Những bộ hài cốt bí ẩn trong hang đá ở Nghệ An, có phải là di chỉ khảo cổ?
Mới đây, việc phát hiện nhiều bộ xương, hộp sọ tại hang Lèn Chùa ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) được nhận định là di cốt của cư dân thời kỳ văn hóa Hòa Bình cách đây khoảng 10.000 năm khiến người dân địa phương không khỏi bất ngờ và xôn xao.
Nhiều giả thiết được đưa ra, trong đó có khả năng đây là một di chỉ khảo cổ. Hiện, cơ quan chức năng đang bảo vệ nghiêm ngặt, tích cực điều tra và xác minh lai lịch của những bộ hài cốt này.

Hang Lèn Chùa.
Phát hiện bí ẩn
Theo ghi nhận, khu vực phát hiện nằm tại núi đá có tên gọi Lèn Chùa, cách quốc lộ 48 và khu dân cư khoảng 1 km. Bao quanh ngọn núi là các thửa ruộng trồng hoa màu của người dân địa phương.
Các bộ hài cốt được tìm thấy chỉ cách cửa hang chừng 3 mét. Tiến sâu vào bên trong, tiếp tục phát hiện nhiều bộ hài cốt khác, gồm hộp sọ và các đoạn xương đã gãy vụn. Đáng chú ý, có những hộp sọ nhỏ hơn so với các hộp sọ còn lại. Nhiều đoạn xương đã được gom lại, để trên các tấm vỏ bao bì. Bề mặt nền hang ở bên trong có nhiều dấu vết đào bới, còn khá mới.
Bước đầu, cơ quan chức năng ghi nhận có 18 bộ hài cốt, hộp sọ nằm rải rác dưới nền đất và vách đá. Bên cạnh các hài cốt còn xuất hiện nhiều vỏ ốc, vỏ sò, mảnh gốm vỡ. Do điều kiện trong hang sâu và tối, lực lượng chức năng chưa thể kiểm đếm toàn bộ, nên số lượng cụ thể các bộ hài cốt vẫn đang được tiếp tục xác minh.

Cửa hang Lèn Chùa.
Anh Phạm Trịnh Tiến, một người dân sống tại xã Nghĩa Thành, cho biết, chiều ngày 23/4, trong lúc đi làm qua khu vực núi đá Lèn Chùa, thấy lối mòn vào hang có dấu hiệu bất thường so với trước đó nên tò mò vào hang để xem. Tại đây, anh Tiến phát hiện hai vật thể giống như hộp sọ người nằm ở hai vị trí khác nhau nên gọi điện cho một người em tới xem.
Sau khi quan sát kỹ, cả hai đều xác định đó là một phần sọ người nên lập tức báo cho công an viên của xóm. Sự việc sau đó nhanh chóng được cấp báo lên chính quyền xã và cơ quan chức năng tỉnh.

Cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục xác minh, điều tra lai lịch của những bộ hài cốt được phát hiện tại hang núi đá ở xã Nghĩa Thành.
Kể từ khi phát hiện ra sự việc, cơ quan chức năng đã tiến hành bảo vệ khu vực hang đá để điều tra, bảo tồn hiện trường.
Tại đây, ghi nhận có 2 hộp sọ và một số khúc xương (nghi là xương người). Khi tiến sâu vào hang, lực lượng chức năng phát hiện thêm nhiều xương và hộp sọ khác. Bước đầu, cơ quan chức năng ghi nhận có 18 bộ xương, hộp sọ nằm rải rác dưới nền đất, trên vách đá. Bên cạnh có nhiều vỏ ốc, sò, mảnh gốm vỡ. Đến nay, do đá sâu và tối nên công tác kiểm đếm vẫn chưa hoàn tất.
Theo bà Hoàng Thị Cầm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành, hang đá này từng được sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí trong chiến tranh, nên cơ quan chức năng cũng đang tiến hành dò mìn trong khu vực để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành kiểm tra hài cốt. Sau khi công tác kiểm tra hoàn tất, các bộ hài cốt sẽ được đưa đi giám định để xác định niên đại.

Hộp sọ và xương được phát hiện trong hang.
Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng cho biết, trước khi sự việc này được phát hiện ít ngày, họ thấy có một số người lạ mang theo máy dò phế liệu đến khu vực hang. Tuy nhiên, do máy rà phế liệu có hình dạng khá giống máy cắt cỏ nên ai cũng nghĩ họ đến cắt cỏ thuê. Rất có thể, trong quá trình rà tìm phế liệu, những người này đã phát hiện các bộ hài cốt, sau đó đào bới rồi gom lại và để tại đây.
Manh mối về một di chỉ khảo cổ?
Nhận định ban đầu về nguồn gốc các bộ hài cốt, ông Hồ Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho rằng, căn cứ vào địa hình, đặc điểm hang động cùng những hiện vật như vỏ ốc, mảnh gốm vỡ tìm thấy tại hiện trường, có khả năng khu vực này từng là nơi cư trú của người xưa.

Khu vực hang đá này đang được cơ quan chức năng bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo ông Hà, bước đầu có thể nhận định khu vực này có sự tương đồng với một số di chỉ khảo cổ học đã từng được khai quật trước đó tại Nghệ An như hang Thẩm Ồm, Đồng Trương... Những dấu vết nổi bật tại hiện trường như: dấu tích cư trú trong hang, công cụ đá ghè đẽo thô sơ, dấu vết sử dụng lửa, và đặc biệt là hình thức chôn cất ngay tại nơi sinh sống, đều là những đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa Hòa Bình, nền văn hóa có niên đại khoảng 10.000–3.000 năm trước Công nguyên, thuộc giai đoạn hậu kỳ đồ đá cũ và sơ kỳ đồ đá mới.
Ông Hà cho biết thêm, cư dân văn hóa Hòa Bình thường chọn các hang động, mái đá ven núi, gần sông suối và đồng ruộng để sinh sống, thuận tiện cho việc lấy nước, săn bắt và hái lượm. Họ sống thành từng nhóm nhỏ theo huyết thống, sử dụng công cụ thô sơ bằng đá, vỏ sò, vỏ ốc. Khi có người qua đời, họ an táng ngay trong hang cùng với các vật dụng thân thuộc, phủ dưới lớp vỏ sò, nhuyễn thể.



Một số hiện vật được phát hiện trong hang Lèn Chùa.
"Trong điều kiện môi trường hang động nơi bóng tối và yếm khí xương cốt có thể tồn tại suốt hàng nghìn năm mà chưa mục nát hoàn toàn. Nhận định ban đầu, rất có thể đây chính là địa bàn cư trú của người tiền sử, có niên đại hàng nghìn năm. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chính xác, cần phải có sự giám định chuyên sâu của các cơ quan chức năng và giới chuyên gia khảo cổ học," ông Hà nhấn mạnh.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An cho biết, cơ quan này giao Bảo tàng Nghệ An phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành khảo sát khu vực phát hiện hài cốt. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng bảo vệ và giữ nguyên hiện trường. Trong trường hợp xác định đây là di chỉ khảo cổ, cơ quan chức năng sẽ xây dựng phương án khai quật để phục vụ công tác nghiên cứu.
Hang đá Lèn Chùa nằm giữa cánh đồng mía, giáp ranh giữa hai xã Nghĩa Thành và Nghĩa Hưng, cách khu dân cư khoảng 200 m, rất ít người qua lại, lối vào đầy cỏ dại và cây cối bao phủ.