Những bức ảnh lịch sử về Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9
Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 diễn ra trong một thời gian rất ngắn, nhưng các nhà nhiếp ảnh đã hết sức cố gắng, để lại những bức ảnh quý, góp vào kho tàng nhiếp ảnh Cách mạng nước ta, đánh dấu những mốc son lịch sử đất nước.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, hàng vạn quần chúng xuống đường biểu tình giành chính quyền, nhiều nhà nhiếp ảnh đã kịp thời phản ảnh cuộc cách mạng long trời lở đất đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là hình ảnh nhân dân Thái Nguyên vùng lên giành chính quyền ngày 16/8/1945.
Đặc biệt ngày 17/8/1945, các chiến sĩ Việt Minh đã biến cuộc mít tinh do Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng. Một lá cờ đỏ sao vàng trên ban công Nhà hát lớn từ từ thả xuống mặt tiền nhà hát và trên bục diễn đàn, một phụ nữ (bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng), giọng nói dịu dàng, đầy sức quyến rũ, thay mặt Việt Minh, lên diễn thuyết. Rồi từ trong hàng ngũ quần chúng dự mít tinh hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng tung lên đỏ rực cả quảng trường. Hình ảnh bất tử đó được nhiếp ảnh gia Vũ Năng An ghi lên phim nhựa, để lại cho con cháu muôn đời sau.
Từ sáng sớm ngày 19/8/1945, cả Hà Nội còn trong giấc ngủ, bỗng có tiếng súng nổ rền vang từ chợ Đồng Xuân, bãi Phúc Xá, đồn Bảo an binh… vọng về, khắp Hà thành xuất hiện khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh, diệt phát xít” và cả thành phố rợp cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Trong các xóm thợ, các làng mạc ngoại ô, tiếng giáo mác, súng đạn, lưỡi lê, tiếng chân người rầm rập chuẩn bị cho giờ G, Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, theo lời hiệu triệu của Ủy ban khởi nghĩa.
Hàng vạn người nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận theo 5 cửa ô tiến vào thị uy trên khắp đường phố Hà Nội. Giữa biển người vang lên khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp xâm lược”, trong đó có nhiều nhà nhiếp ảnh tham gia như Nguyễn Bá Khoản, Vũ Năng An, Nguyễn Tiến Lợi, Võ An Ninh, Nguyễn Hồng Nghi… Họ vừa tham gia giành chính quyền và vừa kịp thời ghi lại những khoảnh khắc ngàn năm có một. Họ cố gắng để không bỏ sót bất cứ hình ảnh sự kiện nào. Để tất cả đều được thu vào ống kính.
Ngay sau ngày lễ độc lập, ông Trần Kim Xuyến, Trưởng Nha tuyên truyền của Chính phủ Lâm thời đã mời 32 nhà nhiếp ảnh đại diện cho các hiệu ảnh Hà Nội đến họp để bầu ra 6 vị nhiếp ảnh có uy tín vào Phủ Chủ tịch chụp ảnh Bác Hồ. Trong đó, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Vũ Năng An chụp, được chọn chính thức in phổ biến rộng rãi khắp cả nước, đáp ứng nguyện vọng nhân dân được nhìn thấy lãnh tụ kính yêu của mình.
Vũ Năng An với lòng yêu nước, căm ghét bè lũ xâm lược đã dồn sức lực, tranh thủ thời cơ bấm máy ghi toàn cảnh “Nhân dân Hà Nội giành chính quyền ở Phủ Khâm sai” (nay là Bắc Bộ phủ). Hình ảnh gây xúc động lớn, chỉ có quần chúng nhân dân tay không vẫn dũng cảm trèo qua hàng rào sắt tiến vào đánh chiếm “dinh lũy cuối cùng” của chính quyền tay sai phát xít Nhật ở Bắc Kỳ. Hình ảnh đó khiến người ta gợi nhớ lại cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, hàng ngàn binh lính, quần chúng cách mạng có vũ trang dưới sự lãnh đạo của V.I Lenine, đã leo qua cổng vào chiếm Cung điện Mùa đông ở Saint Petersburg.
Nhưng khác với Cách mạng Tháng Mười Nga, Cách mạng Tháng Tám, nhân dân chỉ tay không vẫn vùng lên giành chính quyền. Mặc dầu trước đó ta đã có Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 đội viên, nhưng phương châm như Hồ Chủ tịch đã nói: “Nhiệm vụ lúc này của Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chủ yếu là tuyên truyền vận động giác ngộ quần chúng”.
Trong lúc đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Khoản, phóng viên báo Cứu quốc, theo đồng bào tiến về Trại Bảo an binh (40 Hàng Bài, Hà Nội) chụp cảnh quần chúng xông vào phá cửa sắt của trại, trong tiếng hò reo như sấm dậy và hát vang bài ca cách mạng “Cùng nhau đi hùng binh”; “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi…”, khiến bọn lính khố xanh kinh hồn, bạt vía, không dám chống cự, xin giao nộp vũ khí cho Cách mạng.
Cuộc tổng khởi nghĩa lan rộng khắp cả nước. Nhiều bức ảnh chụp nhân dân các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ, Tây Nguyên, Nam bộ… xông lên giành chính quyền. Tại Sài Gòn, Gia Định, các nhà nhiếp ảnh Lê Văn Thi, Trần Đăng Lân, Trần Phượng, Nguyễn Văn Phú, đã chụp hình ảnh nhân dân Sài Gòn đứng lên giành độc lập.
Khắp cả nước, nhiều nhà nhiếp ảnh nghe theo lời kêu gọi của Cách mạng, rời khỏi phòng chụp (studio), xuống đường đi theo quần chúng và đã ghi được nhiều hình ảnh lớn lao diễn ra chưa từng có trong lịch sử 4.000 dựng nước và giữ nước của nhân dân ta như cuộc thoái vị của vua Bảo Đại, trao ấn kiếm cho Đại diện Chính quyền Cách mạng do ông Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn, ở cửa Ngọ Môn Huế, tháng 8/1945. Tất cả những hình ảnh ấy đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam tháng 8/1945.
Đặc biệt lịch sử còn lưu giữ những hình ảnh chụp về lễ Quốc khánh 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Hải Phòng, TP Huế, Nha Trang, Sài Gòn… khác với hình ảnh chụp ngày Cách mạng Tháng Tám, bộ ảnh do phóng viên ảnh Nguyễn Bá Khoản ghi lại hình ảnh ngày Lễ độc lập nghiêm trang, với những khối người đông đảo, trật tự trong những bộ quần áo mới, với những khuôn mặt hân hoan rạng rỡ, phấn khởi, đầy kiêu hãnh của tư thế người làm chủ đất nước, tưng bừng giữa rừng cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió. Đó là hình ảnh toàn cảnh lễ Độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử với đoàn Chủ tịch trên lễ đài và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời nước VNDCCH đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước VNDCCH (nay CHXHCN Việt Nam), ngày 2/9/1945.
Trên quảng trường là những khối quần chúng, hàng ngũ chỉnh tề và những đơn vị giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc trở về, trong bộ quân phục quần soóc, áo sơ mi cộc tay, đầu đội mũ ca lô lệch. Trong lúc đó, nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An, Nguyễn Tiến Lợi… say sưa chụp từng khối quân, dân đang đứng nghiêm, lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, còn cụ Võ An Ninh, chân khập khiễng đang đứng chờ khi cuộc mít tinh vừa xong, thấy xe Hồ Chủ tịch từ từ lăn bánh trên đường trở về nhiệm sở, Võ An Ninh tiến tới xin dừng xe Bác và lịch sự xin được chụp Bác một kiểu ảnh. Đó là bức ảnh rất sinh động chụp Hồ Chủ tịch đang nói chuyện thân mật với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ngồi cùng xe.
Còn tại Quảng trường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), nhân dân Sài Gòn - Gia Định tập trung dưới loa phóng thanh nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.