Những 'bức tường' chắn sóng
Các dự án kè chống sạt lở, ổn định cửa biển được đầu tư xây dựng đã bảo vệ khu dân cư cùng kết cấu hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp các địa phương vùng ven biển.
Hiệu quả
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết, trên địa bàn tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường, gây ra mưa to, sóng lớn. Ngoài ra, với yếu tố địa hình ngắn và dốc, lượng phù sa, bùn cát trong dòng sông bị mất cân bằng và từ mùa mưa bão năm 2020, tình trạng sạt lở đường bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp nên việc xây dựng kè ứng phó với sạt lở, bảo vệ bờ biển được xem là giải pháp hiệu quả hiện nay.
Ông Lê Quốc Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết, những năm qua, nhờ các nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã đầu tư các dự án kè chống sạt lở biển Quảng Công với chiều dài gần 2,7km, chia làm hai giai đoạn với tổng vốn đầu tư gần 280 tỷ đồng.
Dự án được triển khai xây dựng từ năm 2016, trong đó quan trọng nhất là giai đoạn 1 với tổng chiều dài gần 1,5km, gồm 4 điểm thuộc các thôn An Lộc và Tân Thành. Nhờ dự án kè này mà đường bờ biển được bảo vệ. Trước đây, bình quân mỗi năm, bờ biển qua địa bàn xã bị xâm thực từ 15-20m, nay tình trạng đó không còn nữa.
Có tuyến kè biển khu vực dân cư phía bên trong (khoảng 300 hộ dân) được bảo vệ cùng hệ thống hạ tầng giao thông, khu nuôi trồng thủy sản được giữ vững mỗi mùa mưa bão. Song song với đó, chính quyền địa phương tiến hành di dân tái định cư ở những khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm ổn định đời sống lâu dài cho người dân.
Tương tự, tại xã Phú Thuận (Phú Vang) những năm qua, các dự án kè chống sạt lở, bảo vệ đường bờ biển liên tục được triển khai. Là vùng sạt lở trọng điểm, tình trạng xâm thực ngày một hiện hữu với nguy cơ mở một cửa biển mới, mỗi năm đến mùa mưa bão, chính quyền địa phương phải huy động các lực lượng cùng vật tư để tham gia xử lý tạm thời các điểm sạt lở nghiêm trọng, bảo vệ đất sản xuất, khu dân cư.
Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, đến nay Phú Thuận đã được quan tâm đầu tư xây dựng khoảng 2,5km kè biển và 0,5km kè ngầm, với tổng kinh phí gần 354 tỷ đồng. Qua các mùa mưa bão, các dự án này đã phát huy hiệu quả trong việc ứng phó với tình trạng sạt lở, xâm thực.
“Hiện, chính quyền địa phương đang kiến nghị cấp trên sớm triển khai đầu tư kè tại bãi tắm Phú Thuận theo hướng đóng cọc bê tông dự ứng lực sát mặt đất để giữ bãi tắm, vì đây là khu vực xung yếu, khoảng cách từ phá ra biển khoảng 400m, có nguy cơ mở cửa biển mới”, ông Dân cho hay.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Sở NN&PTNT, từ năm 2008 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây kè chống xói lở bờ biển khoảng 6,5km, với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng qua địa bàn các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phú Thuận (Phú Vang), Giang Hải (Phú Lộc)…
Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, các công trình kè chống sạt lở được xây dựng đang phát huy hiệu quả, bảo vệ đất đai, hạ tầng các địa phương vùng biển. Ngoài các đoạn đã được đầu tư kè chống sạt lở, trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn 20km bờ biển (trong tổng chiều dài 128km) đang bị xâm thực, sạt lở. Hiện, các cơ quan chức năng đã đề xuất UBND tỉnh xây dựng kè các đoạn sạt lở xung yếu trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài giải pháp công trình, các giải pháp phi công trình cũng được các ngành chức năng lựa chọn nhằm ứng phó với sạt lở, xâm thực biển hiệu quả. Theo đó, tỉnh có kế hoạch phát triển rừng vùng cát ven biển và đầm phá tiếp tục quản lý, chăm sóc, bảo vệ 12.000ha rừng vùng cát ven biển; trồng mới 1.150ha với các loại cây như keo, phi lao, cây ngập nước và các giống cây bản địa để bảo vệ khu vực cồn cát ven biển. Trong đó, có các dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh đã trồng 255ha rừng trên cát ven biển, 126ha rừng ngập mặn ven đầm phá, 120ha rừng ngập ngọt…
Để có giải pháp xử lý sạt lở bờ biển miền Trung, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn Trung ương nghiên cứu tổng thể để đưa ra giải pháp chỉnh trị, chống xói lở bờ biển.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời ở những khu vực bị sạt lở nguy hiểm, vùng xung yếu. Chính quyền rà soát di dời các hộ dân sinh sống sát khu vực sạt lở trọng yếu, đặc biệt trong mùa mưa lũ hàng năm. Lắp dựng các biển báo, tiêu vè cảnh báo các khu vực sạt lở cho người dân nắm thông tin.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT lập quy hoạch thủy lợi tỉnh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai và một số điểm xung yếu để bảo vệ đê, kè; tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển; đồng thời, chỉ đạo điều tiết vận hành hợp lý các hồ thủy điện, thủy lợi thượng nguồn các sông nhằm giảm tình trạng sạt lở.
Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài đê biển được phê duyệt theo Chương trình nâng cấp đê biển của Chính phủ là 181km (trong đó có 174 cống) bảo vệ khoảng 12 nghìn ha lúa và hơn 40 nghìn người, tuyến đê sau khi được đầu tư chịu được bão cấp 9 và triều 5%. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư được khoảng 78km đê với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đạt khoảng 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình.