Những cây măng tố tội ác

Một buổi sáng thời Vạn Lịch nhà Minh, Thái thú Đông Xương Phùng Văn Long, nhận được tin báo là vợ của Thôi Tú Tài, sống ở ngoại ô huyện Đông Xương đã mất tích vào đêm hôm trước.

Nguyên do là hôm đó, Thôi Tú Tài cãi nhau với vợ, sau đó Thôi phu nhân đã thu dọn hành lý bỏ về nhà. Thôi Tú Tài nghĩ rằng vợ mình đã về nhà bố mẹ đẻ nên cũng không để tâm lắm. Không ngờ ngày hôm sau ông đến nhà bố vợ thì họ nói rằng Thôi phu nhân không về nhà. Thái thú Phùng Văn Long nhất thời bối rối, liền gọi người thân tín nhất của mình là Mã Dũng cùng đi ra ngoại thành.

Hiện đang là mùa côn trùng thức giấc và khắp nơi là những cánh đồng màu mỡ vừa được cày xới và sẵn sàng để gieo hạt. Hai người đang chậm rãi bước đi trên con đường ở vùng ngoại ô, thì đột nhiên Thái thú nghe thấy một bà lão đứng trên cánh đồng đang chửi bới rất to, hóa ra có một gốc măng tre của bà lão đã bị ai đó đào trộm. Sau khi Thái thú Phùng Văn Long tiết lộ thân phận, ông an ủi bà lão và quyết định đi dạo xung quanh một chút để xem có thể tìm hiểu thêm được gì không.

Không biết từ lúc nào trời đã về trưa, hai người nhìn thấy một quán rượu bên bờ sông nên thuận chân bước vào. Người phục vụ thấy hai người đàn ông ăn mặc khác thường đã giới thiệu với hai người món đặc sản của cửa hàng gan cừu chiên măng xuân. Một lúc sau, các món ăn đã được dọn ra. Thái thú nếm món măng rồi khẽ nhíu mày nói: “Măng mềm giòn, nhưng không được tươi lắm!”.

Minh họa: Đào Quốc Huy

Minh họa: Đào Quốc Huy

Người phục vụ nói: “Thành thật mà nói, món măng này được đưa đến từ sáng hôm kia. Mặc dù chúng tôi đã cất giữ cẩn thận nhưng nó vẫn tệ hơn một chút so với măng mới đào lên từ dưới đất”.

Thái thú lập tức nghĩ đến việc bà lão bị mất măng sáng nay: “Măng này mang từ đâu đến?” - “Tiểu nhân mua của Lại Đạt”.

- Lại Đạt? - Mã Dũng cười nói với Thái thú - Lại Đạt là một tên trộm khét tiếng ở gần đây, tôi biết nhà hắn ở đâu”.

Mã Dũng và Thái thú đến trước một túp lều tranh ở ngoại ô thành phố. Mã Dũng gọi to mấy lần nhưng không có ai đáp lại. Nhìn thấy cửa hé mở, hai người đẩy cửa bước vào thấy Lại Đạt trần truồng nằm trên giường, xung quanh toàn là máu. Mã Dũng vội vàng tiến lên sờ vào lỗ mũi của Lại Đạt thì thấy hắn đã chết. Thái thú đưa tay cảm nhận nhiệt độ từ áo khoác của Lại Đạt, sau đó lật mắt Lại Đạt nói: “Hắn đã bị giết vào đêm qua”.

Thái thú quan sát hiện trường, phát hiện không có người ngoài nào biết về cái chết của Lại Đạt vội sai Mã Dũng đóng cửa lại và tiến hành điều tra cẩn thận. Nhưng sau một thời gian dài điều tra, họ chỉ phát hiện ra rằng Lại Đạt đã bị đâm chết bằng dao hoặc một vật nhọn, ngoài ra không phát hiện thêm điều gì khác. Đột nhiên, Thái thú nhìn thấy dưới gầm giường của Lại Đạt có một chiếc bút bằng ngọc, trên bút có khắc ba chữ “Thôi Nhất Quý”. Thôi Nhất Quý? Đây chẳng phải là vị thư sinh đến báo tin vợ mình mất tích sáng nay sao? Thái thú bảo Mã Dũng cử người đến bảo vệ hiện trường rồi trở về phủ.

Ngay khi trở về thành phố, Thái thú vội cho người đi gọi Thôi Nhất Quý. Trong công đường, Thái thú giơ chiếc bút ngọc tìm thấy dưới gầm giường của Lại Đạt ra hỏi: “Thôi Nhất Quý, ngươi có nhận ra chiếc bút ngọc này không?”. Thôi Nhất Quý sửng sốt, sau đó bình tĩnh nói: “Bút này là của tiểu nhân nhưng tiểu nhân cho Lại Đạt từ lâu rồi. Đại nhân, sao bây giờ nó lại ở trong tay ngài?”.

Thái thú quát lớn: “Tên sát nhân to gan kia, ngươi mau nhanh khai ra tối qua ngươi giết Lại Đạt thế nào!”.

Thôi Nhất Quý quỳ xuống đất: “Thưa đại nhân, thật không công bằng. Đêm qua tiểu nhân ngủ ở nhà, không liên quan gì đến cái chết của Lại Đạt!”.

Sau đó Thái thú dẫn theo mấy nha dịch đi khám xét nhà Thôi Nhất Quý nhưng sau một hồi tìm kiếm vẫn không phát hiện ra điều gì khả nghi. Theo lời kể của hàng xóm nhà Lại Đạt, dạo này Lại Đạt thường xuyên đến nhà Thôi Tú Tài để xin cái này cái kia. Hai người không hề có họ hàng với nhau, nhưng Thôi Tú Tài lại cố gắng hết sức để thỏa mãn tên vô lại này, điều này khiến mọi người nghi ngờ. Chẳng lẽ Thôi Tú Tài có điều gì đó mờ ám mà Lại Đạt nắm được thóp nên hắn mới dám làm như vậy? Tuy nhiên, do không có đủ bằng chứng nên Thái thú buộc phải thả Thôi Nhất Quý và cho người thân của Lại Đạt mai táng thi thể của hắn. Thái thú cũng lấy ra một ít tiền lẻ bảo Mã Dũng đưa cho bà lão bị mất măng, nói rằng đây là tiền đền bù thay cho Lại Đạt.

Thời gian nhanh chóng trôi đi, đã hơn hai tháng nhưng vụ án Thôi phu nhân vẫn không có tiến triển gì. Một buổi tối, Thái thú nghe Mã Dũng báo rằng bà lão mất măng đã đến phủ. Một lúc sau, bà lão được dẫn đến trước mặt Thái thú, bà lão nói: “Đại nhân, hôm nay tôi đến để trả lại tiền cho ngài” - “Bà lão trả lại tiền gì?”.

Bà lão ngẩng đầu lên nói: “Kẻ trộm măng của nhà tôi là Thôi Nhất Quý, hắn đã thừa nhận và ngoan ngoãn đền tiền cho tôi rồi”.

Nguyên là hôm qua bà lão ra ruộng kiểm tra tình hình ruộng thì lại thấy Thôi Nhất Quý đang đào măng tre ở ruộng nhà hắn. Ruộng của nhà họ Thôi nằm ngay cạnh ruộng của bà lão. Bà lão thầm nghĩ, xưa nay chưa từng thấy nhà họ Thôi trồng tre, sao hôm nay lại đột nhiên có măng trong ruộng? Dưới sự chất vấn của bà lão, Thôi Nhất Quý quanh co nói rằng mình đã trộm măng của ruộng người khác. Ban đầu, hắn định chôn chúng ở ruộng, khi cây lớn thì chuyển về nhà, nhưng không ngờ lại bị bà lão phát hiện.

Sau khi nghe bà lão nói, Thái thú rất khó hiểu về hành vi của Thôi Nhất Quý. Sau khi bà lão đi rồi, ông đi ra vườn sau và bắt đầu suy nghĩ. Đột nhiên ông phát hiện có một số cây măng trúc mọc ở chân tường trong sân. Ông liền gọi người hầu là lão Tường đến và hỏi: “Ngươi trồng trúc ở đây từ khi nào?”.

Lão Tường lắc đầu nói: “Tiểu nhân chưa từng trồng trúc”. Sau đó, lão ngẩng đầu nhìn ra bên ngoài tường cười nói: “Đại nhân, tiểu nhân biết rồi. Ngoài sân nhà ta có cây trúc, mấy tháng trước có một con chó chết, tiểu nhân đã chôn nó ở đây. Trúc thường mọc về phía đất màu mỡ và cây trúc từ bên ngoài đâm chồi vào đây”.

Thái thú vội vàng ra lệnh cho Mã Dũng và một số nha dịch đến ruộng của Thôi Nhất Quý ngay trong đêm. Đêm khuya, ánh đèn được thắp sáng trên ruộng nhà họ Thôi, người nhà Thôi phu nhân được Thái thú bí mật gọi đến. Dưới sự chỉ đạo của Thái thú, các nha dịch nhanh chóng đào lên từ dưới ruộng một cái xác bị băm nát đã thối rữa, bên cạnh xác chết là một nghiên mực bằng đá. Người nhà Thôi phu nhân thấy vậy nói:

- Đúng rồi, nghiên mực này là của hồi môn của bà ấy!

- Thôi Nhất Quý, bây giờ ngươi còn gì để nói nữa? - Thái thú hét lớn với Thôi Tú Tài.

- Tôi không có tội, làm sao biết được ai đã giết cô ấy? - Thôi Nhất Quý vẫn còn cố chấp.

Thái thú quát to: “Để ta giúp ngươi giải trình chuyện đã xảy ra. Đêm đó, sau khi giết vợ, ngươi đã bế cô ấy ra đồng chôn cô ấy ở ruộng của nhà ngươi. Bởi vì đất vừa mới được cày vào mùa xuân nên ngươi dễ dàng ngụy trang dấu vết, nhưng ngươi không ngờ rằng việc ngươi làm đã bị Lại Đạt đang ăn trộm măng ở ruộng bên cạnh nhìn thấy. Lại Đạt đã đe dọa ngươi và ngươi sợ rằng sớm muộn gì anh ta cũng sẽ tiết lộ sự việc nên ngươi đã giết Lại Đạt để bịt đầu mối. Nhưng điều ngươi không ngờ tới nữa là cái xác được chôn trong ruộng của ngươi đã trở thành phân bón cho măng tre của ruộng bên cạnh mọc lấn sang. Chính những cây măng mà ngươi mang về từ ruộng của mình đã làm sáng tỏ vụ án. Ngươi đã bí mật đào tất cả cây măng đâm sang ruộng của ngươi không ngờ lại bị bà lão nhìn thấy. Hung khí và xác chết đều ở đây, ngươi còn có thể nói gì nữa?”.

Thôi Nhất Quý hoàn toàn suy sụp. “Tôi đã giết vợ bằng cái nghiên mực sau khi cãi nhau với cô ấy, đáng ghét hơn là Lại Đạt quá tham lam, để bịt miệng hắn, tôi còn đưa cho hắn cả cây bút ngọc yêu quý của tôi mà hắn vẫn không hài lòng. Tôi không thể chịu được nữa nên phải giết cả hắn để thoát tội nhưng không ngờ...”. Nói đến đây hắn mềm nhũn người ngã quỵ xuống đất.

Nguyễn Thiêm (dịch)

Lý Cảnh Nguyên (Trung Quốc)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nhung-cay-mang-to-toi-ac-i767773/
Zalo