Những chiêm nghiệm lạ lùng của một lữ khách
'Vết thời gian' là cuốn hồi ký bằng thơ của tác giả Dương Lữ Yên, một nhà giáo gắn bó với Toán học nhưng mang tâm hồn thi ca.
Đi tìm bình yên chốn đô thành náo nhiệt
Tự chọn đã là dị biệt
(Sài Gòn nắng)
Người ta biết đến Dương Lữ Yên (sinh năm 1966) với vai trò là một nhà giáo nhiều hơn là một người cầm bút. Trước đây, Dương Lữ Yên từng tham gia viết một số sách tham khảo trong lĩnh vực toán học dưới tên thật Dương Bình Luyện. Nhưng kể từ khi dấn thân sang lĩnh vực thi ca, anh đã đưa độc giả từ bất ngờ ngày sang đến bất ngờ khác.
Có lẽ sau một thời gian đủ dài, có cơ hội đi lại nhiều nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc, cộng với một tâm hồn lãng mạng, Dương Lữ Yên đã “rút ruột” để cho ra đời Vết thời gian (NXB Hội Nhà Văn, tháng 12/2024), một tác phẩm nhận được sự đánh giá cao của bạn đọc.
Thơ Dương Lữ Yên phản ánh hiện thực qua con mắt của một lữ khách đa sầu đa cảm. Với Dương Lữ Yên, mỗi khi đến một nơi mới, anh đều quan sát, cảm nhận rồi cẩn thận ghi chép lại những cảm xúc của mình qua những vần thơ. Nhân vật trong thơ anh rất đa dạng. Đó có thể là một cô giáo, một chị công nhân quét rác, một em sinh viên hay một thực thể tự nhiên hùng vĩ.
Chiều nay ra tới biển Đông
Tan vào mênh mông sóng nước
Đôi bờ lau sậy Đà Rằng
Tự tôi đã thành ký ức
(Con sông lau sậy - Đà Rằng)
Xuyên suốt trong tập thơ Vết thời gian là những trải nghiệm sống động của một nhà giáo có tâm hồn thi sĩ. Đó là những đồng cảm, chia sẻ những mảnh đời mà anh từng gặp gỡ trên con đường lữ hành.
Cô giáo Sơn Nguyên có về trước tối?
Mưa lạnh đường rừng gió núi
Em về ai đón ai đưa?
Đêm một mình gặm nhấm ngày xưa
Góc thị trấn xạc xào lá đổ
(Một đêm Củng Sơn)
Cũng có khi đó là những miền ký ức đột ngột trỗi dậy khi anh có dịp về chốn cũ.
Bên kia O'Yadaw
Bên kia chốt Bờ Y
Cao Miên, Ai Lao đó
Bạn tôi cỏ xanh rì
Nhớ Kon Tum lộng gió
Hồn chiều mơ cỏ thi
(Tây Nguyên)
Với đa dạng các thể thơ, từ lục bát đến ngũ ngôn rồi đến thể thơ tự do, Dương Lữ Yên đã ghi lại những nơi mình đã đi qua với những tâm tình thổn thức.
Cà phê xuân nở trắng
Cao su ngút ngàn trưa
Quốc lộ, đường nối thẳng
Thông Chư Sê kiêu hãnh
Phố Cheo Reo giao mùa
(Tây Nguyên)
Hay:
Một chút Kon Tum nhớ cả tuần
Tôi về xứ biển nhớ em hung
Đak Bla nước chảy ngược biên giới
Yêu thương sao gửi được về đông
(Một chút Kon Tum)
Đâu đó, ta vẫn bắt gặp một Dương Lữ Yên rất đương đại với những vấn đề đang diễn ra sờ sờ trước mắt.
Thương bạn grab
Tội chị hàng rong
Nắng nung chia đều khó nhọc
Cảm thông cháu sinh viên
Chia sẻ chị công nhân
Đêm ngủ vùi nóng nực
(Sài Gòn nắng)
Lấn sân qua thi ca không phải là một việc dễ, nhất là trong giai đoạn “lạm phát đầu sách” như những năm gần đây. Dương Lữ Yên xem thi ca là một trải nghiệm độc đáo trên chặng đường lữ hành của mình. Anh nghiêm túc với tác phẩm của mình, từ nội dung cho đến hình thức. Tác phẩm được chia làm hai phần Bụi đỏ và Suy cảm, với 32 thi phẩm, được trình bày bắt mắt, dễ nhìn trong khổ sách 13x20.5 cm.
So với khoảng một thập niên trước, việc xuất bản sách đã dễ dàng hơn rất nhiều, góp phần làm cho thị trường sách ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến sự hời hợt trong khâu sáng tác lẫn gia công các ấn bản phẩm, khiến nhiều tác phẩm bị lỗi từ cả nội dung đến hình thức. Giữa một rừng tác phẩm như hiện nay, sự xuất hiện nghiêm túc của Vết thời gian là một điều đáng trân quý.
Có thể nói, Vết thời gian là một cuốn hồi ký bằng thơ của tác giả Dương Lữ Yên.