Những bưu kiện nguy hiểm gửi từ châu Âu'
Vị trí địa lý nước ta gần khu vực 'Tam giác vàng' - một trong những trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi thông thương tới nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Vì vậy, tội phạm ma túy có dã tâm biến Việt Nam thành địa bàn tiêu thụ và trung chuyển ma túy bằng cả đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Khi những cung đường vận chuyển ma túy qua biên giới đường bộ, đường biển bị lực lượng chức năng siết chặt, tội phạm đã giở thủ đoạn giấu ma túy vào những kiện hàng thiết yếu, gửi qua đường bưu điện, hàng không từ một số nước châu Âu về Việt Nam. Với thủ đoạn này, những công ty giao nhận “vô tình” tiếp tay vận chuyển ma túy, cơ quan chức năng gặp khó trong việc xác nhận chủ nhân thật sự của những kiện hàng chứa ma túy “khủng”.
Gửi ma túy từ Hà Lan về Việt Nam tiêu thụ
VKSD tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Hà Lan về Việt Nam bằng hình thức giấu ma túy trong những gói bưu kiện chứa đồ gia dụng gửi từ Hà Lan về Việt Nam qua đường hàng không. Theo nội dung vụ án, hồi 09h20 phút ngày 17/12/2021, tại trước số nhà 209 đường Huyền Trân Công Chúa, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an phối hợp các lực lượng chức năng đã phát hiện bắt quả tang Nhữ Mạnh Linh (Lâm Đồng) đang vận chuyển 1 thùng cát tông bằng xe mô tô, bên trong thùng có 11 túi nylon bên ngoài in chữ nước ngoài, nhiều màu sắc, chứa nhiều viên nén màu hồng, hình chữ nhật, có in chữ Red Bull (test nhanh cho kết quả dương tính với chất ma túy MDMA). Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Nhữ Mạnh Linh, thu giữ và niêm phong vật chứng. Ngay sau khi bị bắt, Nhữ Mạnh Linh khai đi nhận thùng hàng có chứa ma túy được gửi từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó mang về nhà cất giấu để gửi đi cho khách theo chỉ đạo của chị gái ruột là Nhữ Thị Ánh Dung.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra “Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp” đối với Nhữ Thị Ánh Dung (Lâm Đồng), Nguyễn Trọng Tốt (Hà Nội) và Phan Cao Dũng (Hà Tĩnh). Ngay sau khi bị bắt, Dung, Tốt và Dũng đã khai nhận cùng với Linh tham gia vận chuyển trái phép chất ma túy.
Quá trình điều tra, Nhữ Thị Ánh Dung và Nguyễn Trọng Tốt khai quen biết với Phan Cao Dũng. Dũng vào Đà Lạt gặp Tốt và Dung, anh ta giới thiệu người bạn cùng quê là Nguyễn Văn Đại hiện đang ở nước ngoài, có quen biết đối tượng tên nick name là Rồng (người Việt Nam sống ở Hà Lan). “Rồng” có ma túy tổng hợp thuê người nhận và gửi cho người mua ma túy tại Việt Nam. Các đối tượng đã cùng thống nhất, bàn bạc là đầu mối nhận ma túy từ Hà Lan về Việt Nam để tiêu thụ.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến ngày 17/12/2021, đối tượng có nick name Rồng đã sử dụng tên Nguyễn Anh Tú, địa chỉ MEIJHORST 12546357 HL NIJMEGEN, Hà Lan để gửi khối lượng lớn ma túy tổng hợp về Việt Nam qua đường hàng không. Ma túy được gửi từ Hà Lan về Bưu cục sân bay Nội Bài; chuyến thứ nhất chuyển về Hà Nội cho Phan Cao Dũng do một đối tượng tên Thịnh là người nhận thùng hàng. Ba chuyến sau đó thông qua các công ty vận chuyển hàng hóa chuyển vào Đà Lạt, Lâm Đồng cho Nhữ Thị Ánh Dung.
Sau khi nhận được thùng hàng chứa ma túy, Nhữ Thị Ánh Dung đã cùng Nhữ Mạnh Linh chia các gói đựng ma túy và gửi cho những người mua ma túy trên nhiều tỉnh thành trong nước. Phan Cao Dũng, Nhữ Thị Ánh Dung, Nguyễn Trọng Tốt và Nhữ Mạnh Linh đã vận chuyển trái phép tổng khối lượng 95.934,67 gam, trong đó có 94.930,36 gam MDMA, 1000 gam Ketamine và 4,31 gam Methamphetamine.
Đây là một trong những vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy bị phát hiện, nhưng việc truy tố mới chỉ dừng lại được ở những “ông trùm con” trong đường dây vận chuyển và tiêu thụ, bởi khi bị phát hiện, những “ông trùm” thật sự của lô hàng đã xóa mọi dấu vết, bỏ trốn rồi thiết lập đường dây tiêu thụ mới.
Ma túy “vô chủ” qua đường hàng không, chuyển phát nhanh
Những năm gần đây, tội phạm lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, quà biếu, phi mậu dịch để vận chuyển trái phép chất ma túy từ Châu Âu và một số nước châu Á về Việt Nam tiêu thụ và ngược lại diễn ra phức tạp. Mới đây, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, ngay những ngày đầu năm 2023, qua công tác phối hợp nắm tình hình tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đơn vị phối hợp Cục Hải quan thành phố tổ chức kiểm tra, phát hiện các kiện hàng nghi vấn chứa ma túy thông qua kiểm soát tại Cửa khẩu sân bay. Trong vụ án này, lực lượng chức năng đã tìm thấy 98kg ma túy tổng hợp (45kg thuốc lắc - MDMA, 53kg Ketamin, 2.000 gói “nước vui”).
Đây là một trong những vụ án các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát quốc tế thông qua Công ty vận chuyển quốc tế (chuyển phát, bưu chính...), ma túy được ngụy trang cất giấu trong hàng hóa như máy cà phê, máy hút bụi, máy lọc không khí, hộp thực phẩm chức năng, bánh, kẹo... Trước đó, bằng thủ đoạn tương tự, vào tháng 7/2022 lực lượng chức năng cũng phát hiện thu giữ 85kg ma túy loại MDMA được gửi vận chuyển qua đường hàng không từ Cộng hòa Liên bang Đức về Việt Nam qua Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Tại thời điểm bắt quả tang, phát hiện có 5 người nhận hàng, tuy nhiên, qua quá trình điều tra và khai nhận, 5 đối tượng trên chỉ là những người được công ty chuyển phát nhanh giao làm thủ tục giao nhận hàng, chính những người này cũng không biết trong những thùng hàng được khai báo là thực phẩm, đồ gia dụng thực chất là chứa đựng ma túy.
Tương tự thủ đoạn trên, ngày 28/11/2022, tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội kiểm tra phát hiện hai lô hàng được gửi từ Đức và Cộng hòa Czech về Việt Nam qua đường hàng không có nhiều dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra lô hàng gửi từ Đức về Việt Nam (hai kiện hàng), lực lượng chức năng phát hiện ma túy được pha trộn, đóng gói dưới vỏ bọc các hộp bánh, kẹo, thực phẩm, kem đánh răng... Tang vật thu giữ khoảng 4kg nghi ma túy tổng hợp (MDMA). Kiểm tra lô hàng gửi từ cộng hòa Czech về Việt Nam, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 3,8 kg ma túy được cất giấu dưới vỏ bọc các lọ kem dưỡng da, dầu gội... Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2022, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 26kg ma túy được giấu trong các kiện hàng từ Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không. Ma túy được ngụy trang trong các gói cà phê nhập khẩu từ Mỹ. Đây là lần đầu tiên Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện ma túy đá và ma túy tổng hợp được vận chuyển từ Mỹ về Việt Nam với số lượng lớn.
Theo chia sẻ của lực lượng chức năng, tội phạm sử dụng hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa, quà biếu, phi mậu dịch để vận chuyển trái phép chất ma túy từ Châu Âu và một số nước Châu Á về Việt Nam tiêu thụ và ngược lại có đặc điểm chung là chúng không trực tiếp giao dịch mua bán vận chuyển. Các đối tượng nhận hàng và vận chuyển qua một khâu trung gian. Đặc biệt là khi về qua đường sân bay Nội Bài, các đối tượng sẽ tiếp tục nhận hàng qua các địa chỉ ảo, địa chỉ ma, thậm chí tên tuổi cũng không có thật. Các đơn vị nhận hàng vận chuyển đến nhận hàng thì chỉ biết nhận hàng tiêu dùng và họ cũng vận chuyển đến bên thứ 3. Bởi vậy, có những kiện hàng ma túy vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh, ký gửi hàng hóa… đang được xác nhận là “vô chủ”.
Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ
Trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã lợi dụng thông thoáng thủ tục đối với hàng xuất khẩu, cất giấu số lượng lớn tiền chất ma túy ngụy trang trong các gói cà phê, thạch rau câu, thực phẩm chay... để xuất khẩu. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, ngoài các tuyến đường hàng không xuất trái phép ma túy được xác định là trọng điểm như Singapore, Australia... đang được cơ quan Hải quan tập trung theo dõi, hiện nay đã xuất hiện thêm một vài tuyến đường vận chuyển mới như Malaysia, Hàn Quốc...
Mặc dù gần đây các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn của đối tượng buôn lậu trên tuyến hàng không, gửi bưu kiện, ngày càng có dấu hiệu phức tạp và chiều hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường. Các đối tượng ngụy trang để vận chuyển hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa có trị giá cao vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra đặc thù của hàng hóa gửi qua đường bưu điện, hàng không các đối tượng có thể theo dõi được thông tin, thời gian cũng như địa điểm của hàng hóa, nên sẽ liên hệ với công ty vận chuyển để chủ động nhận hàng hóa, nếu cơ quan Công an không giám sát chặt chẽ lô hàng có chứa ma túy trên thì sẽ dẫn đến mất dấu đối tượng nhận hàng. Để không còn những “bí ẩn” chứa bên trong những kiện hàng thì cơ chế kiểm soát hàng nhận, hàng chuyển lại ở trong tay các công ty vận chuyển, các đơn vị giao nhận hàng phải được tăng cường.
Tội phạm không chỉ sử dụng các dịch vụ vận chuyển để gửi ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, mà việc vận chuyển, mua bán, tiêu thụ trái phép chất ma túy ở trên lãnh thổ cũng được các đối tượng tội phạm “nhăm nhe” sử dụng phương thức gửi bưu kiện, giao hàng nhanh. Trong khi, song hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường giao nhận hàng nhanh ngày càng phổ biến, với thực trạng lượng hàng hóa gửi qua đường hàng không, bưu điện lớn, việc mở từng gói, kiện để kiểm tra là khó khả thi. Tuy nhiên, về quy định, mỗi đơn vị vận chuyển, giao nhận phải có cách làm, quy chế chặt chẽ để kiểm soát.