Những chiếc xe gồng gánh xuân về

Đó là thứ thanh âm chỉ xuất hiện khi chạp thủng thẳng về, gõ lên má vài cơn gió lạnh se sẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiều nay, tôi bỗng thấy xuân về trên những chiếc xe. Đó là mấy chiếc xe thồ hàng với màu sơn bong tróc vết thời gian, gắn cái loa nhỏ kề bên tay lái. Vài cô chú ngồi trên xe mặt trùm khăn kín mít, chỉ lộ mỗi đôi mắt. Những đôi mắt từ lâu đã không còn trong veo như bọn trẻ con, nhưng long lanh hệt như muốn đong thêm ước vọng. Những ước vọng về một cái tết đủ đầy.

Tôi tựa cửa trông ra, ngoài đường là vài bóng xe lác đác. Tiếng rao vọng ra từ chiếc loa thu sẵn, khiến không khí xóm thôn chộn rộn hẳn lên. Đó là thứ thanh âm chỉ xuất hiện khi chạp thủng thẳng ghé, gõ lên má vài cơn gió lạnh se sẽ. Mấy đứa trẻ từ nhà ùa ra, chạy với theo để ngó xe hàng. Cũng có vài đoạn đường làng, hai ba chú chó giữ nhà quyện tiếng sủa vào lời rao nghe vui tai tới lạ. Mỗi chiếc xe chở sau yên là một thứ đồ: “Nhang trầm đây”, “Ai dây lạt gói bánh”, “Cúc giống, vạn thọ giống đây”... Cũng có khi là vài dụng cụ chà nhám, làm sạch bộ lư đồng trên mấy bàn thờ gia tiên. Hình như thứ gì tết cần, họ đều có.

Chiếc xe chạy chậm dưới đường. Mỗi khi có tiếng gọi, họ liền tấp vào lề hoặc sân nhà nào đấy.

Nhớ những ngày tóc còn để chỏm, tôi cũng ríu rít chạy sau những chiếc xe hàng. Thích thú sờ lên mấy bó cây ươm, hay buồng dừa, nải chuối, chỉ để thấy tết đọng vào từng ngón tay nhỏ. Nhà vốn chẳng dư dả, tết về cũng nào có đủ tiền để mua sắm từ mấy chuyến xe xuân. Năm tàn tháng tận, qua bao cái chạm ngõ của cánh én chao nghiêng, chiếc xe hàng chợt trở thành một chấp niệm. Nghe tiếng rao vang lên, đôi chân tôi lại bồi hồi nâng gót. Chiếc xe hàng xuân chẳng khác gì một cuốn lịch đếm ngược đang chuyển động trên đường. Cứ thấy nó chạy xình xịch là biết ngay tết đã bước vào những ngày hăm mấy.

Hôm nay, tôi dìu mẹ ra sân chờ chiếc xe chở bán nồi niêu chạy ngang. Những loại nồi cỡ to dùng để luộc bánh chưng. Mẹ ngồi trên cái ghế nhựa có lưng tựa màu nâu, gác cạnh bên là cây nạng chống. Đã hai năm kể từ ngày chân trái chẳng còn biết đau, mẹ mới lại chờ đón những chiếc xe hàng. Cũng là ngần ấy thời gian, khoảng sân trước nhà không còn trở thành nơi dừng chân của những người bán đồ tết. Thời cuộc xoay vần, tôi cứ tưởng mẹ đã thôi chờ mong thứ thanh âm gọi xuân qua cái loa thu sẵn. Thì ra, mẹ chỉ giấu kĩ nỗi nhớ vào một chiếc chai thắt nút ngang cổ rồi quăng xuống biển sâu. Để tới khi sóng dập dìu đưa nó ra khơi, trong những đêm thao thức từ đầu chạp của mẹ, tôi mới lờ mờ phát hiện manh mối. Mẹ muốn được đặt lên bàn thờ của ba thứ gói ghém từ tấm lòng qua một đêm thức canh nồi nước như ngày xưa. Những ngày mà gia đình vẫn còn đông đủ. Tôi liếc khẽ lên cái đĩa đặt trước di ảnh mờ khói nhang, thấy mấy cái bánh chưng được gói bởi tay của các cô hàng xén. Lòng chợt có gì đó trĩu trịt nặng.

Những chiếc xe hàng lần lượt chạy ngang, mấy cô bác xóm giềng, bọn trẻ con cùng vài chú chó cỏ cũng lăng xăng theo sau đó. Vẫn chưa có chiếc xe bán nồi xoong, bát đĩa. Mẹ dơ cao cái nón lá che nửa bóng nắng vừa đậu vào tóc. Mái tóc mẹ đã dần muối tiêu. Tôi cúi người ôm lưng mẹ từ phía sau. Bờ lưng đã từng cõng tôi suốt đường về quê nội. Mẹ giờ này chẳng thể cõng tôi đi bộ suốt cả đoạn đường dài gần chục cây số ấy nữa.

Chẳng biết qua bao lâu, khi bóng câu đã dừng ngoài hiên vắng, tiếng rao chầm chậm vang từ phía hàng tre cuối xóm. “Ai nồi niêu xoong chảo”. Mẹ đập tay tôi, đôi mắt ánh lên tia sáng nhỏ. Tôi chạy ra cạnh lề, vẫy tay ra hiệu, miệng không quên hô to “Vào đây, chú bán nồi”. Bọn trẻ từ mấy ngôi nhà cửa khép hờ cũng ào tíu tít gọi theo dù chẳng cần mua gì cả: “Vào đây, chú bán nồi ơi, vào đây”. Hai mẹ con nhìn nhau bật cười, chợt thấy tết đã về qua từng tiếng gọi.

Chiếc xe hàng đỗ xịch trước cổng, gồng gánh về cả một mùa xuân.

Nguyễn Trần Thanh Trúc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhung-chiec-xe-gong-ganh-xuan-ve-35186.htm
Zalo