Những bức tượng phật khổng lồ ấn tượng thế giới trong ngôi chùa ở Tiền Giang
Tượng Phật Di Lặc bằng bê tông cốt thép cao 20m tại chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) được tạp chí Wanderlust của Anh bình chọn lọt top những tượng phật có kích thước khổng lồ ấn tượng thế giới hồi tháng 3 năm nay.

Cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang khoảng 3km, chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây khi nằm trong khuôn viên rộng gần 20.000m2. Chùa có khoảng 60 tượng phật được đúc bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, có niên đại từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Nhìn từ trên cao, các pho tượng Phật Di Lặc, tượng Phật A Di Đà, tượng Phật Thích Ca khá nổi bật.

Đặc biệt nhất là pho tượng Phật Di Lặc làm bằng chất liệu bê tông, cốt thép, cao 20m, nặng khoảng 250 tấn, khánh thành từ năm 2010. Bên trong tượng được thiết kế văn phòng làm việc của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang và một giảng đường, nơi nghỉ phục vụ cho 200 người.

Tượng Phật Di Lặc tại chùa Vĩnh Tràng từng được tạp chí Wanderlust của Anh bình chọn lọt top tượng phật có kích thước khổng lồ ấn tượng nhất thế giới.

Tượng Phật Thích Ca nằm được hoàn thành vào năm 2013 với chiều dài 32m, cao 10m, nặng 250 tấn bằng chất liệu bê tông, cốt thép. Các tượng lớn trong chùa được tạc tinh xảo, toát lên vẻ an nhiên, thoát tục của đức phật.


Bên cạnh những tượng phật khổng lồ, uy nghiêm, chùa Vĩnh Tràng còn có một tòa lầu tháp nằm ở phía sau. Tòa tháp này cao 7 tầng và đây cũng là nơi lưu giữ tro cốt của các phật tử và chư tăng trong chùa.


Không gian chùa rộng rãi, thanh tịnh với nhiều cây xanh, bonsai, hoa lá, hồ sen…

Chùa Vĩnh Tràng được xây theo dạng chữ "Quốc", lợp ngói đỏ, với vật liệu xây dựng là xi măng và gỗ quý. Công trình có diện tích 1.400m2, gồm bốn gian nối tiếp nhau là tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu. Mặt chính của chùa được xây bằng bê tông, tổng thể giống nhà cổ kiểu Pháp. Một phần nóc chùa ảnh hưởng của văn hóa Khmer, gạch men trang trí xuất xứ từ Nhật Bản.

Phía trong gian chánh điện và nhà tổ làm theo kiểu của người Hoa nhưng vẫn giữ nét kiến trúc Việt Nam. Trên mái treo nhiều hoành phi câu đối bằng chữ Hán. Các hàng trụ cột bên trong được làm bằng gỗ quý. Nối giữa các gian là khoảng không giếng trời hình vuông, có hòn non bộ tạc cảnh núi non chùa tháp, đậm bản sắc Việt.

Bên trong chính điện chùa bài trí nhiều tượng phật đúc bằng gỗ, đồng, đất nung, xi măng. Các tượng đều thếp vàng óng ánh và được tạc vào cuối thế kỷ 19.

Cổng chùa được xây dạng cổ lầu do nghệ nhân xứ Huế thực hiện năm 1933. Cổng giữa làm bằng sắt theo kiểu Pháp. Trên cổ lầu ban đầu để tượng các vị hòa thượng có công với chùa, sau được thay thế bằng tượng phật.

Trên tầng mái cổng tam quan được trang trí tinh xảo các tượng long, lân, quy, phượng, canh, mục, ngư tiều… Vật liệu bằng đồ sứ của Việt Nam, Trung Hoa với nước men xanh tạo màu sắc óng ánh.



Năm 2007, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa Vĩnh Tràng - ngôi chùa Việt Nam đầu tiên kết hợp phong cách kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây.