Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính, buộc bệnh nhân phải điều trị lâu dài. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường thường gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể: tim mạch, thận, mắt,...
Biến chứng về mắt: Người bệnh có thể mắc các bệnh khiến thị lực suy giảm. Nguyên nhân gây ra biến chứng ở mắt là do lượng đường huyết tăng cao dẫn tới các hệ thống vi mạch, mạch máu ở mắt bị tổn thương, gây ra các vấn đề về mắt.
Biến chứng về tim mạch: Biến chứng tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bệnh đái tháo đường. Con số thống kê lên đến 80%. Nguyên nhân là do lượng đường trong máu quá cao khiến huyết áp tăng, các chất béo và cholesterol trong máu lắng đọng trên thành mạch, tạo ra các mảng xơ vữa có thể gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Biến chứng ở chân: Một trong những hội chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đó chính là phù chân. Ở những bệnh nhân tiểu đường, lượng đường có trong máu thường cao hơn so với người bình thường, làm tích tụ máu dưới chân, gây phù chân.
Biến chứng về da: Người bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao làm hệ miễn dịch suy yếu, tăng khả năng nhiễm trùng da nếu vi khuẩn xâm nhập. Vết cắt, phồng rộp hoặc vết nứt trên da sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây nguy cơ nhiễm trùng da, ngứa, viêm nang lông.
Biến chứng về thận: Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tổn thương thận, khiến chức năng thận suy giảm, dẫn đến suy thận, phải chạy thận hoặc ghép thận.
Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường cần tăng cường tập thể dục, ăn uống lành mạnh và khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát những biến chứng không mong muốn. Trong chế độ ăn hàng ngày, nên hạn chế các thức ăn chưa nhiều tinh bột như gạo, ngô, bánh mỳ hoặc các thức ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh,...
Diệp Thảo/VOV.VN MedicalNewsToday