Những 'bóng hồng' truyền cảm hứng kinh doanh
Cùng với sự tiến bộ của xã hội, bình đẳng giới, đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam ngày càng hùng hậu. Trong đó có những người là chủ của tập đoàn nghìn tỷ, không ngại đứng đầu sóng ngọn gió để xây dựng cơ đồ cho bản thân cũng như làm giàu cho đất nước.
Doanh nhân nữ giàu nhất sàn chứng khoán
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là người đứng đầu trong top phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán, đứng thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam (tính theo tài sản trên sàn). Khối tài sản của bà trị giá gần 22.000 tỷ đồng, đến từ cổ phiếu HDB của Ngân hàng HDBank và VJC của Hãng hàng không Vietjet. Ngoài vị trí lãnh đạo tại hai doanh nghiệp này, bà còn là Chủ tịch của Tập đoàn Sovico – doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực có quy mô tổng tài sản lên tới 160.000 tỷ đồng.
Để đạt được vị trí như hiện tại, nữ tỷ phú đã khởi nghiệp và lao động chăm chỉ ngay từ khi còn là cô sinh viên tại Đại học Plekhanov (Nga). Lúc ấy, bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị… Sau 3 năm tích lũy nhờ buôn bán hàng hóa qua lại giữa các nước, bà Thảo có trong tay 1 triệu USD khi chỉ mới 21 tuổi.
Trở về Việt Nam, bà tham gia sáng lập và điều hành hai ngân hàng tư nhân là VIB và Techcombank. Đến năm 2008, bà đầu tư vào HDBank và trở thành Phó Chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng này. Tại HDBank, nữ doanh nhân ghi dấu ấn với 2 thương vụ M&A đình đám là sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua công ty tài chính SGVF từ ngân hàng Socíeté Générale (Pháp) rồi liên doanh với đối tác Nhật thành HD SAISON. Nhờ các thương vụ này, HDBank tăng trưởng nhanh chóng để tiến vào top những ngân hàng lớn trên thị trường.
Tên tuổi của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng gắn liền với Hãng hàng không Vietjet. Bằng chiến lược giá rẻ, Vietjet đã nhanh chóng thu hút được tệp khách hàng bình dân rộng lớn. Năm 2012, một năm sau khi cất cánh, Vietjet Air nắm khoảng 8% thị phần thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 41%, ngang ngửa với Vietnam Airlines khi đó là 42%. Từ đó đến nay, Vietjet Air luôn giữ thị phần cao và có những giai đoạn còn vượt cả Vietnam Airlines.
“Nữ tướng” ngành ô tô Việt Lê Thị Thu Thủy
Bà Lê Thị Thu Thủy không góp mặt trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, cũng chưa có cơ đồ cho riêng mình. Tuy nhiên, bà lại được biết đến rộng rãi với vai trò “nữ tướng” ngành ô tô Việt. Bà là CEO của VinFast.
Bà Thủy sinh ra tại Bình Định, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, Đại học Ngoại thương, có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) Đại học Quốc tế Nhật Bản. Trước khi gia nhập Vingroup, bà từng là Phó chủ tịch của Lehman Brothers tại các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Singapore. Bà cũng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản trên thị trường châu Á.
Năm 2013, bà là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013", về những đóng góp trong điều hành. Với danh hiệu này, bà Lê Thị Thu Thủy đã được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu thuộc WEF.
Năm 2017, khi Vingroup gia nhập thị trường ô tô, ông Phạm Nhật Vượng quyết định giao trọng trách phát triển thị trường cho bà Lê Thị Thu Thủy. Khi đó, bà đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Vingroup.
“Tháng 9/2017, tôi bắt đầu đi khắp thế giới để nói chuyện với những người trong ngành ô tô và cung ứng. Họ nghĩ rằng chúng tôi điên rồi, nhưng sau đó bắt đầu tin vào kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi có quan hệ tốt đẹp với BMW ngay từ lúc bắt đầu cũng như tương tác khá tốt với GM”, bà Thủy chia sẻ với báo giới.
Dưới sự dẫn dắt của bà Thủy, VinFast từ một tay chơi hoàn toàn mới trong ngành ô tô đã được thế giới biết đến. Tờ Reuters từng nhận định, bà là một trong số ít “nữ tướng” có đủ khả năng “thách thức” ông trùm xe điện Elon Musk với đế chế Tesla hùng mạnh.
Từ hai dòng xe “made in Việt Nam” là LUX A2.0 và LUX SA2.0 tại sự kiện Paris Motor Show 2018, VinFast hiện đã định vị là một hệ sinh thái xe điện, theo đuổi tham vọng ghi danh thương hiệu ô tô Việt vào bản đồ thế giới, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho sự phát triển tương lai bền vững.
Trong quý 3/2023, VinFast ghi nhận tổng doanh thu 342,7 triệu USD, tương đương 8.254 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2022. Trong kỳ, công ty đã bàn giao 10.027 ô tô điện, tăng gấp 65 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý đầu tiên VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq và tuân thủ các chuẩn mực báo cáo, công bố thông tin công khai cho công ty đại chúng tại Mỹ.
Nữ doanh nhân bước ra từ “đế chế” cà phê Trung Nguyên
Nhắc về “đế chế” Trung Nguyên, không thể không nhắc tới vai trò của nữ doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo, bởi bà chính là người đồng hành cùng “vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, với vai trò vừa là vợ vừa là cộng sự.
Sau khi ly hôn và rời khỏi Trung Nguyên, bà Thảo nhận về khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bà không chọn thong dong hưởng thụ cuộc sống mà bước vào công cuộc khởi nghiệp lần hai, cũng với cà phê. Nữ doanh nhân thành lập TNI King Coffee, với mục tiêu mang thứ hương vị đặc trưng đậm đà của Việt Nam chinh phục thực khách toàn cầu.
Kể từ lần đầu được giới thiệu tại thị trường Mỹ năm 2015 đến nay, thương hiệu cà phê của bà Thảo hiện đã có mặt tại hơn 120 quốc gia, trong đó có những thị trường nổi tiếng khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Trung Đông…
Những gói cà phê King Coffee hiện cũng đã nằm trên kệ hàng của các hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới như Walmart, Costco; có mặt trong hệ thống bán lẻ của Carrefour (được xem như Walmart của khu vực EU) hay chuỗi siêu thị Lulu Hypermarket tại khu vực Trung Đông; xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba, TMall…
Năm 2020, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được Tạp chí Global Brands Magazine (GBM) bầu chọn là CEO được ngưỡng mộ nhất trong lĩnh vực F&B (the Most Admired CEO in Food & Beverage industry). Năm 2022, bà được tạp chí hàng đầu của UAE là Global Business Review bầu chọn là “Doanh nhân Việt Nam của năm 2022”. Năm 2023, bà được tổ chức Women in Management (WIM) bầu chọn là một trong Top 50 nữ lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.
Không chỉ năng động trong kinh doanh, bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn rất tích cực trong các hoạt động xã hội. Bà chính là người thành lập dự án “Women Can Do” - một hệ sinh thái 4.0, trong đó các chị em phụ nữ có thể trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và học hỏi lẫn nhau.
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, “Women Can Do” kết nối 22 triệu phụ nữ trong mạng lưới của mình, hỗ trợ 100.000 phụ nữ khởi nghiệp. Mục tiêu là thành lập 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sau khi dịch Covid-19 kết thúc, đóng góp cho việc phục hồi kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Hướng tới hình ảnh nữ doanh nhân truyền cảm hứng, bà Thảo không ngại xuất hiện trên mạng xã hội, như kênh TikTok, để chia sẻ về những kinh nghiệm kinh doanh, khởi nghiệp sau nhiều năm chinh chiến thương trường. Khi đăng tải những hình ảnh trong cuộc sống thường ngày, nữ doanh nhân cũng luôn đính kèm những lời khuyên thú vị, truyền cảm hứng cho mọi người.
"Nếu muốn trở thành doanh nhân, đừng coi đó là công việc mà là một lối sống. Bạn phải học cách chấp nhận làm việc 24/7, biết cách cân bằng, ăn và ngủ trên máy bay trong nhiều chuyến đi công tác, với sự tập trung cao độ và cả niềm đam mê. Quan trọng là bạn cảm thấy thỏa mãn với điều gì đó từ chính mình", bà Thảo nhắn nhủ trong một bài viết.