Những bước chân Việt Nam vì đất nước thống nhất, hòa bình
Anh hùng Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu); Trung tướng Phạm Tuân; ba cựu chiến binh lái chiếc xe tăng 390 lịch sử; Thượng úy Phạm Duy Đô - chiến sĩ vẫy lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên tầng hai Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975… xuất hiện trong Chương trình truyền hình Những bước chân Việt Nam.

Anh hùng Phạm Tuân giao lưu trong Những bước chân Việt Nam. Ảnh: Trung Nghĩa
Những người hùng lịch sử. Những bước chân kiên cường. Những hy sinh của cha ông trong hành trình đấu tranh giành độc lập, mang lại hòa bình, thống nhất cho đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Chương trình giao lưu nghệ thuật Những bước chân Việt Nam với chủ đề đầu tiên Đường tới hòa bình có thời lượng 90 phút, lần đầu tiên phát trên kênh HTV9 ngày 28-4 gây cảm xúc dạt dào với khán thính giả.
Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Ở tuổi 98, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - đại tá tình báo Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu - từng là Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H63) tham dự chương trình Những bước chân Việt Nam tháng 4-2025 như một trong những chứng nhân lịch sử quan trọng trong hành trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cách đây hơn nửa thế kỷ.
Cụ Tư Cang kể, ông thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ từ Đại hội Tình báo quốc gia năm 1948 trong nghề đặc biệt, đặc thù và rất thầm lặng như tình báo. “Tình báo là tai mắt của Đảng và của Quân đội. Tai phải tỏ, mắt phải tinh, đầu óc phán đoán kịp thời, chân tay hành động chính xác thì ta nhất định thắng địch” - ông nói.

Hoạt động của những chiến sĩ tình báo cách mạng có những hy sinh “sẵn sàng chấp nhận”, có những đóng góp thông tin rất quan trọng phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đi đến thắng lợi mùa xuân năm 1975 vĩ đại. Anh hùng Tư Cang cùng những đồng đội kiên trung, mưu trí, dũng cảm của ông nhận được niềm kính phục sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ và mãi mãi về sau.
Những chiến công phi thường
Trung tướng Phạm Tuân (78 tuổi - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng Liên Xô, người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ) xuất hiện trước công chúng và nhận được rất nhiều sự yêu mến. Tướng Phạm Tuân kể về những chiến công phi thường không tưởng của lực lượng không quân Việt Nam, về “ý chí, trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam chúng ta” nói chung trong thời chiến làm nên những chiến công vang dội địa cầu.
Những phi công của không quân Việt Nam bảo vệ vùng trời quê hương bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm, góp phần quan trọng vào nhiều chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 81 năm qua.
“Tôi hy vọng Những bước chân Việt Nam trở thành sự kiện cộng đồng sẻ chia, học hỏi, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã sống, chiến đấu mang lại hòa bình và chung tay phát triển đất nước” - LAN NHI, tác giả và là nhà sản xuất dự án chia sẻ.
Có mặt trong Những bước chân Việt Nam, các cựu chiến binh: đại úy Vũ Đăng Toàn - nguyên Chính trị viên, nguyên Chỉ huy xe tăng 390; trung úy Ngô Sỹ Nguyên - nguyên pháo thủ số 1 của xe tăng 390; thượng sĩ Nguyễn Văn Tập - người lính trực tiếp lái xe tăng 390 cùng xúc động kể lại phút giây lịch sử cách đây 50 năm khi họ lái xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Tất cả (khi ấy còn rất trẻ) đều tiến vào Dinh Độc Lập với quyết tâm to lớn, sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào cho “trận chiến cuối cùng” với mục tiêu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vẻ vang.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - đại tá tình báo Tư Cang trong vòng tay của mọi người. Ảnh: Nguyễn Á
Thượng úy Phạm Duy Đô - người lính vẫy lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên tầng hai Dinh Độc lập báo hiệu an toàn để quân ta tiếp tục tiến vào ở thời điểm lịch sử trưa 30-4-1975, năm nay đã 75 tuổi, chia sẻ ký ức không phai mờ về thời khắc lịch sử: “Lúc bấy giờ tôi rất xúc động khi cùng đồng đội và đơn vị của mình có mặt vào giờ phút thiêng liêng ấy. Nhưng tôi cũng nhớ đến day dứt về những đồng đội của mình đã ngã xuống hy sinh anh dũng trước đó”.
Vào thời điểm cuối tháng 4-1975, Trung đoàn 116 mà ông Đô là chiến sĩ đặc công xuất sắc, có nhiệm vụ chiếm giữ và bảo vệ cầu xa lộ Biên Hòa, cầu Đồng Nai mở đường cho đại quân tiến thẳng vào Sài Gòn. “Còn sống sót trở về sau chiến tranh và được sống trong đất nước hòa bình độc lập 50 năm qua là niềm vinh dự to lớn đối với tôi” – ông Đô nói.
Những câu chuyện kể của các cựu chiến binh truyền cảm hứng không khí thiêng liêng của ngày hội non sông 50 năm thống nhất, tự do, “góp phần vào công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng, ý chí tự lực tự cường vươn lên cho thế hệ trẻ Việt Nam” như lời phát biểu của ông Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Những bước chân Việt Nam là chương trình khắc họa hành trình lao động, cống hiến, dấn thân của con người Việt Nam trên khắp các lĩnh vực; làm nổi bật tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí, bản lĩnh của con người Việt Nam và góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu hòa bình, thân thiện, hiện đại, hội nhập trong dòng chảy phát triển toàn cầu, khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Chương trình đầu tiên do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Công ty Anh Khang thực hiện. Những bước chân Việt Nam - Đường tới hòa bình sau khi công chiếu trên kênh HTV9 sẽ tiếp tục phát trên nền tảng số như kênh HTV Entertainment, YouTube, TikTok, Fanpage của dự án với nỗ lực tiếp cận khán giả nhiều nhất có thể nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng nhân ái, truyền cảm hứng sống đẹp trong thế hệ trẻ.