Những cách làm hay ở Pác Nặm để đẩy nhanh và vững chắc tiến trình giảm nghèo

Xã Nghiên Loan (Pác Nặm) năm nay phấn đấu giảm 66 hộ nghèo, 259 nhân khẩu, tương ứng tỷ lệ 4,93%. Xã đã và đang tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo và các hộ có khả năng thoát nghèo.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), đến hết năm qua, số hộ nghèo đa chiều giảm 3,16% (từ 52,42% xuống 49,26%). Đánh giá của UBND huyện này cho thấy người nghèo tại đây từng bước có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, có ý thức nhất định vươn lên thoát nghèo bền vững…

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của huyện Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn do số hộ nghèo chủ yếu phân bố tập trung ở thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; số hộ nghèo mới phát sinh còn cao. Chất lượng cuộc sống của nhóm hộ thoát nghèo ở mức thấp, chưa bền vững nên khả năng tái nghèo cao.

Đặc biệt, năm qua, tốc độ giảm nghèo của Pác Nặm chậm, không đạt chỉ tiêu tỉnh giao, vì thế năm 2024, huyện phấn đấu tăng tốc, giao cụ thể nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn, từng xã, thị trấn.

Năm 2024, xã Công Bằng (huyện Pác Nặm) nỗ lực phấn đấu giảm 29 hộ nghèo (tương đương giảm 4% theo kế hoạch), tương ứng giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 51,75% xuống còn 47,75%. Các giải pháp cụ thể được đề ra ngay từ đầu năm, trong đó, phân công từng thành viên cụ thể theo dõi, hỗ trợ từng hộ nghèo giúp các hộ vươn lên thoát nghèo. Song song với đó, xã triển khai các chương trình dự án tại các thôn bản; nhân rộng mô hình giảm nghèo, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa giúp người nghèo tiếp cận các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong khi đó, xã Nghiên Loan năm nay phấn đấu giảm 66 hộ nghèo, 259 nhân khẩu, tương ứng tỷ lệ 4,93%. Xã đã và đang tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các hộ đăng ký thoát nghèo và các hộ có khả năng thoát nghèo; triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đặc biệt khó khăn và vùng sản xuất hàng hóa; hướng dẫn, lồng ghép nguồn lực và mục tiêu từ các chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình giảm nghèo bền vững.

Người nghèo tại Bắc Kạn từng bước có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Người nghèo tại Bắc Kạn từng bước có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tại Pác Nặm, năm 2024, các mô hình sinh kế từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong mục tiêu tăng thu nhập, giảm nghèo đa chiều. Bên cạnh đó, huyện cũng linh hoạt xã hội hóa, vận động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, góp phần chăm lo, giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống ổn định thoát nghèo bền vững. Đây cũng là cơ sở khích lệ tính tự chủ của người dân vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo năm 2024.

Tại xã Cổ Linh, gia đình ông Dương Văn Cao, ở Bản Cảm, là trường hợp tiêu biểu cho nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhờ dự án Ngân hàng bò. Năm 2024 là năm thứ 2 gia đình ông được sống trong ngôi nhà khang trang, kiên cố. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, chịu khó lao động sản xuất của hai vợ chồng.

Ông Cao được dự án Ngân hàng bò hỗ trợ nguồn bò giống. Sau khi bò được chăm sóc tốt, sinh được bê con, gia đình ông bán và có vốn để mua thêm trâu, lợn về chăn nuôi, phát triển kinh tế. Cơ hội thoát nghèo do UBND huyện Pác Nặm phối hợp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng, nhưng việc biến cơ hội thành kết quả thực tế phải nhờ sự nỗ lực, chăm chỉ vươn lên của gia đình.

Chương trình Ngân hàng bò được đánh giá là mô hình sáng tạo, hiệu quả, các hộ nghèo nhận bò giống về nuôi, nếu đẻ lứa đầu là cái sẽ tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6 tháng tuổi, sau đó chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác trên địa bàn nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Cứ như vậy, số lượng bò giống sẽ gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ nghèo được trợ giúp.

Đến nay, tổng số bò hiện nay Hội Chữ thập đỏ huyện Pác Nặm đang quản lý là 21 con. Trong đó, xã Cổ Linh 5 con, xã Bằng Thành 16 con. Dự kiến năm 2024, 5 con sẽ được luân chuyển đến các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn khi họ có nhu cầu.

Một mô hình khác cũng đem lại nhiều kỳ vọng cho người dân nghèo tại huyện Pác Nặm là dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bò vàng sinh sản tại xã Nghiên Loan. Mô hình do Hợp tác xã Nghiên Loan chủ trì liên kết với 24 hộ dân tham gia (trong đó 6 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo). Ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng, kinh phí đối ứng hơn 350 triệu đồng để hỗ trợ các nội dung xây dựng liên kết, giống bò vàng sinh sản, thức ăn hỗn hợp.

Pác Nặm cũng đang triển dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ngựa sinh sản do Hợp tác xã Thuận Thành chủ trì liên kết với Hợp tác xã Vạn Xuân (xã Bằng Thành) và Hợp tác xã Xuân Lộc (xã Xuân La); có 27 hộ dân tham gia liên kết chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-cach-lam-hay-o-pac-nam-de-day-nhanh-va-vung-chac-tien-trinh-giam-ngheo-2321549.html
Zalo