Những cánh thư vượt sóng
Để hưởng ứng chương trình 'Xuân biên giới - Tết hải đảo' năm 2025, các trường trên địa bàn tỉnh đã đã tích cực tuyên truyền, vận động các em học sinh, sinh viên làm những lá thư, tấm thiệp handmade, mang theo những lời chúc Tết, những thông điệp yêu thương và sự tôn trọng dành tặng cho những người lính nơi quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK I đang bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Giới thiệu cho chúng tôi những lá thư với từng nét chữ nắn nót, những tấm thiệp được tỉ mỉ trang trí, cô giáo Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Việt Trì) chia sẻ: “Giáo dục kiến thức về biển, đảo luôn là một trong những nội dung được nhà trường quan tâm, chú trọng. Là một trường tiểu học, chúng tôi luôn giáo dục cho các con truyền thống biết ơn các chú bộ đội ngoài biển đảo đã canh giữ vùng trời cho các con có cuộc sống bình yên, ấm no được học hành, đồng thời khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong lòng các em từ khi còn nhỏ”.
Lật những trang thư viết trên giấy trắng, chúng tôi bắt gặp những tình cảm trong trẻo nhưng đầy sâu lắng của em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 3A3 có viết: “Cháu chưa bao giờ được đặt chân lên vùng đảo thiêng liêng Trường Sa mà các chú đang canh giữ ngày đêm. Những điều cháu biết về các chú chỉ là qua báo, ti vi hay lời kể của bố mẹ, thầy cô. Qua đó, cháu đã hiểu được sự hy sinh thầm lặng của các chú. Các chú không chỉ anh dũng chiến đấu, hy sinh mà còn vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ. Sắp đến Tết rồi, cháu chúc các chú mạnh khỏe và công tác tốt. Cháu yêu các chú!”.
Còn tại Trường THCS Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê, hào hứng khoe với chúng tôi bức thư vừa hoàn thành, em Hà Quang Huy, học sinh lớp 7A có viết: “Chắc có lẽ các chú ở ngoài biển cả mênh mông cũng sẽ nhớ lắm về những người thân yêu ở nhà, nhưng các chú à, người dân vẫn luôn yêu thương, yên tâm khi có các chú canh gác ngoài biển đảo. Chúc các chú luôn vững vàng, kiên cường ngoài đảo xa. Mặc dù những dòng thư cháu viết ngắn ngủi nhưng cũng mong có thể an ủi và động viên đến trái tim đầy dũng cảm của các chú. Cuối cùng cháu xin tạm biệt các chú và mong rằng các chú sẽ luôn nhớ khẩu hiệu: Đảo là nhà, biển cả là quê hương”.
Hưởng ứng chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” năm 2025, Tỉnh đoàn Phú Thọ đã bàn giao trên 6000 “Cánh thư vượt sóng” của học sinh, sinh viên trong tỉnh đến Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương để gửi tặng các cán bộ, chiến sĩ, hải quân đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, các đảo ven bờ, tàu trực trên biển và một số đồn biên phòng.
Trong môi trường khắc nghiệt, xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió, những lá thư tay vẫn là phương tiện truyền thống, quen thuộc, không thể thiếu trong đời sống của các cán bộ, chiến sĩ. Thư theo tàu ra đảo Trường Sa mất nhiều thời gian mới có thể tới, cầm những lá thư trên tay, người chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa không giấu được sự xúc động.
Thượng úy Nguyễn Công Phát đang công tác tại đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Những lá thư mà các em gửi đến chúng tôi thật sự rất quý giá. Mỗi bức thư không chỉ là những lời chúc Tết hay thông điệp yêu thương mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đọc những bức thư tay nắn nót, chúng tôi luôn tự nhủ phải quyết tâm hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, bảo vệ bằng được chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Sau một ngày làm việc vất vả, cầm trên tay những lá thư của các em học sinh, Binh nhất Nguyễn Minh Nhựt vội vã mở từng phong bì, lòng háo hức với đôi mắt đầy mong đợi. “Cảm giác như có một sợi dây vô hình nối liền giữa đất liền với biển đảo khiến chúng tôi không cảm thấy cô đơn, ngược lại, càng vững tin hơn vào nhiệm vụ của mình. Thay mặt các chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, tôi xin cảm ơn tất cả các em học sinh, nhà trường và những người đã giúp đỡ, tạo điều kiện để những lá thư này được gửi đến Trường Sa. Mỗi bức thư là một món quà tinh thần vô giá" - Binh nhất Nguyễn Minh Nhựt xúc động cho biết.
Những cánh thư vượt sóng đã mang theo tình cảm ấm áp từ đất liền ra đến các đảo xa, góp phần sưởi ấm trái tim của những người lính đảo. Mỗi lá thư không chỉ mang đến những thông tin, lời chúc, mà còn là cầu nối vững chắc, giữ lửa tình cảm, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Dù xa cách về địa lý nhưng những tình cảm ấy đã vượt qua sóng gió, đến với những chiến sĩ nơi đảo xa. Những cánh thư ấy chính là biểu tượng của tình yêu Tổ quốc như trong lời thơ trong trẻo các em gửi gắm:
“Trường Sa - xa lắm chú ơi
Giàn khoan đứng giữa biển khơi kiêu hùng
Mặc cho sóng dữ bão bùng
Lá cờ phấp phới tung bay giữa trời
Chú bộ đội luôn tươi cười
Tự hào vinh dự là người Hải Quân
Chú không quản ngại gian truân
Xứng danh Quân đội Nhân dân Anh hùng”.
Giữa không gian bao la của biển trời, nơi “đầu sóng ngọn gió”, không chỉ có vị mặn của biển cả, mà còn có vị cay nồng của những giọt mồ hôi vất vả trên trán các chiến sĩ, những người trẻ đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Giữa tất cả những gian nan, có vị ngọt ngào của tình yêu thương của những lá thư tay từ đất liền, mang theo sự động viên, niềm tin và lòng biết ơn sâu sắc, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô giá, giúp cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và các lực lượng đang làm nhiệm vụ trên biển thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vững vàng nơi xa xôi, khắc nghiệt.