Những cách bảo vệ bạn khỏi bệnh cúm đang hoành hành

Bệnh cúm ở Việt Nam đang khiến nhiều bệnh nhân biến chứng nặng. Người dân lo ngại bị cúm tấn công, vậy cách nào để phòng, tránh?

 Đã có nhiều bệnh nhân bị cúm biến chứng nặng.

Đã có nhiều bệnh nhân bị cúm biến chứng nặng.

TS Trần Thị Hải Ninh - Trưởng khoa Nội Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do vi rút cúm gây ra.

Các triệu chứng phổ biến gồm đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, cảm giác khó chịu. Bệnh cúm thường có triệu chứng nặng hơn cảm lạnh đơn thuần mặc dù bệnh có thể nhẹ.

Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng. Những biểu hiện này có thể do bản thân vi rút cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn/vi rút khác xảy ra sau nhiễm cúm, làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể.

Bệnh nặng hơn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường hoặc tim. Tuy nhiên, nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào, dù có thể trạng sức khỏe tốt. Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm phòng cúm hàng năm.

Virút cúm lây truyền như thế nào?

Vi rút cúm có khả năng lây nhiễm ở mức độ trung bình, tức một người nhiễm bệnh sẽ lây cho một hoặc hai người chưa có miễn dịch, với hai cách lây truyền chính.

Thứ nhất, vi rút lây qua giọt bắn lớn. Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mà không che miệng, mũi khiến những người trong phạm vi 1 mét bị lây bệnh. Đây là lý do tại sao cần che miệng và mũi (tốt nhất bằng khăn giấy dùng một lần) khi ho hoặc hắt hơi.

Các giọt nhỏ hơn ở dạng khí dung, có khả năng bay xa lại ít có khả năng mang vi-rút. Do đó, những người gần gũi với bệnh nhân cúm mới có nguy cơ mắc.

Thứ hai, vi rút cúm có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với màng nhầy ở mũi, miệng và cổ họng, như trên tay người bị bệnh chà xát mũi của họ. Vệ sinh tay và sử dụng khăn tay dùng một lần đúng cách rất quan trọng để phòng lây nhiễm.

 Bệnh cúm khiến nhiều người nhập viện.

Bệnh cúm khiến nhiều người nhập viện.

Khi nào bệnh lây sang người khác?

Thông thường, người lớn bị cúm có thể lây bệnh cho người khác từ một ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng và kéo dài 5-7 ngày. Thời điểm lây lan mạnh nhất là 3-4 ngày đầu tiên của bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm cho người khác không giống nhau trong suốt thời gian bị bệnh. Khả năng lây nhiễm tăng lên đáng kể khi một người bắt đầu cảm thấy không khỏe và đó là lúc họ dễ lây nhiễm sang người khác nhất.

Nguy cơ nhiễm cúm từ một người nào đó ngay trước khi họ bị bệnh hoặc sau ba ngày đầu tiên bị bệnh là khá thấp. Do đó, khi một người bắt đầu cảm thấy ốm, cần ở nhà trong vài ngày, đặc biệt là trong mùa cúm.

Trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch và những người bị bệnh nặng do cúm có thể thải vi rút trong thời gian dài hơn nhiều.

Cách phòng tránh cúm

TS Trần Thị Hải Ninh chỉ ra cách phòng bệnh: Cần thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ tiếp xúc với vi rút cúm, nhất là trong mùa cúm, đồng thời, cũng bảo vệ trước một số bệnh nhiễm trùng khác.

Cần vệ sinh đường hô hấp đúng cách như che miệng và mũi bằng khăn giấy dùng một lần khi ho hoặc hắt hơi, sau đó cuộn khăn giấy lại, vứt vào thùng rác có nắp đậy rồi rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Ở nhà nếu thấy không khỏe và bị sốt, nhiễm trùng đường hô hấp. Những người bị nhiễm cúm rất dễ lây cho người khác trong giai đoạn đầu của bệnh.

Tiêm phòng định kỳ hàng năm nếu được khuyến cáo. Vắc xin phòng ngừa cúm có khả năng bảo vệ tốt, làm giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển nặng.

TS Trần Thị Hải Ninh lưu ý mọi người nên đeo khẩu trang ở những không gian công cộng có hạn chế thông khí, như cửa hàng, siêu thị và khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc, không thể thực hiện giãn cách.

Khẩu trang y tế được đeo đúng cách hoàn toàn có thể hạn chế các giọt bắn lớn có thể chứa vi-rút xâm nhập vào mũi, miệng của bạn. Khẩu trang chuyên dụng N95 chỉ sử dụng trong các cơ sở y tế khi thực hiện các thủ thuật tạo nhiều giọt bắn dạng khí dung như khi đặt ống nội khí quản.

Khẩu trang cần được thay khoảng hai lần một ngày và thay ngay nếu nó bị ướt nước. Lưu ý phải rửa tay bằng xà phòng và nước sát khuẩn tay trước và sau khi chạm vào khẩu trang. Đối với khẩu trang sử dụng một lần thì cần vứt vào thùng rác có nắp đậy sau mỗi lần sử dụng, không nên sử dụng lại.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhung-cach-bao-ve-ban-khoi-benh-cum-dang-hoanh-hanh-post182546.html
Zalo