Những bước đi đầu, tín hiệu vui và giải pháp đồng bộ
Phong trào 'Bình dân học vụ số' (phong trào) - một sáng kiến chuyển đổi số quốc gia do Đảng ta phát động và Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo triển khai đang bước đầu lan tỏa tại tỉnh Lai Châu. Được ví như một chiến dịch xóa mù công nghệ thời đại mới, phong trào đang từng bước được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, tạo nền móng cho sự thay đổi nhận thức, nâng cao dân trí và xây dựng công dân số vùng cao.
Sau khi Trung ương ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW, ngày 21/3/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã sớm cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 337-KH/TU, triển khai phong trào đến các cấp, ngành và địa phương. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp điều kiện thực tế. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đóng vai trò chủ trì theo dõi, đôn đốc, phối hợp thực hiện hiệu quả. Ở cấp cơ sở, nhiều xã, phường đã tổ chức họp dân, lồng ghép nội dung tuyên truyền về chuyển đổi số và mục tiêu phổ cập kỹ năng số. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, trường học cũng tích cực hưởng ứng thông qua các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng sử dụng nền tảng số, dịch vụ công, thanh toán điện tử. Dù mới triển khai, nhiều mô hình đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như huyện Tam Đường, từ đầu năm đến nay đã tổ chức hơn 80 lớp học cộng đồng. Những lớp học này hướng dẫn kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, cài đặt ứng dụng VNeID, tra cứu hồ sơ y tế trực tuyến... cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và đồng bào dân tộc. Tại thị trấn Phong Thổ, mô hình “Chợ số” được triển khai thí điểm giúp tiểu thương làm quen với thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Lò Văn Tươi (tiểu thương tại chợ thị trấn Phong Thổ) chia sẻ: “Giờ tôi có thể bán hàng qua zalo, nhận thanh toán qua QR, không còn lo chuyện thiếu tiền lẻ hay mất đơn hàng”.
Lực lượng thanh niên cũng vào cuộc mạnh mẽ, Đoàn Thanh niên huyện Sìn Hồ đã tổ chức các đội hình tình nguyện phổ cập kỹ năng số đến từng bản. Hàng trăm người dân được hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng, thanh toán điện, nước qua điện thoại thông minh.
Dù bước đầu có chuyển biến tích cực, việc triển khai phong trào tại Lai Châu vẫn đối mặt không ít thách thức. Trình độ dân trí và năng lực tiếp cận công nghệ giữa các nhóm dân cư còn chênh lệch lớn. Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa không biết sử dụng smartphone vẫn cao, đặc biệt là người lớn tuổi và phụ nữ dân tộc thiểu số. Hạ tầng viễn thông, thiết bị đầu cuối còn hạn chế. Một số xã biên giới chưa có sóng 4G ổn định, người dân thiếu điều kiện mua sắm điện thoại thông minh hoặc không biết sử dụng nền tảng số. Tâm lý e dè, ngại thay đổi, sợ sai khi dùng công nghệ còn phổ biến. Không ít người dân vẫn quen đến trụ sở hành chính để làm thủ tục giấy tờ, dù dịch vụ công trực tuyến đã triển khai.

Trong công cuộc chuyển đổi số có sự tham gia đắc lực của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
Để khắc phục những rào cản trên và thực hiện thành công phong trào, thiết nghĩ các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền trực diện, sát cơ sở. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, cán bộ mặt trận, đoàn thể... trong việc nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại thôn bản, lồng ghép trong các phiên chợ, hội nghị xã để giải thích lợi ích thực tiễn của kỹ năng số.
Hai là, huy động tối đa lực lượng tình nguyện viên và tổ công nghệ số cộng đồng. Phân công rõ người phụ trách từng khu dân cư. Mỗi cán bộ, đoàn viên phụ trách hỗ trợ 3-5 hộ dân học kỹ năng số căn bản. Có thể tổ chức thi đua giữa các bản, khu phố về tỷ lệ người dân cài VNeID, thanh toán số, sử dụng dịch vụ công.
Ba là, bổ sung thiết bị học tập cho người dân. Kêu gọi doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ điện thoại thông minh cũ, máy tính bảng, gói cước rẻ cho người dân vùng sâu, vùng xa. Đề xuất ngân sách hỗ trợ một phần thiết bị cho hộ nghèo, hộ chính sách để học tập kỹ năng số.
Bốn là, phát triển nội dung học tập thiết thực, ngắn gọn, bằng hình ảnh/video, ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Các nội dung như: thanh toán điện/nước online, tra cứu bảo hiểm y tế, đăng ký khám chữa bệnh từ xa, cách dùng Zalo/VNeID... cần được thiết kế dễ hiểu và gắn liền đời sống hằng ngày.
Năm là, đẩy nhanh phát triển hạ tầng số ở vùng khó khăn. Ưu tiên phủ sóng viễn thông, internet tốc độ cao tại các xã chưa có mạng hoặc mạng yếu. Tăng cường điểm truy cập Wi-Fi miễn phí tại các nhà văn hóa, trường học, UBND xã.
Sáu là, kịp thời sơ kết, khen thưởng điển hình tiên tiến, các địa phương làm tốt cần được biểu dương, nhân rộng. Các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hiệu quả được ghi nhận, tạo phong trào thi đua rộng khắp.
Phong trào “Bình dân học vụ số” không phải là phong trào ngắn hạn mà là chiến lược dài hơi nhằm nâng cao dân trí số, tạo nên nền móng cho một xã hội số bền vững. Lai Châu với đặc thù vùng cao, đa dân tộc, địa hình phân tán càng cần chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong triển khai. Để phong trào thực sự đi vào đời sống, không ai bị bỏ lại phía sau, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của người dân. Có như vậy, Lai Châu mới thực sự chuyển mình trong kỷ nguyên số, không chỉ tiếp cận tri thức mới mà còn khẳng định bản lĩnh và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của một tỉnh biên cương thời đại mới.