Những 'bí ẩn' quanh trận đấu dài nhất lịch sử làng cờ vua thế giới

Cách đây 40 năm, trận chung kết Giải vô địch cờ vua thế giới 1984 - 1985 tại Matxcơva giữa 2 đại kiện tướng Garry Kasparov và Anatoly Karpov bị hủy giữa chừng trong khi đã kéo dài kỷ lục tới 5 tháng. Đó là trận đấu còn mang giá trị biểu tượng, là sự đấu tranh giữa lực lượng bảo thủ và tiến bộ của Liên Xô. Và đằng sau quyết định gây tranh cãi nhất mọi thời đại này là những câu chuyện đến giờ chưa có lời giải đáp.

Đại kiện tướng cờ vua người Nga Gennadi “Genna” Sosonko vẫn nhớ thời điểm cách đây 40 năm, khi ông nghe tin trận chung kết Giải vô địch cờ vua thế giới 1984-1985 tại Matxcơva bị hủy bỏ. “Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó vì tôi đang ở Thụy Sĩ. Tôi đã cùng với Viktor Korchnoi (cũng là đại kiện tướng) mở đài phát thanh Thụy Sĩ thì nghe tin Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) Florencio Campomanes dừng trận đấu. Ồ, làm sao điều này có thể xảy ra chứ?”.

Khi đó, trận đấu đã kéo dài 5 tháng, dài hơn bất kỳ trận đấu nào thuộc giải này. Người ta ví đó là trận đấu mang tính biểu tượng, kết quả của nó sẽ phản ánh tương lai Liên Xô. Tại sao như vậy? Nếu Karpov thắng sẽ là động lực cho lực lượng bảo thủ của một quốc gia đang trượt dốc tới bờ của sự giải thể. Ngược lại, nếu Kasparov thắng sẽ là sự xác nhận thời thế đang thay đổi, rằng một điều gì đó mới mẻ, thú vị và đáng sợ sắp xảy ra. Nhưng trận đấu sau 48 ván không phân thắng bại đã đột ngột dừng lại. Nó có ý nghĩa gì?

Sau năm 1984, đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov giành chiến thắng 4 giải vô địch cờ vua thế giới liên tiếp

Sau năm 1984, đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov giành chiến thắng 4 giải vô địch cờ vua thế giới liên tiếp

Sự va chạm của truyền thống và hiện đại

FIDE đã tổ chức Giải vô địch thế giới đầu tiên vào năm 1948 và từ đó cho đến cuối thế kỷ 20 đã có 23 trận tranh chức vô địch diễn ra. Trong số đó, chỉ có một trận nhà vô địch không phải là công dân Liên Xô, đó là Bobby Fischer vào năm 1972.

Cờ vua ở Liên Xô không chỉ là một môn thể thao, một trò chơi với 64 ô vuông và 32 quân cờ. “Cờ vua ở Nga là một loại tôn giáo” - ông Sosonko nói. Nửa sau thế kỷ 20, các kỳ thủ Liên Xô áp đảo làng cờ vua thế giới. Sự thống trị của họ trong môn thể thao này một phần là do họ được nhà nước chăm sóc đặc biệt tốt. “Điều kiện dành cho các kỳ thủ là không thể so sánh với các giải đấu ở phương Tây. Họ có toàn quyền sử dụng tất cả các nhà hàng, tất cả các khách sạn, với mức phí không thể tin được” - ông Sosonko nhớ lại.

Đến năm 1984, Karpov (nhà vô địch thế giới 3 lần và là biểu tượng của lý tưởng Liên Xô) đã trở thành tài sản quý giá suốt 1 thập kỷ. “Đó là một người đến từ Ural, đại diện cho đất nước bằng sự quyến rũ. Ông ấy giống như một vị thần ở Nga. Là một trong số ít kỳ thủ Liên Xô có thể chơi các giải đấu ở nước ngoài, Karpov cũng là một trong những người giàu nhất” - ông Sosonko nói. Thời ấy, kỳ thủ này là 1 trong 3 hoặc 4 người ở Liên Xô sở hữu xe Mercedes.

Trong khi đó, Kasparov còn trẻ, đầy tham vọng, là người đại diện cho làn sóng mới. Nhưng kỳ thủ này có điểm yếu vì không phải là người Nga mà là người lai Do Thái và lai Armenia, đến từ Baku. Mặc dù có một số mối quan hệ với ông Heydar Aliyev - Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Azerbaijan và là Tổng thống tương lai của Azerbaijan, nhưng ứng cử viên trẻ tuổi này cũng được đánh giá là có cuộc sống phóng khoáng hơn.

Sự đối nghịch của tính bảo thủ ở Karpov và cấp tiến ở Kasparov đều hiện diện trong lối chơi của họ. Andrew Soltis - đại kiện tướng, nhà sử học cờ vua người Mỹ nói với CNN Sport: “Ở đây có một sự va chạm về mặt phong cách giữa những “người khổng lồ”. Kasparov đại diện cho một phong cách năng động và hung hăng, trái ngược với Karpov, người có phần bảo thủ hơn. Karpov hiếm khi thắng một ván đấu nào trong ít hơn 30 nước đi. Còn Kasparov thích thú với việc đánh nhanh, thắng nhanh”.

Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1984 giữa Anatoly Karpov và Garry Kasparov bắt đầu vào ngày 10-9, kéo dài 5 tháng

Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1984 giữa Anatoly Karpov và Garry Kasparov bắt đầu vào ngày 10-9, kéo dài 5 tháng

Cuộc so tài khắc nghiệt

Giải vô địch cờ vua thế giới năm 1984 bắt đầu vào ngày 10-9, theo các quy tắc cũ thì nhà vô địch là người đầu tiên thắng và hòa liên tiếp 6 ván. Sau 9 ván đấu và 25 ngày, Karpov đã thiết lập được lợi thế 4-0. Khi Kasparov bắt đầu kiểm soát trận đấu, 17 ván tiếp theo đôi bên ở thế giằng co, trước khi Karpov giành lại chiến thắng ở ván 27. Nhưng nhà vô địch đã không giữ được phong độ, ông mắc lỗi và trong ván 32, Kasparov giành lại lợi thế. Karpov nghĩ rằng ông có thể giành chiến thắng bằng cách chờ đối thủ phạm lỗi và lối đánh này hiệu quả lúc đầu, nhưng Kasparov đã không nản lòng. Cuối cùng, chính Karpov bị căng thẳng và có những nước đi rất tệ do mất bình tĩnh. 14 ván tiếp theo 2 kỳ thủ hòa, nhưng trong ván 47 và 48, Kasparov đã giành chiến thắng 2 ván liên tiếp để đưa tỷ số trở lại 5-3. Đột nhiên, Karpov bắt đầu hoang mang rằng phần thắng có thể tuột về tay đối thủ. “Chắc chắn, đà thắng đã chuyển sang Kasparov. Và trận chung kết, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ đặt cược rất nhiều vào Kasparov. Tôi nghĩ rằng Karpov đã trở thành cái bóng của bản thân” - đại kiện tướng Andrew Soltis nói.

Mức độ căng thẳng rõ ràng đã ảnh hưởng đến nhà đương kim vô địch, bởi ông đã sụt 10kg trong suốt trận đấu trong khi ngoại hình vốn nhỏ con. Theo các trợ lý, Karpov bị mất ngủ và ngày càng yếu. Vào thời điểm này, khi Kasparov dường như đã đảo ngược tình thế và cả 2 kỳ thủ đều muốn tiếp tục thì Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua thế giới Florencio Campomanes đã đưa ra một trong những quyết định bất ngờ nhất lịch sử môn thể thao cờ vua. Ông bay đến Matxcơva và tuyên bố ngừng trận đấu, viện dẫn lý do sức khỏe của các kỳ thủ. Ông nói thêm rằng, quyết định này được Liên đoàn Cờ vua Liên Xô ủng hộ.

Một ván cờ đôi

Suốt 40 năm qua, người ta chưa bao giờ có câu trả lời chắc chắn về việc liệu ông Campomanes có động cơ bí mật nào khi đưa ra quyết định này hay không. Theo suy nghĩ của ông Sosonko, lý do rất rõ ràng. “FIDE hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Liên Xô” - ông nói. Thậm chí, một số người cho rằng ông Campomanes (đã qua đời vào năm 2010) là một điệp viên của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB). “Tôi không đồng ý về đồn đoán ông ấy là điệp viên KGB, hoặc nhận được một số tiền cùng chỉ thị từ họ. Nhưng tôi tin ông ta hoàn toàn đứng về phía Liên Xô” - ông Sosonko nêu quan điểm.

Còn nhà sử học Soltis chỉ ra rằng, trong một số giải đấu khác, ông Campomanes từng cản trở các kỳ thủ Liên Xô nên thật vô lý nếu coi ông ta là người của KGB. Tuy nhiên, Soltis cũng tin rằng các quyết định trong suốt trận đấu dường như nhằm đem lại lợi thế cho Karpov. “Thông thường, các kỳ thủ có thể yêu cầu hoãn một trận đấu vì lý do sức khỏe. Cũng có những lần trận đấu hoãn lại do phía quan chức mà không có lời giải thích thực sự nào. Nhưng có một bàn tay vô hình đã mang lại điều có lợi cho Karpov” - ông Soltis giải thích.

Kết quả là, quan hệ giữa Chủ tịch FIDE và Liên Xô đã được củng cố. “Có vẻ như ông Campomanes thực sự đi nước cờ trúng 2 đích. Ông ta vừa giúp Karpov, vừa giúp Liên đoàn cờ vua Liên Xô trong vấn đề khó giải quyết này. Đáng tiếc là ông đã qua đời mà chưa từng tiết lộ vì sao lại đưa ra quyết định đó”. Mặc dù câu trả lời có thể sẽ chìm vào quên lãng, nhưng trận đấu của giải vô địch năm 1984 - 1985 ấy như một chỉ báo về sự thay đổi lớn. Sau năm 1984 - 1985, 4 giải vô địch thế giới tiếp theo đều có sự tham gia của Kasparov và Karpov. Trong đó, Kasparov đã thắng cả 4 trận, ghi danh là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất từ trước đến nay.

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-bi-an-quanh-tran-dau-dai-nhat-lich-su-lang-co-vua-the-gioi-post604164.antd
Zalo