Những biểu tượng của TP.HCM sau 50 năm phát triển
Nhiều công trình không chỉ mang lại giá trị sử dụng thực tiễn mà còn trở thành biểu tượng kiến trúc hiện đại, góp phần định hình bản sắc đô thị của TP.HCM.
50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP.HCM không ngừng nỗ lực trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông và đô thị. Thành phố đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc, với hàng loạt dự án và công trình trọng điểm góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều công trình không chỉ mang lại giá trị sử dụng thực tiễn mà còn trở thành biểu tượng kiến trúc hiện đại, góp phần định hình bản sắc đô thị của TP.HCM.
Xin điểm lại một số dự án, công trình tiêu biểu đã và đang tạo dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển của thành phố.
1. Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng: Đầm lầy thành đô thị, biểu tượng quá trình đô thị hóa
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7) với xương sống là Đại lộ Võ Văn Kiệt là biểu tượng về sự phát triển vượt bậc của TP.HCM khi từ chỗ là một vùng đầm lầy đã trở thành một đô thị “kiểu mẫu” của Việt Nam.
Khởi nguồn từ việc Công ty LD Phú Mỹ Hưng (PMH) được cấp Giấy phép đầu tư xây dựng đô thị mới từ tháng 5/1993. Đến 12/1994, quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt và tháng 7/1996, chủ đầu tư bắt đầu xây dựng hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng
Ngày 30/12/1996, Đại lộ Nguyễn Văn Linh giai đoạn 1 được khởi công với sự tham dự của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến tháng 2/1998, thông xe giai đoạn 1… Tuyến đường được hoàn thành toàn bộ vào tháng 12/2027.
Đại lộ dài 17,8km, lộ giới 120m có 10 làn xe gồm 6 làn xe cao tốc và 4 làn xe hỗn hợp; riêng đoạn đi qua Khu A – Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng có 14 làn xe. Chính giữa đại lộ là phần đất công viên rộng 18 - 36m dự phòng để phát triển dự án metro trong tương lai.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là sự mở đầu thực hiện ý tưởng công nghiệp hóa – đô thị hóa trên vùng đất nông nghiệp năng suất thấp thuộc huyện Nhà Bè trước đây (nay là Quận 7 và Huyện Nhà Bè) và Bình Chánh.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh không chỉ là trục giao thông huyết mạch của khu Nam TP.HCM, mang ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội mà còn là tuyến đường rất quan trọng nối kết đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi về các tỉnh miền Tây và cầu Phú Mỹ đi Quận 2, Cát Lái, Nhơn Trạch, Long Thành.
2. Đại lộ Đông – Tây và hầm vượt sông Sài Gòn: Đại lộ chiến lược với hầm sông hiện đại nhất Đông Nam Á
Đại lộ Đông - Tây hay Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, là một tuyến đường đi qua trung tâm TP.HCM. Đại lộ dài 21,9km, chạy dọc theo kênh từ Quốc lộ 1 huyện Bình Chánh, vượt sông Sài Gòn bằng hầm vượt sông, kéo dài đến nút giao thông Cát Lái (TP Thủ Đức); đi qua địa bàn các quận 1, 5, 6, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây, và kết nối hai đầu Đông Bắc - Tây Nam thành phố.

Đại lộ Đông – Tây và hầm vượt sông Sài Gòn
Đại lộ Đông - Tây tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông ra vào cảng Sài Gòn và từ đây đi các tỉnh miền Đông và miền Tây không phải đi vào trung tâm thành phố. Đây là con đường huyết mạch liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư 13.400 tỷ đồng; khởi công từ tháng 1/2005 và hoàn thành toàn bộ vào 2011.
Trên tuyến, hầm Thủ Thiêm dài gần 1.500 m, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, nối Quận 1 với Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) là hạng mục quan trọng nhất. Việc thi công một công trình chưa từng có ở Việt Nam và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả đã vượt qua để hoàn thành công trình, trở thành một biểu tượng mới về tinh thần vượt khó.
3. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): Mở ra kỷ nguyên giao thông đô thị hiện đại
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007. Đến tháng 8/2012 bắt đầu khởi công triển khai việc xây dựng các gói thầu xây lắp và dự kiến hoàn thành vào 2018. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau từ nguồn vốn, giải phóng mặt bằng… đến tháng 12/2024, dự án mới chính thức đi vào vận hành thương mại.
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, TP Thủ Đức thuộc địa bàn TP.HCM và phần cuối tuyến nằm trên địa phận thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Toàn tuyến có 14 nhà ga, trong đó nhà ga số 1,2,3 nằm ngầm dưới mặt đất.

Tuyến Metro số 1 mở ra kỷ nguyên giao thông đô thị hiện đại
Hiện tuyến Metro số 1 hoạt động từ 5-22h hằng ngày, mỗi ngày chuyên chở khoảng 50.000 - 70.000 lượt hành khách.
Từ tuyến khởi đầu này, TP.HCM đang định hướng xây dựng 355 km metro từ nay đến 2035. TP.HCM sẽ phát triển các tuyến metro với định hướng TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).
4. Cầu Phú Mỹ
Cầu Phú Mỹ là một trong những cây cầu dây văng lớn nhất tại TP.HCM, bắc qua sông Sài Gòn, nối liền Quận 7 và TP Thủ Đức. Cầu được khởi công xây dựng vào tháng 9/2005 và hoàn thành vào 2/9/2009, vượt tiến độ 4 tháng. Đây là một công trình quan trọng giúp cải thiện giao thông giữa các khu vực trọng điểm của TP.HCM, giảm tải cho các tuyến đường hiện tại, và kết nối khu đô thị Phú Mỹ Hưng với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu Phú Mỹ
Cầu Phú Mỹ có tổng chiều dài hơn 2km, bao gồm 6 làn xe, và có thể phục vụ lên đến 100.000 lượt xe qua lại mỗi ngày. Cầu Phú Mỹ một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM, không chỉ giúp kết nối các khu vực quan trọng của thành phố mà còn là biểu tượng của sự phát triển và hiện đại hóa. Với thiết kế cầu dây văng tiên tiến và khả năng phục vụ lượng giao thông lớn, cầu Phú Mỹ đã góp phần giảm tải ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
5. Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Dòng kênh xanh uốn lượn giữa lòng thành phố
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các Quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn.
Trước khi cải tạo, dòng kênh bị ô nhiễm nặng nề, hai bên bờ cỏ rác um tùm, nhà cửa xụp xuệ. Dự án được khởi công từ năm 2003 với tổng mức đầu tư 8.600 tỷ đồng.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Đến tháng 8/2012, dự án hoàn thành với con kênh sạch đẹp uốn lượn quan nhiều địa bàn; hai bên dòng kênh là con đường Hoàng Sa - Trường Sa rợp bóng cây. Cặp đường mang tên hai quần đảo của Tổ quốc này là con đường có đặc trưng là rất ít giao lộ, ít đèn đỏ nên cũng hiếm cảnh kẹt xe so với bối cảnh chung của TP.HCM.
6. Tòa tháp Bitexco: Búp sen biểu tượng kiến trúc mới
Tòa tháp Bitexco tọa lạc tại đường Hải Triều, ngay sát bên Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). Khi xuất hiện, tòa nhà Bitexco trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam (hiện nay là tòa nhà cao thứ 4). Tòa nhà được xây dựng trên diện tích gần 6.100 m². Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 220 triệu USD.

Tòa nhà Bitexco nổi bật ở khu trung tâm Thành phố
Tòa tháp cao 68 tầng, hình búp sen đang nở thể hiện sự vươn lên. Ngoài kiến trúc độc đáo, tòa nhà này còn có một điểm đặc biệt là sân đỗ trực thăng ở tầng 50. Đây là nơi thực hiện nhiều chương trình văn nghệ đặc biệt của đất nước. Mới đây, sân đỗ này là nơi để các lãnh đạo quân đội quan sát và chỉ huy các máy bay tham gia biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
7. Landmark 81: Tòa nhà cao nhất Việt Nam, biểu tượng vươn lên tầm cao mới của TP.HCM
Tương tự như tháp Bitexco, tòa nhà Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam, thứ 2 Đông Nam Á và 17 thế giới. Đây là tòa tháp thuộc tổ hợp dự án Vinhomes Central Park trị giá 1,4 tỷ USD do Vingroup làm chủ đầu tư.
Tòa nhà được xây từ tháng 12/2014 và khi đến tầng 69 đã vượt qua độ cao của Bitexco. Đến tháng 7/2018, Landmark 81 chính thức được khánh thành và hoạt động hạng mục đầu tiên là TTTM Vincom Center Landmark 81.

Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam nằm ở quần thể dự án Vinhomes Central Park
Hiện nay tòa nhà chọc trời này là biểu tượng đặc biệt của TP.HCM khi dù bất kỳ hướng nào ở khu vực trung tâm của TP cũng có thể dễ dàng nhìn thấy tòa nhà này. Đây là điểm nhấn ở khu vực phía Đông thành phố với cụm quần thể cầu Sài Gòn 1 và 2, Landmark 81, tổ hợp Vincom Central Park và gần đó là Saigon Pearl…
8. Cầu Ba Son: Điểm nhấn giữa dòng sông Sài Gòn, kết nối đôi bờ
Cầu Ba Son (ban đầu tên là cầu Thủ Thiêm 2) nối Quận 1 và TP Thủ Đức. Cái tên Ba Son có từ năm 1790, khi chúa Nguyễn Ánh đặt trại thủy quân và xây dựng "xưởng thủy" bên sông Sài Gòn. Ba Son được ghi dấu là cái nôi của ngành công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu thủy của Việt Nam. Ngoài ra, tên gọi này cũng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Cầu Ba Son dài 1,4 km với thiết kế dây văng, có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (Quận 1), điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1, TP. Thủ Đức). Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), khởi công từ năm 2015 và hoàn thành vào dịp 30/4 năm 2022, sau 7 năm thi công.

Cầu Ba Son: Điểm nhấn giữa dòng sông Sài Gòn
Với thiết kế độc đáo bắc qua sông Sài Gòn, cầu Ba Son trở thành điểm nhấn cảnh quan trong khu vực với dải công trình kéo dài từ Bến Nhà Rồng, Công viên bến Bạch Đằng, cầu Ba Son, cầu Thủ Thiêm và Landmark 81…Vào ban đêm, cầu Ba Son lung linh ánh đèn, như một sợi chỉ kết nối đôi bờ. Đây cũng là dự án giao thông quan trọng, giúp giảm áp lực giao thông lên đường hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn…
9. Đại lộ Phạm Văn Đồng: Tuyến đường nội đô hiện đại kết nối sân bay
Từ một tuyến đường đất, Đại lộ Phạm Văn Đồng nay đã trở thành một trong những tuyến đường nội đô đẹp và hiện đại nhất TP.HCM.
Tuyến đường dài gần 14 km, đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Trong đó, đoạn từ Linh Xuân đến vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) dài hơn 12 km, rộng từ 30–65 m với 6–12 làn xe. Phần còn lại dài hơn 1,5 km, vượt qua Công viên Gia Định, kết nối đến cổng sân bay Tân Sơn Nhất và chia thành hai nhánh: đường Hồng Hà và Bạch Đằng, mỗi tuyến rộng 20 m với 3 làn xe.

Đại lộ Phạm Văn Đồng: Tuyến đường nội đô hiện đại kết nối sân bay
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 340 triệu USD, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT – xây dựng, chuyển giao), được khởi công năm 2008. Tuyến đường được đưa vào khai thác giai đoạn đầu dài gần 5 km (từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu, bao gồm cầu Bình Lợi) từ năm 2013 và thông xe toàn tuyến vào năm 2016.
Trên tuyến có cầu Bình Lợi là cầu lớn nhất bắc qua sông Sài Gòn, dài hơn 1 km với 6 làn xe mỗi chiều. Cầu được thiết kế vòm Nielsen cao 35 m, rộng 28 m, dài 150 m, trọng lượng 3.000 tấn – là hạng mục kỹ thuật đặc biệt, lần đầu tiên được triển khai cho công trình cầu tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Không chỉ có thiết kế đẹp và hiện đại, Đại lộ Phạm Văn Đồng còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và kết nối giao thương khu vực cửa ngõ Đông Bắc TP.HCM. Tuyến đường này kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất qua các quận Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, TP Thủ Đức đến các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, và các trục quốc lộ quan trọng như Quốc lộ 1, 1K, 13 – nối liền vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, tuyến đường đã giải quyết hiệu quả bài toán kết nối giữa sân bay Tân Sơn Nhất và các khu vực phía Đông Bắc, góp phần quan trọng vào việc giảm ùn tắc giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.