dốc dựng đứng, đá dăm, đá cuội phủ kín mặt đường. Mỗi bước đi đều phải cẩn trọng từng chút một, tất cả tâm trí, sức lực đều dồn hết xuống đôi chân, bởi chỉ một chút sơ suất nhỏ, một thoáng thiếu tập trung có thể khiến anh em trượt chân ngã ngay xuống vực…
Nhiều hôm thời tiết thất thường, có những lúc trời đang nắng gắt bất chợt đổ mưa giông, anh em ướt hết nhưng vẫn kiên trì bám cột. Mồ hôi lẫn với nước mưa, kèm theo hơi đất bốc lên khiến anh em mệt nhoài khi phải vác trên vai hàng trăm thanh sắt to, dài nặng trĩu…
Ông Phạm Văn Nguyên - Phó Giám đốc Truyền tải điện Tây Bắc chia sẻ, trên cung đoạn đường dây 500kV mạch 3, với khối lượng công việc khổng lồ nhưng tiến độ được giao chỉ trong vòng 9 tháng, địa hình phức tạp, không có địa điểm nào thuận lợi. Nhưng điều thuận lợi cơ bản nhất và lớn nhất là cả ngành điện đồng lòng cùng với quyết tâm sát sao của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương mà đường dây đi qua…