Những 'Bông hồng thép' của Công an Thủ đô trong đội hình gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Lần đầu tiên, những nữ sĩ quan Công an Thủ đô có mặt trong đội hình Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Vượt qua những bài huấn luyện khắc nghiệt với quyết tâm không gì lay chuyển, những 'bông hồng thép' này đang dần chạm vào ước mơ gìn giữ hòa bình…

Đơn vị Cảnh sát Gìn giữ hòa bình số 1 của Việt Nam (VNFPU 1) là mô hình đầu tiên của Bộ Công an triển khai đội hình cảnh sát vũ trang, tập hợp lực lượng từ các đơn vị công an trên toàn quốc. Ngay sau khi thành lập, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã phối hợp tuyển chọn nhân sự và tổ chức đào tạo theo đúng tiêu chí của Liên hợp quốc. Từ 13-5 đến 30-7-2024, VNFPU 1 đã hoàn thành khóa huấn luyện cho 160 cán bộ, chiến sĩ. Sau hơn 2 tháng tập trung học tập và rèn luyện, đơn vị đã nỗ lực phát huy tối đa thể chất, kỹ thuật, chiến thuật, khả năng tác chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lần đầu tiên 7 nữ chiến sĩ Công an Thủ đô góp mặt cùng hơn 40 nữ sĩ quan CAND Việt Nam trong đội hình Cảnh sát Gìn giữ hòa bình số 1 của Việt Nam

Lần đầu tiên 7 nữ chiến sĩ Công an Thủ đô góp mặt cùng hơn 40 nữ sĩ quan CAND Việt Nam trong đội hình Cảnh sát Gìn giữ hòa bình số 1 của Việt Nam

“Vượt nắng, thắng mưa” để trưởng thành

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên 7 nữ chiến sĩ Công an Thủ đô góp mặt cùng hơn 40 nữ sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam trong đội hình VNFPU 1. Họ đến từ nhiều đơn vị, tuổi đời còn trẻ, thực hiện nhiệm vụ ở nhiều mảng, nhưng đều có chung nhiệt huyết vượt qua khó khăn để luyện tập, sẵn sàng tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình trong môi trường khó khăn, khắc nghiệt, nguy hiểm ở nơi xa Tổ quốc. Với những “bông hồng thép” của Công an Thủ đô, thời gian 80 ngày huấn luyện là hành trình đặc biệt để chạm tới những tiêu chí mới, từ điều lệnh, võ thuật, bắn súng, kỹ chiến thuật bắt, khám xét đến sơ cứu người bị nạn, phòng cháy chữa cháy và kỹ năng sinh tồn. Những nữ sỹ quan phải đảm bảo từ thời lượng đến chất lượng huấn luyện đầy đủ như các nam đồng nghiệp. Với lòng quyết tâm, những giọt mồ hôi của họ ngoài thao trường đã mang lại kết quả xứng đáng.

Đại úy Nguyễn Phương Thảo đến từ CAH Ứng Hòa cho biết: “Qua công văn của Cục Công tác đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) gửi công an các địa phương về việc tuyên truyền, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu về lực lượng này. Sau đó, tôi báo cáo cấp trên để liên hệ với Văn phòng Thường trực Bộ Công an về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để được hướng dẫn. Tôi yêu hòa bình và mong muốn mang sự bình yên của Thủ đô Hà Nội ra với thế giới, đó là lý do lớn nhất khi tham gia khóa huấn luyện”.

Đại úy Nguyễn Phương Thảo đã cùng đồng đội vượt qua những ngày tháng huấn luyện khắc nghiệt nhất. Ban ngày thì nắng như đổ lửa, chiều và đêm mưa dầm, nhưng họ vẫn phải căng mình trên sân tập. Dù nền thể lực rất tốt, lại từng tham gia nhiều đội tuyển quân sự võ thuật của Công an Thủ đô nhưng Thảo cũng có ngày tưởng chừng gục ngã. Đại úy Nguyễn Phương Thảo nhớ lại: “Không chỉ chúng tôi, ngay cả các đồng đội nam cũng hôm thì cảm nắng, hôm thì sốt, cơ thể vô cùng mệt mỏi vì huấn luyện khắc nghiệt.

Có lần hợp luyện sử dụng vũ khí, tôi còn bị dao đâm sượt qua đùi, cũng may là bị thương không quá nặng. Tôi luôn tự nhắc mình trước khi đi ngủ là hành trình này không thể gục ngã. Đây là những điều kiện cơ bản mà những Cảnh sát Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ phải vượt qua khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Ở Việt Nam là gần 40 độ C, nhưng khi sang châu Phi, nhiệt độ sẽ cao hơn nhiều. Và rồi mọi thứ đều qua đi. Chỉ còn lại những nụ cười khi hoàn thành từng khóa mục. Chúng tôi ai cũng sạm đi vì nắng gió, nhưng rắn rỏi, kiên định, trưởng thành hơn rất nhiều”.

Đại úy Nguyễn Phương Thảo nhớ mãi kỷ niệm khi được huấn luyện kỹ năng sinh tồn tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố hồi cuối tháng 6. “Chúng tôi ở trong rừng, không có nước, không có điện, cỏ cây dại mọc lút đầu. Tất cả bắt tay vào triển khai tăng võng, khu vực tác chiến, phân công các nhiệm vụ, quản lý quân tư trang… Lần đầu tiên ngủ trong rừng, tận hưởng cảm giác màn trời chiếu đất đúng nghĩa, cả trung đội hầu như đều khó ngủ. Đang thao thức thì bỗng có tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, tình huống giả định là bị tập kích, chúng tôi phải nhanh chóng triển khai phương án chiến đấu. Lúc đó không ai có cảm giác sợ sệt, chúng tôi tỉnh táo đến lạ kỳ, từng kiến thức, phương án đối phó hiện ra rõ mồn một. Cuối cùng chúng tôi đã hoàn thành tốt đợt huấn luyện đó, ai cũng mừng và có chút tự hào bởi nhận ra mình đã “lớn” hơn rất nhiều” - Đại úy Thảo tâm sự.

Vẻ đẹp không cần son phấn

Là nữ giới, nhưng lại đăng ký tham gia môi trường mà tương lai sẽ có mặt ở những vùng chiến sự nóng bỏng trên thế giới, Thượng úy Nguyễn Thị Bích Phương đến từ CAQ Đống Đa chia sẻ: “Khi đăng ký tham gia lực lượng Cảnh sát Gìn giữ hòa bình, tôi không nói ngay với bố mẹ mà tích cực làm công tác “dân vận” với gia đình từng câu chuyện nhỏ về ước mơ của mình. Giờ thì bố mẹ chính là nguồn động viên để tôi nỗ lực luyện tập trở thành nữ Cảnh sát Gìn giữ hòa bình trong tương lai”.

Đại úy Nguyễn Phương Thảo thì khác: “Khi biết tôi tham gia khóa huấn luyện, gia đình, người thân, bạn bè rất lo lắng. Nhiều người còn cho rằng đó là ý tưởng… điên rồ. Nhưng khi thấy tôi trưởng thành sau khóa huấn luyện, mọi người đều tin vào con đường tôi đã chọn. Con đường của thanh niên chẳng có gì khác ngoài việc cống hiến hết sức mình”

Môi trường huấn luyện khắt khe, tất cả 40 nữ sĩ quan Công an nhân dân Việt Nam đã thay đổi tác phong hoàn toàn. Những đồ trang điểm, trang sức, phụ kiện đã không còn thấy trong hành trang của họ. Thay vào đó là những buổi tối hào hứng cùng nhau ôn lại các thế võ, đường quyền, cách di chuyển, sử dụng các loại vũ khí… Đại úy Nguyễn Phương Thảo luôn đứng đầu đội hình khi triển khai các bài võ thuật, sử dụng vũ khí.

Thượng úy Nguyễn Thị Bích Phương thì gây ấn tượng mạnh với các chuyên gia của Liên hợp quốc bởi khả năng ngoại ngữ và hiểu biết sâu của mình về các lĩnh vực quốc tế, bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em… “Nếu được chọn cử đi phục vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình, tôi coi đó là niềm vinh dự, tự hào của cuộc đời người lính. Tôi sẽ vận dụng tối đa những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, giúp đỡ người dân sở tại từ những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất như những gì cán bộ, chiến sỹ Công an Thủ đô đang thực hiện mỗi ngày để phục vụ nhân dân” - Đại úy Thảo nói.

Tin vui lại đến khi vừa mới đây, Phái đoàn Thường trực Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc (ở New York, Mỹ) đã được Phòng Cảnh sát - Cục Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thông báo, VNFPU 1 được nâng lên cấp độ 2 trong Hệ thống Quản lý năng lực sẵn sàng triển khai nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ ngày 29-8-2024. Chỉ còn 2 cấp độ nữa là VNFPU 1 sẽ trong tư thế triển khai lực lượng nhanh ngay sau khi được Liên hợp quốc đề nghị. Đại úy Nguyễn Phương Thảo, Thượng úy Nguyễn Thị Bích Phương và các đồng đội đã sẵn sàng lên đường gìn giữ hòa bình, giữ vững sự bình yên cho mọi vùng đất trên thế giới.

Các cấp độ sẵn sàng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Hệ thống Quản lý năng lực sẵn sàng triển khai nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc phân ra 4 cấp độ.

Cấp độ 1: Quốc gia cam kết và thực hiện đăng ký trên hệ thống. Sau khi nộp đầy đủ giấy tờ đăng ký, hệ thống sẽ phê duyệt, ghi nhận cam kết cử quân và thông báo chính thức về việc đăng ký thành công.

Cấp độ 2: Sau khi được công nhận ở cấp 1, quốc gia cử quân chuẩn bị một phần nguồn lực (phương tiện, trang thiết bị, nhân sự) và đề nghị Liên hợp quốc kiểm tra, đánh giá năng lực.

Cấp độ 3: Quốc gia đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nguồn lực (phương tiện, trang thiết bị, nhân sự) có khả năng triển khai trong vòng 90 - 120 ngày sau khi được Liên hợp quốc có đề nghị.

Cấp độ 4 (triển khai nhanh): Có khả năng triển khai lực lượng nhanh trong vòng 60 ngày sau khi được Liên hợp quốc đề nghị.

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-bong-hong-thep-cua-cong-an-thu-do-trong-doi-hinh-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-post588571.antd
Zalo