Những bước tiến chậm chạp cho tài chính khí hậu
Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) năm 2024 đã để lại 'dư vị đắng' cho các nhà đàm phán ở những nước đang phát triển.
Trang tin “Diễn đàn Đông Á” ngày 24/12 số ra mới đây nhận định, nhiều người cảm thấy mất niềm tin bởi cái mà nhà đàm phán Ấn Độ Chandni Raina gọi là "ảo ảnh quang học" về tài chính khí hậu tại COP29.
Đương nhiên, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành tâm điểm chú ý. Tuy nhiên, các cam kết tài chính khí hậu của châu Á cũng chưa đạt đến mức cao kỷ lục trong lịch sử. Cho dù là do các chính phủ ở Hàn Quốc và New Zealand, lịch trình tài chính có thể không phù hợp ở Nhật Bản hay cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Australia, song các nhà tài trợ truyền thống của khu vực này phần lớn đã phải khá chật vật trong năm 2024.
Chính phủ hiện đang gặp khó khăn của Hàn Quốc đã đóng góp 300 triệu USD cho Quỹ Khí hậu Xanh vào năm 2023. Nhưng sang năm 2024, họ chỉ đóng góp 10 triệu USD, tương đương mức giảm 97%.
Ở Nhật Bản, vấn đề chủ yếu là thời điểm. Giống như Canada và New Zealand, Nhật Bản lập kế hoạch cam kết tài chính khí hậu theo từng đợt, kéo dài trong nhiều năm. Đợt đóng góp tài chính công gần đây nhất của họ là 43 tỷ USD từ năm 2021-2025, đưa Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho tài chính khí hậu. Con số này thậm chí còn lớn hơn khi bao gồm cả tài chính tư nhân. Tuy nhiên, các nhóm xã hội dân sự ở Nhật Bản thường xuyên "phàn nàn" không chỉ quy mô mà còn cả chất lượng của các dự án mà họ đã tài trợ trong lịch sử.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chỉ mới nắm quyền được một tháng khi COP29 diễn ra và đang bận rộn hoàn thiện Kế hoạch năng lượng cơ bản tiếp theo của Tokyo. Chính quyền mới tham gia COP29 khá lặng lẽ và chắc chắn sẽ so sánh lập trường của mình với Mỹ trong vài năm tới, đồng thời đánh giá các cơ hội chiến lược phát sinh từ chủ nghĩa biệt lập của Mỹ.
Đông Nam Á sẽ vẫn là trọng tâm chính cho sự tham gia chiến lược trong tương lai và đang tìm kiếm một cam kết tài trợ mạnh mẽ. Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ASEAN-Nhật Bản gần đây, các đối tác đã thúc giục Nhật Bản tăng cường tài trợ để hỗ trợ Cộng đồng không phát thải châu Á và nhu cầu thích ứng với khí hậu. Khu vực này được dự đoán sẽ chiếm 1/4 mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu cho đến năm 2035.
EU đã nêu rõ sự miễn cưỡng thường thấy của Singapore đối với tài chính khí hậu. Singapore đã phản ứng bằng cách công bố khoản đóng góp mới là 500 triệu USD dưới hình thức các khoản vay lãi suất thấp. Điều này dựa trên thông báo tạo tiền lệ vào năm 2023 về khoản tài trợ ưu đãi lên tới 5 tỷ USD cho các dự án “xanh” trên khắp châu Á. Đây không phải là loại tài trợ sẽ giúp ích cho các đối tác châu Á đang mắc nợ lớn như Pakistan và Bangladesh, nhưng là bước đầu tiên hợp lý đối với một quốc gia đã quá hạn đóng góp.
Sự thay đổi lãnh đạo của New Zealand chắc chắn đã thay đổi tham vọng tài chính khí hậu châu Á-Thái Bình Dương năm 2024. Trong nhiệm kỳ 7 năm của Thủ tướng Jacinda Ardern, Chính phủ New Zealand đã góp 760 triệu USD cho tài chính khí hậu giai đoạn 2022–2025. Những lời hứa gần đây của chính phủ mới về việc đóng góp 20 triệu NZD (11,5 triệu USD) cho Cơ sở phục hồi Thái Bình Dương vào tháng 10/2024 và thêm 5,8 triệu USD vào Quỹ mất mát và thiệt hại hồi tháng 11 vừa qua đều được rút ra từ quỹ đã cam kết trước đó. Wellington có thể sẽ công bố vòng tài trợ nhiều năm tiếp theo của mình vào năm 2025.
Tại Australia, Chính phủ Công đảng hiện đã công bố hơn 114 triệu USD, bao gồm 81 triệu USD để hỗ trợ mở rộng năng lượng tái tạo trên khắp Thái Bình Dương và 33 triệu USD để hỗ trợ Quỹ mất mát và thiệt hại. Đây không phải là số tiền nhỏ trước chiến dịch tranh cử nhiều khó khăn trước tháng 5/2025 tại quốc gia châu Đại Dương này, nhưng chúng không là gì so với khoản quyên góp 770 triệu USD của Thụy Điển.
Tùy thuộc vào kết quả bầu cử, Australia có thể cùng các chính phủ ở New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản - những chính phủ có thể tìm cách thắt chặt quyền kiểm soát tài chính khí hậu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa triển vọng về tài chính khí hậu hoàn toàn bi quan, đặc biệt là tại một khu vực đang cạnh tranh giành ảnh hưởng đối với thị trường năng lượng phát triển nhanh nhất thế giới.
Tại COP29, Indonesia đã công bố kế hoạch mở rộng công suất năng lượng tái tạo hiện có lên 75 GW trong 15 năm tới. Đây là cơ hội kinh tế đáng kinh ngạc cho các nhà đầu tư trong khu vực, cũng như cơ hội mở rộng lưới điện kết nối và tận dụng lợi thế năng lượng khu vực từ Australia đến Myanmar.
Kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, châu Á đã chiếm 90% mức tăng về nhu cầu điện toàn cầu và có vẻ tiếp tục xu hướng này, bất chấp những lo ngại về biến đổi khí hậu và thiếu các khoản đầu tư thích ứng quan trọng. Hiện các nước có cơ hội cạnh tranh để giành nguồn vốn cho năng lượng xanh thông qua những khoản đầu tư khí hậu trực tiếp, xóa nợ và hỗ trợ đa phương. Ngoài ra, còn có cơ hội đảm bảo các khoản đầu tư này thông qua hỗ trợ thích ứng quan trọng sẽ củng cố triển vọng tăng trưởng của khu vực.
Trong khi các cửa sổ tài chính khí hậu đang chật vật mở ra tại COP29, nhu cầu tài chính khí hậu đang tăng nhanh của châu Á sẽ tìm kiếm các nhà cung cấp mới vào năm 2025. Cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của khu vực và đảm bảo tăng trưởng bền vững lâu dài đã xuất hiện.