Những bom xịt đáng quên trong giới siêu anh hùng
Trước cú ngã ngựa của 'The Flash', trang Screenrant có bài viết về 10 tác phẩm siêu anh hùng từng bị chê bai nội dung kịch bản hoặc thất bại nặng nề.
Green Lantern (2011): Tác phẩm được coi là một trong những bom xịt lớn nhất trong lịch sử khi mang về 220 triệu USD so với kinh phí sản xuất là 200 triệu USD. Trong phim, tài tử Ryan Reynolds thủ vai phi công Hal Jordan, người Trái Đất đầu tiên gia nhập quân đoàn đèn lồng xanh. Green Lantern bị chỉ trích do không bám sát nguyên tác DC Comics, hiệu ứng hình ảnh sơ sài và sự rời rạc trong kịch bản. Hãng phim Warner Bros. phải hủy bỏ hậu truyện sau khi chứng kiến bộ phim thảm bại tại phòng vé. Ảnh: Warner Bros..
Batman & Robin (1997): Bộ phim được đánh giá là tệ nhất trong lịch sử điện ảnh DC. Batman & Robin suy giảm mạnh mẽ ngay trong tuần thứ hai công chiếu và chỉ thu về con số khiêm tốn 238 triệu USD với ngân sách 125 triệu USD, theo Box Office Mojo. Nỗi thất vọng mang tên Batman & Robin buộc Warner Bros. hủy bỏ toàn bộ kế hoạch cho các phần tiếp theo. Kể từ đó, hãng phim không sản xuất bất kỳ bản live-action nào liên quan tới hiệp sĩ bóng đêm. Tới năm 2005, khán giả mới tái ngộ Người Dơi qua bộ phim Batman Begins do đạo diễn Christopher Nolan thực hiện. Ảnh: Warner Bros..
Fantastic Four (2005): Tác phẩm là màn chào sân của Bộ tứ siêu đẳng trên màn ảnh rộng do 20th Century Fox sản xuất. Phim nhận phản hồi tiêu cực nhưng vẫn ghi dấu tại phòng vé toàn cầu khi mang về 333 triệu USD với kinh phí 100 triệu USD, theo Box Office Mojo. Hãng phim khiến người hâm mộ bức xúc khi cho ra mắt hậu truyện Fantastic Four: Rise of the Silver Surfer (2007). Chưa kể, bản làm lại Fantastic Four ra mắt năm 2015 nhận về vô số chỉ trích và là thảm họa của dòng phim siêu anh hùng. Ảnh: 20th Century Fox.
Black Adam (2022): Dwayne "The Rock" Johnson đã thuyết phục Warner Bros. thực hiện bộ phim về ác nhân khét tiếng thuộc DC Comics. Trái ngược với mong đợi, Black Adam gây thất vọng về kịch bản, cốt truyện và hiệu ứng hình ảnh. Theo Box Office Mojo, bộ phim không thể hòa vốn khi tổng doanh thu chỉ đạt 393 triệu USD. The Rock muối mặt khi Black Adam trở thành bom xịt. Hiện, James Gunn chưa xác định tương lai của The Rock trong DCU. Ảnh: Warner Bros..
X-Men: The Last Stand (2006): Với ngân sách 210 triệu USD, bộ phim là một trong những dự án đắt đỏ nhất từng được thực hiện. Sau khi thu về 460 triệu USD toàn cầu, người hâm mộ vẫn cho rằng X-Men: The Last Stand để lộ rõ sự đuối sức trong loạt phim X-Men. Lấy cảm hứng từ sự kiện Dark Phoenix Saga, song bộ phim khiến khán giả thất vọng bởi xa rời nguyên tác. Ảnh: 20th Century Fox.
X-Men: Apocalypse (2016): Tác phẩm thứ ba trong loạt phim tiền truyện X-Men đã thu về 543 triệu USD so với ngân sách 178 triệu USD. Tuy nhiên, hình tượng về ác nhân khét tiếng nhất nhì Marvel sụp đổ do kịch bản rời rạc, lãng phí nhân vật cùng việc nhồi nhét quá nhiều tình tiết phụ. Áp lực thành công từ bộ đôi X-Men: First Class và X-Men: Days of Future Past khiến X-Men: Apocalypse không thể bứt phá. Ảnh: 20th Century Fox.
Thor: The Dark World (2013): Đây là dự án mờ nhạt nhất trong Giai đoạn 2 của MCU. Khai thác nhân vật nông cạn cùng một phản diện nhàm chán khiến bộ phim chịu chỉ trích. Nhờ hiệu ứng Avengers (2012), Thor: The Dark World vẫn đảm bảo bài toán thương mại khi thu về 644 triệu USD toàn cầu. Ảnh: Marvel Studios.
Justice League (2017): Tác phẩm được kỳ vọng khi quy tụ loạt nhân vật cộm cán trong DC Comics như Batman, The Flash, Wonder Woman, Cyborg, Aquaman cùng màn hồi sinh của Superman. Dẫu vậy, các vấn đề trong khâu sản xuất khiến sức hút của Justice League suy giảm. Vị trí đạo diễn của Zack Snyder được thay bằng Joss Whedon đặt dấu chấm hết cho bom tấn có kinh phí ước tính lên tới 300 triệu USD. Sau khi thu về 657 triệu USD trên toàn cầu, bộ phim nhận rất nhiều chỉ trích về nội dung và hiệu ứng hình ảnh. Ảnh: Warner Bros..
Suicide Squad (2016): Luồng gió mới của DC mang lại thành công khi thu về 747 triệu USD trên kinh phí 175 triệu USD. Nghịch lý bất ngờ xảy ra khi đạo diễn David Ayer hứng chịu phản hồi tiêu cực về kịch bản, khâu biên tập và lạm dụng âm nhạc trong phim. Chưa dừng lại ở đó, Warner Bros. đưa ra một quyết định khó hiểu khi bật đèn xanh cho dự án cùng tên thay vì phát triển hậu truyện. Ảnh: Warner Bros..
Spider-Man 3 (2007): Spider-Man (2002) và Spider-Man 2 (2004) của đạo diễn Sam Raimi trở thành cơn sốt toàn cầu về người hùng nhả tơ. Tới năm 2007, Spider-Man 3 thành công thu về 895 triệu USD. Tuy nhiên, bộ phim vấp phải phản ứng trái chiều của khán giả. Họ chỉ trích Spider-Man 3 đánh mất sự hài hước, nhân vật do Tobey Maguire thủ vai thiếu chiều sâu so với hai phần trước. Bên cạnh đó, tạo hình ác nhân Venom là giọt nước tràn ly khiến người hâm mộ nuối tiếc cho loạt phim. Ảnh: Sony Pictures.