Những bóng hình đằng sau tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng
Từ 'Cô bé gan dạ', qua 'Vũ Như Tô' đến 'Sống mãi với Thủ đô' và 'Lũy hoa', Nguyễn Huy Tưởng đã có một quá trình tích lũy vốn sống và trau dồi, sáng tạo không ngừng.
Năm 1940, ở tuổi 28, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có được cuốn sách đầu tiên của mình: truyện Cô bé gan dạ. Đó là một truyện thiếu nhi, in trong tủ sách Hoa xuân của tổ chức Hướng đạo mà ông là một “bầy trưởng”.
Được viết theo lối truyện dân gian, câu chuyện kể về một làng nọ, dân làng hàng năm phải đem nộp một thiếu nữ cho con quái thú đã nhiều năm đến chiếm cứ đền làng. Nếu trái lệ, chỉ cần nộp chậm một ngày, làng sẽ bị phạt vạ khiến nhiều người gặp họa. Lần này bắt thăm, vận rủi giáng xuống cô Thứ, song cô quyết không cam chịu số phận. Cô bảo bố mẹ đánh cho một cặp dao sắc, giấu kĩ trong người. Đến đêm, con quái thú từ dưới hang bò lên, cô lấy hết can đảm, chờ lúc nó đến đúng tầm, rút dao cắm phập vào cổ nó. Con vật ra sức vùng vẫy, nhưng cô dùng hết sức bình sinh nắm chặt chuôi dao giữ rịt lấy cổ nó. Lúc nó thôi quẫy cũng là lúc cô kiệt sức ngất đi…

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thời trẻ.
Ngoài ý nghĩa là truyện mở đầu trong toàn bộ sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Tưởng, Cô bé gan dạ còn là nơi tác giả gửi gắm tình cảm đối với một người thân của mình: người em gái Nguyễn Thị Thứ chẳng may mất sớm. Khi hai anh em ông lên năm sáu tuổi, cả hai bị ốm thập tử nhất sinh đến cả tháng trời. Được mẫu thân không quản ngày đêm chăm sóc, ông đã qua khỏi nhưng em gái thì không.
Rất lâu sau, Nguyễn Huy Tưởng còn nhớ mãi những kỷ niệm với người em vắn số. Lấy tên em đặt cho người hiệp nữ, tác giả cũng đồng thời thực hiện được một ước nguyện của mình: “Những nhân vật tưởng tượng có những đức tính đáng yêu: nghị lực, can đảm, trung hậu, tôi muốn đội cho họ tên của những người yêu quí của tôi.” (Nhật ký, 17-9-1938).
* * *
Năm 1941, Nguyễn Huy Tưởng viết kịch Vũ Như Tô. Vở kịch dựng câu chuyện nhà kiến trúc tài ba Vũ Như Tô giúp vua Lê xây Cửu trùng đài, một công trình có quy mô kì vĩ khiến quốc khố hao tổn, dân chúng điêu linh. Cuối cùng, dân chúng không chịu nổi lao dịch, sưu cao thuế nặng, đã theo Quận công Trịnh Duy Sản nổi dậy giết vua, đốt phá Cửu Trùng Đài, giết cả người xây.
Bên cạnh cặp tri âm tri kỷ Vũ Như Tô - Đan Thiềm, tác giả đã khắc họa một nhân vật rất đáng chú ý là Phó Cõi, người thợ mộc trung hậu, trợ thủ đắc lực của bác Cả Vũ Như Tô. Nguyên mẫu của nhân vật này chính là một phó mộc tên Cõi, cùng làng với tác giả.
Trong di cảo của Nguyễn Huy Tưởng có một tập “tự truyện” viết năm 18 tuổi mà ông đặt là Cái đời tôi. Ở đó ông kể về gia đình mình và chuyện làng Dục Tú của ông, trong đó có chú Phó Cõi được ông xem như một huyền thoại. Thật khó có tay thợ mộc nào làm được những cái mộng khít như chú. Đặc biệt, Phó Cõi có biệt tài về chữa khung cửi. (Bấy giờ, làng Dục Tú của ông có nghề dệt cửi.) Nhiều khung cửi hỏng, chú đến, ngó nghiêng tí chút rồi cầm dùi gõ một cái là lại chạy như thường. Phải cái chú nghiện rượu lại có tính gàn. Rượu vào, chú càng đua hơn. Ai bảo phải chú nói trái; ai gàn đừng về chú nhất định đòi đi, bất chấp trời nổi cơn giông… Thế nhưng ai cũng muốn vời đến chú, vì bên cạnh tài nghệ vô song chú luôn hết lòng vì công việc: “Giao cho chú làm việc gì, thì chú cắm đầu cắm cổ mà làm, không nghỉ một lúc nào, có khi mê mà quên cả ăn uống…”
Chính chú Phó Cõi ấy là người được thân phụ tác giả đón về làm một cái chòi lấy chỗ cho con chơi. Sau độ nửa tháng thì chòi hoàn thành. Đó là một cái chòi bằng gỗ, có gác, dựng ở cuối vườn. Nó cũng nhỏ thôi. Chỉ lên vài bậc cầu thang là tới căn gác, mỗi bề đôi ba mét. Nhưng dưới mắt tác giả, cái chòi ấy thật đặc biệt, phi thường, vì được chính tay Phó Cõi đóng cho, mà hai anh em có thể lên chơi suốt buổi không biết chán. Đến khi viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã lấy tên chú để đặt cho nhân vật Phó Cõi trong vở kịch của mình - một phó mộc tài hoa nhưng nghiện rượu, coi trời bằng vung nhưng quyết không “nhị tâm”. Đồng thời ông cũng lấy nhiều nét tính cách, nhất là tài nghệ và sự say mê công việc của chú đắp cho nhân vật Vũ Như Tô.
Với cảm hứng sáng tạo không cùng, ông đã đẩy tới một mẫu hình nghệ sĩ - kẻ sĩ tâm huyết với nghề và khát khao cống hiến, như chính lời họ Vũ tự biện cho việc mình làm: “Ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với Hóa công” … Và ta có thể nói không quá rằng, tất cả đã bắt nguồn từ người thợ chữa khung cửi nọ ở làng Dục Tú của nhà văn…
* * *
Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, kịch Vũ Như Tô (1941) và tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô (1961) có ý nghĩa mở đầu và kết thúc của một đời văn bền bỉ, có những thăng trầm nhưng cũng đầy hào hứng. Với Vũ Như Tô, rõ ràng ông đã có được một nguyên mẫu quý giá là chú Phó Cõi gây nhiều cảm hứng.
Vậy đến Sống mãi với Thủ đô, và cùng với đó là truyện phim Lũy hoa cùng đề tài, liệu Nguyễn Huy Tưởng có được cho mình một (hay những) nguyên mẫu nào không. Câu trả lời, theo chúng tôi là có, và đó là một bộ ba - Dân, Nhân, Thắng, đại diện cho lớp người Hà Nội bình dân tham gia kháng chiến. Dân, trung đội trưởng Vệ quốc đoàn, nguyên là một thợ nguội. Nhân, cô gái làng hoa Ngọc Hà, cùng chị em tiểu thương lo việc tiếp tế cho bộ đội. Thắng nguyên là một chú bé đánh giày, được anh Dân nhận vào làm trinh sát. Ba nhân vật này được ông tỏ rõ sự ưu ái, cả trong tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô với bộn bề nhân vật, cả trong truyện phim Lũy hoa nơi họ được đặt vào vị trí trung tâm. Với ba cái tên vô hình trung đã hợp thành một biểu tượng của cuộc kháng chiến: Nhân - Dân - Thắng!
Có điều thú vị, cả ba con người ấy đều từng hiện diện bằng xương bằng thịt trong cuộc đời nhà văn. Dân là tên một cán bộ ông gặp ở Ngã Tư Sở, gần nơi người ta đắp chiến lũy trong một lần ông vào mặt trận tây nam Hà Nội tìm hiểu tình hình, mấy ngày sau Toàn quốc kháng chiến. Thắng là tên một thiếu sinh quân thân quen với tác giả và nhà văn Kim Lân hồi kháng chiến chống Pháp, người được hai ông quan tâm chăm chút để bù đắp phần nào nỗi mất mát thiếu cha mẹ. Nhân là tên cô hàng xén ở chợ Sa, gần quê Nguyễn Huy Tưởng, người từng có với ông những kỉ niệm sâu sắc mà sau đây chúng tôi xin được nói kĩ. Quãng tháng 3 năm 1938, ông cảm một người con gái gặp ở ga đầu cầu và biết nàng bán hàng ở chợ Sa, gần làng Dục Tú quê ông. Ông làm quen với nàng và từ đó, người ta hay thấy ông cuối tuần ở chợ Sa. Nàng cũng cảm mến ông. Có lần ông về, nàng đang cua cỏ dưới ruộng, thấy ông liền “chạy lại tự tình”. Rồi một hôm trong lúc chuyện trò, nàng thân mật đến nỗi ném vỏ bưởi vào ông…
Bấy nhiêu những kỷ niệm ấy, như sau ông có viết trong nhật ký, “đã làm đầy lòng tôi năm ngoái, cái lòng dễ yêu, dễ cảm của tôi”. Và cùng với những cử chỉ tự nhiên ấy, thái độ thân mật ấy là ánh mắt dò hỏi, mong chờ của nàng mà đã hơn một lần ông bắt gặp. Nhưng ông đã để trượt đi để đến một ngày tháng hai năm sau, ông được tin nàng đã đi lấy chồng. Ông chỉ còn biết giãi bày sự tiếc nuối trong nhật ký và tự hỏi mình rằng, “Nhân có còn âm hưởng gì trong lòng ta nữa không?” …
Khó có thể nói “mối tình” với cô hàng sén ở chợ Sa của Nguyễn Huy Tưởng sâu sắc đến chừng nào, nó sẽ còn ám ảnh ông đến bao lâu. Dẫu sao, nó cũng đã trở lại với ông khi viết về Hà Nội kháng chiến trong những năm cuối đời mình. Trở lại vừa đủ mạnh mẽ, để ông lấy tên cô, và cả ảnh hình của cô nữa, để đặc tả cô gái làng hoa trong tiểu thuyết và truyện phim. Vừa đủ bàng bạc theo thời gian, để những trang văn như nhuốm màu hoài niệm.
Bạn đọc Lũy hoa hẳn còn nhớ hình ảnh Nhân bị trúng đạn hi sinh mà như thiếp ngủ trên bãi ngô, khi nhận nhiệm vụ ở lại cuối cùng lo cho các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rút ra. Và cảnh 7 năm sau, Dân, người yêu của cô, về Tiếp quản Thủ đô: giữa biển người rực rỡ cờ, hoa, “Anh suýt kêu lên một tiếng. Trong đám các cô hàng hoa, có ai hao hao như Nhân.” …
* * *
Và, như ta có thể thấy, từ Cô bé gan dạ, qua Vũ Như Tô đến Sống mãi với Thủ đô và Lũy hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã có một quá trình tích lũy vốn sống và trau dồi, sáng tạo không ngừng. Song trước sau ông luôn gìn giữ, nâng niu những gì mình trân quý để rồi trải lòng qua những trang văn…